Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/8/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/8/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/8/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/8/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Mưa lũ ở vùng núi phía Bắc khiến 3 người chết

Sáng 8/8, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, mưa lớn, sạt lở đất trong hai ngày 6 và 7/8 đã khiến 3 người chết (Yên Bái 1 người, Lào Cai 1 người, Hà Giang 1 người) và 2 người bị thương (Lào Cai 1 người, Cao Bằng 1 người).

Bên cạnh đó, mưa lũ làm 30 nhà sập; 169 nhà bị hư hỏng, ảnh hưởng; 146 ha lúa, hoa màu; 1 ha ao nuôi cá bị thiệt hại.

tm-img-alt
Mưa lũ khiến QL32 ở H.Mù Cang Chải (Yên Bái) bị chia cắt. Ảnh: ITN

Đường giao thông sạt lở trên các tuyến Quốc lộ 4H, 279D, 32, 6, 70, 34A, 34B, 4A 543D, 7A và nhiều tuyến tỉnh lộ. Chính quyền các địa phương, đơn vị quản lý đã tổ chức rào chắn cảnh báo, phân luồng giao thông và khắc phục bước 1; riêng QL279D, 32 địa bàn Sơn La, Yên Bái chưa thông xe. Ngoài ra, còn hàng trăm điểm sạt lở trên các tuyến tỉnh lộ.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, thiệt hại phát sinh do sạt lở đất từ ngày 6-7/8 khiến 24 nhà hư hại, 130 hộ dân di dời khỏi khu vực sụt lún, sạt lở đất.

Cũng theo địa phương này, sạt lở hồ chứa Đắk N’Ting vẫn tiếp diễn, huyện Đắk G’Long đã di dời 174 hộ trong vùng nguy hiểm ở hạ du đến nơi an toàn.

Còn theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến 21h ngày 7/8, mưa lớn gây lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại huyện Mù Cang Chải những ngày qua đã gây hậu quả nặng nề về người và tài sản.

Mưa lũ làm gẫy và cuốn trôi 3 cột điện 35KV tại xã Hồ Bốn, gây mất điện lưới quốc gia trên địa bàn toàn huyện.

Trong đó, 82 ngôi nhà bị ảnh hưởng; bị sập, trôi hoàn toàn 49 nhà (xã Hồ Bốn 22 nhà, Lao Chải 26 nhà, Khao Mang 1 nhà); bị thiệt hại nặng 22 nhà (xã Lao Chải 15 nhà, Kim Nọi 6 nhà, Mồ Dề 1 nhà); phải di dời khẩn cấp 11 nhà (xã Lao Chải 8 nhà, Khao Mang 3 nhà).

Mưa lũ làm 2 điểm trường bị sạt lở (Trường tiểu học bản Xéo Dì Hồ – xã Lao Chải bị sạt lở toàn bộ cổng trường và sau nhà ăn; Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Hồ Bốn bị thiệt hại về cơ sở vật chất).  Trạm Y tế xã Hồ Bốn bị thiệt hại về cơ sở vật chất (chưa thống kê được thiệt hại cụ thể).

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cho biết, tổng thiệt hại trong đợt thiên tai ước tính ban đầu là 20 tỷ đồng.

Yên Bái cảnh báo lũ sông Thao lên trên báo động 1

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên mức trên báo động (BĐ)1, sông Ngòi Thia dưới mức BĐ1. cả hai hướng đến vị trí sạt lở ta luy âm nền mặt đường Km326+200.

Nước sông ở Lào Cai dâng cao sẽ gây lên một đợt lũ trên sông Thao đoạn qua tỉnh Yên Bái (Ảnh minh họa)
Nước sông ở Lào Cai dâng cao sẽ gây lên một đợt lũ trên sông Thao đoạn qua tỉnh Yên Bái (Ảnh minh họa)

Hiện nay, mực nước trên các sông suối trong tỉnh Yên Bái đang lên, mực nước lúc 7 giờ ngày 8/8 trên sông Thao tại Yên Bái là 29,16m (dưới BĐ1 là 0,84m); sông Ngòi Thia 40,25m (dưới BĐ1 là 4,25m).

Cảnh báo từ ngày 8/8 đến ngày 10/8, trên các sông suối trong tỉnh Yên Bái sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên mức trên BĐ1, sông Ngòi Thia dưới mức BĐ1.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các khu vực trong tỉnh, đặc biệt tại một số huyện như: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên.

Đề phòng ngập úng một số vùng trũng thấp: Trấn Yên, Lục Yên, TP Yên Bái. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 1.

Đề nghị chính quyền địa phương và người dân cần đề phòng lũ trên các sông suối lên nhanh có thể ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, suối, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp tại các bãi, bờ; các công trình đang thi công như xây dựng cầu, kè bờ sông; gây nguy hiểm cho người dân khi lao động hay đi lại gần các sông, suối.

Trước đó, ngày 7/8, Báo Lào Cai đưa tin do ảnh hưởng của mưa tại chỗ kéo dài, kết hợp với lũ từ phía thượng nguồn Trung Quốc đổ về khiến lũ trên sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai lên cao.

Lúc 15 giờ ngày 7/8, Trạm Thuỷ văn Lào Cai quan trắc được mực nước lên tới 79,01m (dưới báo động I là 0,99m). Biên độ lũ đạt 1,04m. Đây là trận lũ cao nhất xuất hiện trên sông Hồng tính từ đầu mùa mưa 2023 đến nay và dự báo đỉnh lũ cao nhất khả năng lên tới 79,30m xảy ra vào tối nay, sau đó lũ giảm dần.

Còn tại Yên Bái, tính đến 21h ngày 7/8, mưa lớn gây lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại huyện Mù Cang Chải đã khiến 3 người thiệt mạng; 82 ngôi nhà bị sập, trôi hoàn toàn, thiệt hại nặng; 2 điểm trường bị sạt lở , 1 Trạm Y tế thiệt hại về cơ sở vật chất .

Mưa lớn gây lũ ống, lũ quét làm sạt lở gần 100 vị trí taluy dương và taluy âm trên quốc lộ 32 từ huyện Mù Cang Chải đi xã Hồ Bốn trong đó nhiều đoạn mất toàn bộ nền mặt đường, sẽ bị ách tắc giao thông trong nhiều ngày. Tổng thiệt hại ban đầu do thiên tai ước tính khảng 20 tỉ đồng. Tỉnh và huyện đang tập trung nố lực khắc phục hậu quả thiên tai và phấn đấu thông đường đi xe máy cả hai hướng đến vị trí sạt lở ta luy âm nền mặt đường Km326+200 qua xã Hồ Bốn trong hôm nay (8/8).

Cô Tô thu gom phao xốp, vật liệu nổi tràn vào bãi biển

Sáng 6/8, sau đợt sóng to, gió lớn, địa bàn huyện Cô Tô đặc biệt là khu vực bãi biển Tình Yêu, giáp ranh giữa địa bàn thị trấn Cô Tô và xã Đồng Tiến, tình trạng phao xốp, vật liệu nổi trôi dày đặc, kéo dài khoảng 7 km, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng xấu đến môi trường.

tm-img-alt
Hoạt động thu gom, xử lý phao xốp, vật liệu nổi tràn vào bãi biển tại Cô Tô.

Ngay sau khi phát hiện tình trạng phao xốp trôi dạt vào, huyện Cô Tô đã có chỉ đạo cán bộ, nhân dân thị trấn Cô Tô và xã Đồng Tiến, Công ty Môi trường Đô thị… huy động toàn lực chủ động, khẩn trương, thu gom phao xốp, vật liệu nổi tràn vào bãi biển và đảm bảo xử lý đúng quy trình.

Các hoạt động thu gom, dọn dẹp phao xốp, vật liệu nổi bảo vệ môi trường biển được tiếp tục thực hiện khẩn trương tại huyện Cô Tô, đảm bảo phục hồi diện mạo bãi biển cát trắng, cùng nước biển trong xanh, đem đến cho nhân dân và du khách cảnh quan xanh-sạch-đẹp.

Hoà Bình: Ban hành hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Cụ thể, theo hướng dẫn này quy định cụ thể nội dung và yêu cầu kỹ thuật việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân và cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh CTRSH từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng để tận dụng các thành phần có ích trong chất thải, giảm thiểu khối lượng chất thải phải xử lý nhằm hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và góp phần bảo vệ môi trường.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Phạm vi: Hướng dẫn kỹ thuật này áp dụng đối với phân loại CTRSH là chất thải phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của con người, hộ gia đình, cá nhân khu vực đô thị (không bao gồm chất thải từ hoạt động phá dỡ và xây dựng nhà ở).

Đối tượng sử dụng: Hướng dẫn kỹ thuật này áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khu vực đô thị có liên quan đến hoạt động quản lý CTRSH thực hiện các hoạt động về phân loại CTRSH. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ hướng dẫn kỹ thuật này để quyết định cụ thể việc phân loại CTRSH trên địa bàn.

Quy định của Ủy ban nhân dân cấp huyện cần phù hợp với thực tiễn của địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, trình độ dân trí, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sau phân loại tại địa phương, bảo đảm phù hợp với các quy định về quản lý CTRSH được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Nguyên tắc phân loại: Theo nguyên tắc cơ bản, CTRSH được phân loại thành các nhóm sau: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế. Chất thải thực phẩm. Chất thải cồng kềnh. Chất thải nguy hại. Chất thải thuộc nhóm sản phẩm, bao bì tái chế theo trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Chất thải có thể cháy được. Chất thải trơ (không cháy được).

Trường hợp đầu tư cơ sở xử lý CTRSH theo hình thức xã hội hóa hoặc theo hình thức đối tác công tư (PPP), việc phân loại CTRSH khác được thực hiện theo thỏa thuận giữa cơ quan có thẩm quyền với nhà đầu tư. Ví dụ: trường hợp áp dụng công nghệ đốt thì CTRSH khác được phân loại thành chất thải có thể cháy được và chất thải trơ, không cháy được.

Đối với các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì UBND cấp huyện căn cứ điều kiện thực tế hướng dẫn cụ thể. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hoặc chất cải tạo đất trồng trọt, làm thức ăn chăn nuôi.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, tổ chức triển khai Quyết định này. Giao Ủy ban nhân dân các huyện thành phố căn cứ hướng dẫn này, các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quản lý. Giao các Sở, Ban, Ngành, căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đà Nẵng: Tập huấn về môi trường và quản lý nhà nước về môi trường hướng tới phát triển bền vững

Chiều 7/8, UBND thành phố phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lớp Tập huấn về môi trường và quản lý nhà nước về môi trường hướng tới phát triển bền vững, với sự tham gia của hơn 80 học viên là cán bộ, chuyên viên công tác tại các sở, ban, ngành, Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện, lãnh đạo UBND các xã, phường và cán bộ, giảng viên Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng.

tm-img-alt
Quang cảnh buổi tập huấn

Trong 3 ngày, các học viên tham gia tập huấn được truyền đạt các chuyên đề vai trò của người dân trong bảo vệ môi trường; kinh tế tuần hoàn, nền tảng phát triển bền vững ở Việt Nam; phát triển bền vững về môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu – tiếp cận xuyên ngành và gợi ý chính sách; quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam; tác động của bãi rác thải Nam Sơn (Hà Nội) đến sinh kế người dân vùng lân cận và gợi ý chính sách đối với thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, các học viên có một buổi tham quan thực tế tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – FDI trên địa bàn thành phố.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Tập huấn kiến thức về tài nguyên và môi trường

Chiều 7/8, tại xã An Ngãi, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức tập huấn kiến thức về tài nguyên và môi trường cho hơn 100 cán bộ, hội viên nông dân trong huyện.

tm-img-alt
Bà con nông dân vận chuyển rác thải từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật lên xe chở đi tiêu hủy. Ảnh: TTXVN

Tại lớp tập huấn, cán bộ, hội viên nông dân được phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020; nội dung Nghị quyết số 20 ngày 21/7/2014 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tìm hiểu thực trạng rác thải và môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh; tác động tiêu cực của thuốc BVTV tới sức khỏe con người, phương pháp xử lý rác thải bao bì thuốc BVTV…

Sáng cùng ngày, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đã tổ chức lớp tập huấn “Nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ tài nguyên, môi trường” cho 100 cán bộ, hội viên nông dân huyện Đất Đỏ.

Vĩnh Bình (Long An) tái sử dụng thùng rác cũ, hư hỏng

Trước thực trạng nhiều thùng rác hư không được sử dụng, việc mua mới lại tốn nhiều kinh phí, Hội Nông dân Việt Nam (HNDVN) xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An đã triển khai, thực hiện mô hình Sửa chữa thùng rác sinh hoạt nhằm tái sử dụng các thùng rác cũ, hư hỏng.

tm-img-alt
Hội viên Hội Nông dân Việt Nam xã Vĩnh Bình phủ thêm lớp sơn lên thùng rác cũ. Ảnh: HNDVN xã Vĩnh Bình cung cấp

Tháng 02/2023, HNDVN xã Vĩnh Bình vận động hội viên (HV) tham gia sửa chữa thùng rác sinh hoạt cũ, hư hỏng. Sau khi thu gom từ 30-40 thùng rác cũ, hư hỏng trên các tuyến đường, các HV tham gia mô hình sẽ kiểm tra và lựa chọn các thùng rác có thể tái sử dụng. Với dụng cụ sẵn có như búa, kềm, giấy nhám, máy mài, vật liệu composite,… hơn 20 thùng rác được các HV chà rửa, vá lại phần bị thủng và phủ lớp sơn mới để tiếp tục “nhiệm vụ” chứa rác thải trên những tuyến đường công cộng, góp phần bảo vệ môi trường.

Mô hình Sửa chữa thùng rác sinh hoạt được địa phương và người dân ủng hộ vì hiệu quả cao, tiết kiệm kinh phí so với mua thùng rác mới. Theo Chủ tịch HNDVN xã Vĩnh Bình – Nguyễn Thành Trung, kinh phí sửa chữa 1 thùng rác dao động từ 50.000-70.000 đồng, còn mua 1 thùng rác mới khoảng 1,2 triệu đồng. Từ khi phát động mô hình đến nay, Hội sửa chữa được 80 thùng rác với tổng số tiền trên 4 triệu đồng. Việc sửa chữa còn giúp kéo dài thời hạn sử dụng thùng rác thêm 2-3 năm.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích