Cần nâng cao nhận thức lợi ích từ việc phân loại rác thải tại nguồn
Cần nâng cao nhận thức lợi ích từ việc phân loại rác thải tại nguồn
Vài năm gần đây, hình ảnh những thùng rác sơn khác màu dành cho 3 loại, rác hữu cơ, rác tái chế và rác thải khác dần trở nên quen thuộc với người dân từ thành thị tới nông thôn.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động do người dân có thói quen vứt rác bừa bãi, lượng chất thải rắn sinh hoạt ngày càng gia tăng, tỉnh Cà Mau đang tập trung xây dựng các giải pháp nhằm hướng đến lộ trình phân loại rác thải từ hộ gia đình (tại nguồn). Qua đó, góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý và bảo vệ môi trường.
Tại tỉnh Cà Mau, để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định về bảo vệ môi trường và phân loại rác tại nguồn, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh đang tập trung xây dựng kế hoạch để phối hợp với các sở ngành, đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định, hướng dẫn đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đến các ngành, các cấp, đơn vị, tổ chức và người dân để hiểu rõ vai trò, trách nhiệm; nâng cao nhận thức và ý thức trong việc quản lý, thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức khác nhau.
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành lộ trình chuẩn bị các nội dung, hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đang dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Các nội dung chính trong dự thảo Quyết định bao gồm: Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (phân làm bao nhiêu loại); lựa chọn cách thức thu phí (cân khối lượng hay bán túi đựng); trách nhiệm của chủ cơ sở, thu gom, vận chuyển, xử lý; trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân và trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức lấy ý kiến theo quy trình trước khi trình UBND tỉnh ban hành.
Mục tiêu của việc phân loại rác tại nguồn nhằm giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; tăng lượng rác tái chế, tái sử dụng, tận dụng, tiết kiệm tài nguyên; mang lợi ích kinh tế cho gia đình và giảm ô nhiễm môi trường.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, khi áp dụng quy định phân loại rác tại nguồn vào thực tiễn sẽ có một số khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất và cũng là yếu tố quyết định đến công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là nhận thức và ý thức trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân. Bởi theo quy trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, người dân là chủ thể đầu tiên thực hiện bước phân loại.
Nếu không thực hiện tốt ở bước này, khiến các loại chất thải còn lẫn với nhau thì các bước, công đoạn tiếp theo như thu gom, vận chuyển và xử lý sẽ gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo mục tiêu của việc phân loại chất thải tại nguồn. Bên cạnh đó, cũng cần phải giải quyết vấn đề phát sinh khi người dân không phân loại hoặc phân loại rác không đúng hướng dẫn, không sử dụng bao bì đúng quy định và bị cơ sở thu gom, vận chuyển từ chối thu gom, vận chuyển. Ngoài ra, còn có khó khăn trong việc áp dụng công nghệ xử lý đối với rác thải đã được phân loại do tỉnh đã đầu tư Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành phố Cà Mau công suất 200 tấn/ngày, với công nghệ ủ phân compost trước khi có quy định về phân loại rác thải tại nguồn.
Nhìn nhận thực tế từ Hội thi “Tìm hiểu về phân loại rác tại nguồn- PLRTN” mới đây do Huyện đoàn Thới Bình phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau tổ chức lần đầu tiên tại Trường THCS-THPT Tân Bằng, xã Tân Bằng, chị Lý Bảo Trân, Bí thư Huyện đoàn Thới Bình, cho thấy, mặc dù 4 đội tham gia dự thi (xã Biển Bạch Ðông, xã Tân Bằng, xã Biển Bạch và Ðoàn trường THCS-THPT Tân Bằng) đã có sự tìm hiểu, nghiên cứu và chuẩn bị trước nhưng ở phần thi Ai nhanh hơn, để phân loại rác thực tế, thì lại lúng túng, phân loại nhầm lẫn 3 loại rác trong khi chính các bạn là một trong những lực lượng đi đầu trong các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu, và là người hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân thực hiện PLRTN.
“Thực tế tại các hộ dân, khu dân cư… việc PLRTN cũng còn rất mới mẻ, nếu có thì cũng chưa thực sự phân loại đúng, phát huy hiệu quả”, chị Trân cho biết thêm.
Có thể thấy rằng, cùng với các phương thức tuyên truyền, như phát tờ rơi, băng rôn trực quan sinh động với nhiều thông điệp ý nghĩa… việc tổ chức hội thi “Tìm hiểu về PLRTN” đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi về vai trò và tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về môi trường. Ðặc biệt là tầm quan trọng của việc PLRTN.
Ðội thi Ðoàn trường THCS-THPT Tân Bằng rất sáng tạo, có cách làm hay khi mang đến hội thi 3 thùng rác để thực hiện PLRTN được tái chế hoàn toàn từ rác thải. Cụ thể, thùng rác tái chế màu vàng rực rỡ được làm từ những bọc ni lông; thùng rác hữu cơ màu xanh lá làm bằng các lon nước ngọt lấy từ mô hình “Ngôi nhà 200 đồng” của trường; và thùng chứa rác thải khác thì được làm từ giấy carton cứng điểm xuyết đầy màu sắc.
Em Trần Nguyễn Khánh Vy, lớp 11C1, Trường THCS-THPT Tân Bằng, chia sẻ, những thùng rác sáng tạo này sẽ thu hút sự quan tâm của các bạn học sinh cũng như người dân khi ứng dụng tại các khu dân cư, nơi công cộng, từ đó, mọi người sẽ ý thức hơn trong việc bỏ rác vào thùng và PLRTN.
“Việc PLRTN góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra. Ðây còn là ý thức, trách nhiệm của mỗi chúng ta trong BVMT. Sau khi tham gia hội thi, tin chắc mọi người sẽ có những hành động đúng, thiết thực và tích cực chung tay BVMT”, Khánh Vy tin tưởng. Cũng chính từ những sáng tạo, sự hiểu biết và nắm vững kiến thức, đội thi của em xuất sắc đoạt giải Nhất. Riêng Vy được trao thưởng là thí sinh tiềm năng để trở thành tuyên truyền giỏi, nhất là trong lĩnh vực BVMT.
Anh Nguyễn Huỳnh Anh, Bí thư Ðoàn cơ sở xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, cho biết, người dân vẫn có thói quen vứt bỏ rác thải bừa bãi ra môi trường, kể cả những nơi có biển báo cấm vứt rác… đã tác động nghiêm trọng tới môi trường, gây mất mỹ quan và không tận dụng được các nguyên liệu có thể tái sinh.
“BVMT chuyển biến rõ nhất từ chính ý thức mỗi người. Do đó, bên cạnh việc ra quân thu gom rác thải, Ðoàn Thanh niên xã Tân Lộc Bắc sẽ tiếp tục tuyên truyền trực quan, phát tờ rơi… đồng thời sẽ phối hợp các đơn vị xã bạn tổ chức hội thi “Tìm hiểu về PLRTN” để thu hút người dân tham gia, qua đó, họ hiểu, họ thực hành và hình thành thói quen PLRTN”, anh Huỳnh Anh cho biết thêm.
Theo chị Lý Bảo Trân, 6 tháng đầu năm, Ðoàn bộ huyện đã triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật trong BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, cụ thể như: 100% đoàn cơ sở đồng loạt tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường, cải thiện cảnh quan gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao và đô thị văn minh; ra quân trồng cây xanh BVMT; thu gom, xử lý rác thải…
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn và các cơ sở đoàn trực thuộc tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện gắn với các công trình, phần việc thanh niên có ý nghĩa thiết thực, thông qua các đợt phát động cao điểm Tháng Thanh niên, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, đồng loạt “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngày Chủ nhật lao động”, “Ngày tình nguyện chung tay xây dựng NTM”. Nổi bật là công trình “Tuyến đường chuyển đổi số trong hoạt động BVMT”‘ “Tuyến đường thắp sáng đường quê”, “Bờ kè chống sạt lở”, chương trình “Ðổi rác thải nhựa lấy quà”, mô hình “30 phút vì thị trấn sáng – xanh – sạch – đẹp – văn minh – an toàn”, sửa lộ nông thôn, vườn ươm thanh niên, phát tờ rơi tuyên truyền BVMT, tặng túi BVMT…
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng Bảo vệ và Môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường để bổ sung tài liệu về PLRTN; đồng thời có giải pháp tạo điều kiện cho các bạn tiếp cận gần hơn, dễ nhớ hơn trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác. Song song đó, nỗ lực cùng chi bộ, chính quyền địa phương tích cực nâng cao nhận thức cho cộng đồng về ý thức trách nhiệm đối với việc BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu, thay đổi thói quen của người dân trong việc BVMT. Chú trọng nâng cao nhận thức người dân về PLRTN, phong trào chống rác thải nhựa, góp phần xây dựng xã NTM, NTM nâng cao và thị trấn văn minh đô thị; chung tay xây dựng huyện Thới Bình đạt chuẩn NTM”, chị Lý Bảo Trân thông tin.
Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, có hiệu lực từ ngày 25/8/2022. Theo đó, có quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác thải), không sử dụng bao bì chứa rác sẽ bị phạt tiền. Tuy nhiên, sau ngày 25/8/2022 chưa tiến hành xử phạt. Theo khoản 7, Ðiều 79, Luật BVMT năm 2020, thì chậm nhất là ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo khoản 1, Ðiều 75, Luật BVMT năm 2020 và thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị