Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 9/8/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 9/8/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/8/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/8/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, phát triển bền vững ngành nước
Theo ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội theo Tờ trình số 37/2023 ngày 17/2/2023 gồm 10 chương và 88 điều, cơ bản vẫn giữ nguyên số chương như Luật Tài nguyên nước năm 2012; cụ thể giữ nguyên 10 điều, sửa đổi, bổ sung 62 điều, bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 8 điều.
Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cụ thể hóa các quy định về quản lý tài nguyên nước đối với nước ngọt, nước mặt và nước lợ; quy định rõ hơn về các giải pháp phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; rà soát, bổ sung điều chỉnh một số thuật ngữ chuyên ngành đảm bảo đầy đủ, thống nhất, dễ hiểu; nghiên cứu bổ sung các chức năng về phòng, chống lũ, điều hòa chống úng, chống ngập đô thị.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quy định rõ trách nhiệm quản lý, phân cấp, phân quyền, tách bạch quản lý nhà nước giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương…; đồng thời rà soát các giải pháp sử dụng nước khoa học, tiết kiệm, tiếp cận theo hướng tuần hoàn nguồn nước.
Cục trưởng Châu Trần Vĩnh khẳng định với Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), mục tiêu của Việt Nam sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
Phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.
“Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước, trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương. Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước,” ông Châu Trần Vĩnh nhấn mạnh.
Đánh giá cao quá trình xây dựng Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng, ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đến nay, các chính sách lớn đã được thể hiện ở trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát các luật, bộ luật liên quan, các công ước quốc tế để hoàn thiện Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); rà soát kỹ sự phân cấp, phân quyền nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chia sẻ về một số cách thức quản lý tài nguyên nước hiệu quả tại Australia, ông James Alenxander Deane, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho rằng cần xem xét tất cả các mục đích sử dụng nước như sử dụng nước tiêu hao và không tiêu hao; cân bằng các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường; lắng nghe và tham vấn cộng đồng để có những chính sách tốt nhất…
Đặc biệt với quy hoạch lưu vực sông, cần xem xét việc chia sẻ giữa tổng lượng nước có thể sử dụng và cân đối, hài hòa các vấn đề về môi trường.
Sạt lở gây ách tắc trên đèo Mã Pí Lèng
Ngày 9/8, thông tin từ văn phòng UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho biết đoạn đèo sạt lở thuộc quốc lộ 4C, đoạn qua đèo Mã Pí Lèng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc.
Theo thông tin ban đầu, tình trạng sạt lở đã diễn ra từ tối 8-8, đến sáng 9-8 lượng đất đá đổ xuống nhiều kín mặt đường khiến giao thông tạm thời bị chia cắt. Nguyên nhân sạt lở được cho là do mưa lớn tại huyện Mèo Vạc trong những ngày qua.
Nhận được thông tin, UBND huyện Mèo Vạc đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng và người dân địa phương khắc phục để đảm bảo giao thông không bị gián đoạn.
Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, toàn bộ đất đá sạt lở đã được di chuyển, đoạn đường tại vị trí sạt lở đã được lưu thông bình thường.
Đèo Mã Pí Lèng, huyện Mèo Vạc là tuyến đường được nhiều người yêu thích khi khám phá Hà Giang bởi cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ. Đây cũng là một những đỉnh đèo của Việt Nam được khách quốc tế biết đến nhiều.
Điện lực các tỉnh phía Bắc khẩn trương khắc phục sự cố mưa lũ kéo dài
Trên địa bàn quản lý vận hành, kinh doanh bán điện thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc, hiện nay, các Công ty Điện lực như: Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng… khẩn trương ra quân tiếp cận hiện trường và triển khai phương án khắc phục lưới điện nhằm nỗ lực cung cấp điện trở lại cho người dân sớm nhất khi đảm bảo các yếu tố an toàn.
Nhiều khu vực đã được cấp điện an toàn trở lại. Tuy nhiên, tại một số địa bàn đường giao thông bị sạt lở, chia cắt như khu vực Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu)… lực lượng cứu hộ chức năng cũng như ngành điện gặp khó khăn trong việc tiếp cận địa bàn để xử lý sự cố.
Dự kiến phải mất thêm một vài ngày nữa để nối lại đường giao thông thì vật tư thiết bị mới có thể được vận chuyển tập kết phục vụ công tác đóng điện trở lại.
Quảng Bình: Lốc xoáy làm tốc mái hàng chục nhà dân ở khu vực biên giới
Từ ngày 5-9/8, trên địa bàn hai xã biên giới Trọng Hóa và Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã xảy ra nhiều trận lốc xoáy làm tốc mái hàng chục nhà dân.
Tại các bản Ka Ai, Bãi Dinh, Tà Rà thuộc xã Dân Hóa, lốc xoáy đã làm 43 nhà dân bị tốc mái, 1 cột điện bị gãy và làm hư hại nhiều cây xanh, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn.
Tượng tự, bản Chà Cáp, bản Si của xã Trọng Hóa có 10 nhà dân bị tốc mái do lốc xoáy. Riêng 2 hộ gia đình ông Hồ Thon và Hồ Bang có nhà bị tốc mái hoàn toàn, nhưng rất may không có thiệt hại về người.
Trước những diễn biến của thời tiết cực đoan, chính quyền xã Trọng Hóa, Dân Hóa đã khẩn trương phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Đồn Biên phòng Ra Mai huy động lực lượng khắc phục hậu quả, sửa chữa các ngôi nhà bị hư hỏng, giúp dân ổn định cuộc sống. Đồng thời, tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ, vì các hộ dân bị thiệt hại đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn.
Đắk Nông công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại 3 khu vực
Cụ thể, 3 khu vực bao gồm: Hồ chứa nước Đắk N’ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong); đường Hồ Chí Minh tại Km1.900+350 (đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa); khu vực sạt trượt ở Bon Bu Krắc và Bon Bu Prăng 1A (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức).
Khu vực công trình hồ chứa nước Đắk N’ting, do ảnh hường của mưa lớn kéo dài, ngày 1/8, phía đồi bên vai phải đập đất xuất hiện cung trượt lớn kéo dài khoảng 400m, từ hạ lưu tràn tới cống thoát nước số 1 đường tránh ngập, chiều cao cung trượt khoảng 30m. Dưới ảnh hưởng của cung trượt này, áp lực đất bên phía đồi vai phải công trình tác động lớn gây dịch chuyển bề mặt cầu qua tràn theo phương ngang, gây nứt vỡ bê tông mặt cầu, đường đỉnh đập và 2 bên mái gia cố thượng hạ đập. Đến ngày 6/8, vết nứt cung trượt lớn nhất 30cm, độ sụt đất tại một số vị trí sâu đến 60cm; làm dịch chuyển cầu tràn về phía độ đất lên 63cm; gây mất ổn định công trình, an toàn đập và vùng hạ du.
Tại đường Hồ Chí Minh tại Km 1.900+350 (đoạn qua phường Nghĩa Thành, Gia Nghĩa), ngày 2/8, xuất hiện các vết nút rộng từ 1-10cm, tổng chiều dài khoảng 200m. Những ngày tiếp theo, các về nứt tiếp tục mở rộng, kéo dài. Đến ngày 7-8, các vết nứt gãy, sạt trượt diễn biến phức tạp, chiều dài lớn nhất khoảng 400m, chiều sâu khoảng 4,5m; gây mất ổn định kết cấu hạ tầng giao thông, ảnh hướng lớn đền hoạt động tham gia giao thông tại khu vực, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tải sản các hộ dân xung quanh.
Khu vực sạt trượt Bon Bu Krắc và Bon Bu Prăng 1A, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, ngày 1/8 đã xuất hiện vết nứt gãy, tổng chiều dài đoạn nứt gãy khoảng 200m. Những ngày tiếp theo, các vết nứt tiếp tục mở rộng, kéo dài và xuất hiện thêm nhiều vết nứt xung quanh khu vực. Đến ngày 7/8, diễn biến các vết nứt gãy phức tạp, tổng chiều dài các vết nứt khoảng 540m, các đường nứt trên địa bàn Bon Bu Krăc đã kéo dài đến Bon Bu Prăng 1A, cách chân đập thủy lợi Đắc Ké khoảng 300m; gây mất ổn định kết cầu hạ tầng giao thông, nhà cửa ảnh hưởng lớn đến hoạt động tham gia giao thông tại khu vực, an toàn tính mạng và tài sản các hộ dân xung quanh.
Để ứng phó với thiên tai, Đắk Nông yêu cầu thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm đối với các công trình, khu vực nêu trên; nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không có phận sự vào khu vực cảnh báo nguy hiểm; di dời toàn bộ các hộ dân chịu ảnh hưởng; tổ chức trực ban tại công trình 24/24 giờ; quan trắc, theo dõi và đánh giá diễn biến thiên tai; sự dịch chuyển, nút gậy hạng mục công trình để kịp thời xử lý.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo, đối với hồ chứa nước Đắk Nting, phải tính toán lại kịch bản vỡ đập; khảo sát, đưa ra phương án thoát nước, giảm thiểu sạt trượt đất tại vai phải công trình. Đối với đường Hồ Chí Minh tại Km 1.900+350 phải tổ chức phân luồng giao thông, tập trung xử lý dòng tụ thủy giáp công trình, lên phương án thoát nước phù hợp. Đối với khu vực sạt trượt Bon Bu Krắc và Bon Bu Prăng 1A, xã Quảng Trực cần hạn chế nước đổ về các vết nứt, xem xét bố trí tái định cư cho các hộ dân di dời.
Xây dựng Nhà máy nước Sơn Thạnh trị giá 400 tỷ đồng tại Khánh Hòa
Đến dự có các ông: Trần Ngọc Thanh – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Trần Mạnh Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa.
Nhà máy nước Sơn Thạnh do Liên danh nhà đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước Sơn Thạnh và Công ty cổ phần Đầu tư ngành nước DNP thực hiện.
Nhà máy xây dựng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu nước sạch đạt tiêu chuẩn nước ăn uống, sinh hoạt, dịch vụ thương mại và sản xuất công nghiệp trong khu vực TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh, huyện Khánh Vĩnh và một phần huyện Cam Lâm.
Nhà máy sẽ xây lắp 2 tuyến ống cấp nước gồm: Tuyến ống số 1 có chiều dài 10,5km, cấp nước về phía huyện Diên Khánh và TP. Nha Trang; tuyến ống số 2 có chiều dài 6,7km, cấp nước về phía huyện Khánh Vĩnh. Dự kiến vào khoảng quý II/2024, Nhà máy sẽ vận hành với công suất khoảng 25.000m3/ngày đêm; sau năm 2025 sẽ vận hành với công suất 50.000m3/ngày đêm; đến năm 2030 nhà máy đạt công suất 100.000m3/ngày đêm…
Phát biểu tại Lễ động thổ, ông Lê Hữu Hoàng Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá, việc xây dựng Nhà máy nước Sơn Thạnh có ý nghĩa to lớn, đáp ứng nhu cầu của người dân, hàng trăm cơ sở hành chính, dịch vụ thương mại, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất trên địa bàn TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh, huyện Khánh Vĩnh và các khu vực lân cận.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư tập trung tối đa nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để hoàn thành dự án đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng công trình; kịp thời báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Ông Lê Hữu Hoàng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng các quy định; tiếp tục bàn giao mặt bằng còn lại để thực hiện dự án đúng tiến độ; có phương án kịp thời tiếp nhận, khai thác hiệu quả nguồn nước sạch từ Nhà máy nước Sơn Thạnh…
Được biết, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án này vào hồi tháng 5/2021.
TP.Hồ Chí Minh: Chuyển đổi số trong quản lý nguồn nước
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 41-CTrHĐ/TU ngày 7/6/2023 của Thành ủy TP.HCM về thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị (Kết luận 36) về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành việc lập các phương án, đề án, kế hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến nước để tích hợp vào quy hoạch chung của thành phố. Bảo đảm cấp nước ổn định cho sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt vùng ven biển Cần Giờ và xã đảo Thạnh An. Đồng thời, tập trung sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai bị hư hỏng, xuống cấp, đảm bảo khả năng kiểm soát mưa lớn, triều cường, chống lũ theo thiết kế.
Đến năm 2030, TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì ổn định, đảm bảo chất lượng và sản lượng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế – xã hội. Hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình điều tiết nước mặn, nước ngọt, tích trữ nước trên các lưu vực sông lớn. Hoàn thành sửa chữa, đầu tư, nâng cấp công trình chuyển nước, kết nối nguồn nước từ hồ chứa, hệ thống thủy lợi đảm bảo cấp nước ổn định, an toàn cho người dân, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và mở rộng diện tích tưới cho cây trồng cạn kết hợp nâng cao năng lực kiểm soát lũ của các công trình. Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; vận hành hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát an ninh nguồn nước trên địa bàn thành phố.
Tại TP.HCM, tỷ lệ cơ sở công nghiệp xử lý nước thải đạt 97% với tổng lượng nước thải xử lý là 99%; tất cả bệnh viện đều được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động với đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý để kiểm tra, giám sát.
Đến năm 2045, TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao tính chủ động tạo nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế – xã hội. Dự báo, cảnh báo dài hạn để ứng phó, xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi. Hoàn thiện chính sách về nước được đồng bộ, thống nhất liên ngành, liên vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị