Sơn La: Giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường

Sơn La: Giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường

Các sở, ngành chức năng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm và chủ động giải pháp tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý, hiệu quả, bền vững.

Tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của tổ chức, cá nhân với việc bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia, hằng năm, các sở, ngành chức năng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm và chủ động giải pháp tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý, hiệu quả, bền vững.

Đối với tài nguyên đất, bảo đảm cân đối quỹ đất phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh đã triển khai lập Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp giai đoạn 2010-2020, 2021-2030, trong đó, xác định nhiệm vụ cân đối quỹ đất ưu tiên cho phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ trọng tâm.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thi hành Luật Đất đai bằng nhiều biện pháp hiệu quả, như việc hoạch định quy hoạch sử dụng đất và thực hiện quy hoạch thông qua kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh, hàng năm đối với cấp huyện, góp phần thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả; kết hợp bảo vệ diện tích, độ phì nhiêu của đất canh tác nông nghiệp; từng bước khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sử dụng đất.

Ngoài ra, UBND tỉnh kịp thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định mới về quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai tại Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND ngày 17/11/2021 của UBND tỉnh Sơn La.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Qua kiểm kê đất đai tỉnh Sơn La được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 1435/QĐ-BTNMT ngày 22/7/2021, diện tích đất chưa sử dụng là 289.126 ha, giảm 11.121 ha so với năm 2010, do đã được khai thác đưa vào sử dụng, chủ yếu chuyển đổi sang diện tích đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ.

Giữ rừng, trồng rừng để giữ đất, từ năm 2013 đến nay, các ngành, huyện, thành phố và nhân dân đã ra quân trồng mới 9.785 ha rừng, nâng độ che phủ của rừng đến năm 2023 ước đạt 48,2%. Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung bảo vệ 2 khu rừng đặc dụng (Xuân Nha, Tà Xùa), 2 khu rừng đặc dụng – phòng hộ (Sốp Cộp và Thuận Châu)và 1 Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, với tổng diện tích 76.974,7 ha.

Hiện nay, tỉnh ta có nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm dưới đất khá dồi dào, tập trung chủ yếu ở lưu vực hai con sông Đà và sông Mã, cùng nhiều con suối lớn nhỏ cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, do tác động của nhiều nguyên nhân, nguồn tài nguyên nước đang có sự suy giảm. Vì vậy, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý là một trong những yêu cầu nhiệm vụ mang tính cấp thiết, lâu dài, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương trong tỉnh.

Đến hết năm 2022, tỷ lệ người dân đô thị trên địa bàn tỉnh được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 93,52%, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,7%. Toàn tỉnh đang có hơn 1.400 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, tỷ lệ người dân sinh sống ở vùng nông thôn được sử dụng nước sạch đạt trên 92%. Bảo vệ nguồn tài nguyên nước là trách nhiệm của cả cộng đồng, mỗi người dân cần tham gia bằng những hành động thiết thực, như: Sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch trong sinh hoạt, hạn chế những việc làm có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Bảo vệ nguồn nước cũng là đang góp phần vào giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu, giữ gìn tài nguyên quốc gia.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết thêm: Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp, như: Thực hiện Dự án lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt đối với một số nhà máy cấp nước trên địa bàn Thành phố và Mai Sơn; rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân không chặt phá rừng; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh…

Đối với việc khai thác kháng sản, từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã cấp 52 giấy phép khai thác khoáng sản, hiện nay có 39 giấy phép còn hiệu lực. Các dự án khai thác khoáng sản đều được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thủ tục môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường. Trong quá trình khai thác, các cơ sở đều ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, kết thúc khai thác được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án đóng cửa mỏ kiểm tra việc hoàn thành phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong giai đoạn nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ theo quy định. Đến nay, 14 cơ sở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành Quyết định phê duyệt đóng cửa mỏ và đóng cửa mỏ khoáng sản, 9 cơ sở đang hoàn thiện hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất vật liệu và xây dựng Hùng An Mai, cho biết: Công ty hiện có 4 dây chuyền sản xuất gạch, đá xây dựng hiện đại, công suất 10 triệu viên gạch/năm và 50.000 m³ đá/năm. Là doanh nghiệp khai thác đá, phục vụ xây dựng trên địa bàn, hằng năm, đơn vị thực hiện nghiêm việc khai thác theo giấy phép được cấp, đảm bảo nộp ngân sách Nhà nước gần 3 tỷ đồng/năm.

Tiếp tục khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững, tỉnh Sơn La đang hoàn thiện việc đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính tỉnh Sơn La. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, sử dụng đất đai. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu môi trường, đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản làm cơ sở để quản lý, sử dụng tài nguyên hợp lý, bền vững.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích