Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 7/8/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 7/8/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 7/8/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 7/8/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Lai Châu: Mưa lớn tại Than Uyên gây sạt lở đất, làm 7 người thương vong

Theo đó, địa phương ghi nhận có 7 người thương vong. Trong đó 4 người chết, 3 người bị thương. Cụ thể: xã Tà Mung 2 người chết là ông Lường Văn Ơn, sinh năm 1972 bản Tà Mung; 1 cháu bé người H’Mông tên là Mùa A Sử sinh năm 2019 tại Bản Nậm Mở bị đất sạt vào nhà.

Xã Khoen On có 2 người người chết là bà Lò Thị Đinh, sinh năm 1967, bản Chế Hạng và 1 thi thể (chưa rõ danh tính, xã đang chỉ đạo Công an xã nhanh chóng rà soát xác định danh tính) được phát hiện tại suối Nậm Mở (khu Nà Kè); 3 người bị thương gồm ông Hà Văn Đăm, sinh 1967, bản Chế Hạng do sạt lở đất khu lán nương; 2 cháu bé: Hà Thị Quân và Hà Văn Hạnh ở bản Mùi 1 trên đường từ bản về nhà bị nước lũ cuốn, hiện các cháu đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Than Uyên.

Đặc biệt, tại khu vực giáp ranh giữa xã Mường Kim và xã Hố Bốn bị sạt khiến 8 người bị mắc kẹt ở giữa hai điểm sạt. Hiện 8 công dân đã được di chuyển an toàn về xã Hố Bốn của huyện Mù Cang Chải.

Mưa lớn trên địa bàn cũng làm thiệt hại về nhà và tài sản của 25 hộ dân tại các xã Mường Cang, Khoen On, Mường Kim, Tà Hừa và Tà Mung. Đất, đá vùi lấp và nước lũ cuốn trôi hàng trăm hécta lúa và hoa màu của nhân dân. Ngoài ra, tại địa phương ghi nhận thiệt hại lớn về giao thông, công trình thủy lợi và các công công trình công cộng khác, ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

tm-img-alt
Các tuyến đường bị sụt, lún, sói mòn nghiêm trọng.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND huyện Than Uyên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Than Uyên đã trực tiếp huy động lực lượng xuống cơ sở, phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị thi công trú đóng trên địa bàn tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, tiến hành kiểm tra, thống kê rà soát nhanh tình hình thiệt hại trên địa bàn xã, thị trấn để cập nhật và báo cáo theo quy định.

Về nhà ở tổ chức huy động dân quân và Nhân dân giúp vận chuyển đồ của các hộ dân có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Đến thời điểm hiện tại: 3 hộ dân bản Mường 2 đã được di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Các hộ dân còn lại đang tiếp tục được theo dõi, tuyên truyền, vận động di chuyển khi có tình huống xấu xảy ra.

Đối với các diện tích sản xuất bị thiệt hại, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn thống kê các diện tích nông nghiệp, thủy sản bị thiệt hại, UBND các xã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân khắc phục các diện tích bị sạt lở vùi lấp, tập trung chăm sóc các diện tích không bị ảnh hưởng do sạt lở.

Để khắc phục các tuyến đường và đảm bảo giao thông thông suốt, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị thi công, Phòng Kinh tế – Hạ tầng, UBND các xã khắc phục tạm một số tuyến đường để người dân có thể di chuyển, lên phương án khắc phục đảm bảo giao thông đi lại trong thời gian sớm nhất, hiện một số tuyến đã khắc phục đảm bảo giao thông đi lại.

Lào Cai ra quân khởi động Đề án xây dựng đô thị “Sa Pa sạch” giai đoạn 2023 – 2025

Dự Lễ ra quân có đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các đồng chí Thường trực Thị ủy, HĐND, UBND thị xã Sa Pa cùng đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức, Nhân dân thị xã.

tm-img-alt
Quang cảnh lễ ra quân

Đề án được triển khai nhằm mục đích nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật thực hiện nếp sống văn minh đô thị, có ý thức và hành vi văn hóa khi tham gia giao thông, thực hiện chỉnh trang đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường.

Tạo ra phong trào thi đua ở các cấp, các ngành và trong toàn dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng đô thị “Sa Pa Sạch”.

Phấn đấu đến năm 2025 Sa Pa là một trong 3 địa phương có môi trường thiên nhiên và mỹ quan không gian đô thị “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp” nhất trong nước.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; các nhà hàng, khách sạn, UBND các xã, phường, các điểm du lịch, các thôn, tổ dân phố và toàn thể nhân dân trên địa bàn cùng chung tay thực hiện vệ sinh, dọn dẹp, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông cống rãnh đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực sinh sống làm việc và kinh doanh.

Thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; chủ động làm đẹp cảnh quan môi trường, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, trang trí phù hợp; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, đậu, đỗ xe sai quy định; tự tổ chức tháo dỡ các mái che, mái vẩy,… công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm hành lang, vỉa hè ; tổ chức thu gom, gọn hóa đường dây điện và dây viễn thông trên các tuyến đường phố làm sáng các tuyến đường, phố góp phần làm đẹp thêm cho Khu du lịch quốc gia Sa Pa.

Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN thị xã Sa Pa đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-MTTQ ngày 26/7/2023 về triển khai thực hiện chương trình chung tay hỗ trợ điểm vệ sinh miễn phí phục vụ khách du lịch trên địa bàn thị xã. Trong đó dự kiến vận động các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, nhà dân thực hiện 200 điểm vệ sinh miễn phí, trong đó giai đoạn một triển khai 60 Điểm; giai đoạn hai thực hiện 140 điểm trên địa bàn các phường.

Với các mục tiêu, mục đích xây dựng đô thị “Sa Pa Sạch” hết sức ý nghĩa, hứa hẹn là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa; cụ thể hóa các chương trình, đề án trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đảng bộ thị xã lần thứ XXIII tiến tới xây dựng thị xã Sa Pa ngày càng giàu đẹp, văn minh, phấn đấu trở thành Khu du lịch Quốc gia mang tầm quốc tế.

Sơn La: Chính quyền huyện Mường La tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Báo Sơn La đưa tin, ngày 5/8 và sáng 6/8 trên địa bàn huyện Mường La, tỉnh Sơn La xuất hiện mưa vừa, mưa to. Tính đến 11h00 ngày 6/8, mưa lũ đã khiến một người ở bản Nà Lếch, xã Chiềng Lao tử vong do bị lũ cuốn trôi; 109 nhà bị ảnh hưởng, trong đó 8 nhà ở xã Chiềng Hoa, Chiềng Lao bị sập đổ hoàn toàn; 43 nhà dân ở các xã Chiềng Muôn, Mường Trai, Pi Toong, Ít Ong, Mường Bú, Chiềng San bị sạt lở tà ly, đá lăn vào nhà; 32 nhà dân ở Nậm Giôn, Pi Toong, Ít Ong, Tạ Bú, Nặm Păm có nguy cơ sạt lở cao; 26 nhà dân ở Nậm Giôn, Nặm Păm, Mường Chùm, Chiềng Lao phải di dời khẩn cấp.

Đồng thời, mưa to đã khiến sạt, tắc đường QL.279D tại 5 điểm; một số tuyến đường liên tỉnh, liên xã bị sạt lở 19 điểm, chiều dài khoảng 406m, khối lượng đất đá khoảng 738 m3, 1 ngầm tràn bị hư hỏng, 2 cầu treo bị ảnh hưởng. Diện tích lúa ruộng bị vùi lấp cuốn trôi 30,6ha; 0,4ha hoa màu, 1 ha ngô; khoảng 1.400 m kênh mương bị hư hỏng, vùi lấp; 1 công trình nước sinh hoạt bị ảnh hưởng, gẫy đổ 3 cột điện, lũ cuốn trôi 70 mét kè đất đá.Ước thiệt hại khoảng 4,3 tỷ đồng.

tm-img-alt
Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh huy động lực lượng hỗ trợ khắc phục thiên tại xã Chiềng Lao.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Mường La trực tiếp kiểm tra tình hình, chỉ đạo công tác khắc phục, thống kê thiệt hại; hỗ trợ các hộ di chuyển tài sản đến nơi ở an toàn. Đồng thời, động viên, thăm hỏi gia đình có người bị lũ cuốn trôi và các hộ dân bị sạt lở tà ly, đá lăn vào nhà và sập đổ hoàn toàn.

Chiềng Lao bị thiệt hại nhất trong đợt mưa lũ này, với 7 hộ dân bị trôi nhà hoàn toàn, 16 nhà dân bị di dời khẩn cấp và 1 người chết bị lũ cuốn trôi. Ông Quàng Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã đã huy động lực lượng, nhân dân, dân quân tự vệ giúp bà con di chuyển tài sản. Đối với các hộ bị trôi nhà hoàn toàn và nguy cơ cao bị sạt lở, xã đã đưa các hộ đến ở nhà văn hóa bản, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân; hỗ trợ kinh phí, động viên gia đình có người chết.

Ông Lò Bun Ly, Bí thư Đảng ủy xã Tạ Bú, cho hay: Tính đến 15h ngày 6/8, trên địa bàn xã có 8 hộ dân cần phải di dời khẩn cấp, 14 hộ có nguy cơ sạt lở cao, 70 hộ ảnh hưởng do sạt lở; hơn 12ha lúa, gần 2 ha ngô, sắn ở bản Pết và bản Bắc bị ảnh hưởng. Đảng ủy chỉ đạo UBND xã, Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN xã, các ngành chức năng, các bản huy động lực lượng dân quân tại chỗ để di chuyển các hộ dân về nơi an toàn. UBND xã, Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN xã tiếp tục nắm tình hình thời tiết, huy động lực lượng tại chỗ giúp dân bảo vệ tính mạng, tài sản, vận động các gia đình có nguy cơ sạt lở di chuyển kịp thời, đảm bảo an toàn.

Ngay từ đêm 5/6, lực lượng Công an huyện, Ban CHQS huyện Mường La và Đội cảnh sát PCCC và CNCH khu vực Mường La thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh, Công ty thủy điện Sơn La, Huổi Quảng – bản Chát đã huy động lực lượng, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân các xã bị ảnh hưởng mưa lũ.

Trung tá Lê Mùi, Trưởng Công an huyện Mường La, thông tin: Công an huyện đã bố trí trực 100% quân số trên toàn địa bàn huyện. Riêng địa bàn xã Chiềng Lao, đơn vị đã huy động 30 cán bộ, chiến sỹ Công an huyện phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cùng 4 xe ô tô, 4 nhà bạt giúp 24 hộ, 106 nhân khẩu ở bản Tạng Khẻ cũ, nay là bản Nà Lếch di rời tạm ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở.

Trước tình hình mưa lũ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, một số đoạn đường một số xã bị sạt lở, đá lăn, tắc cục bộ, khiến nhiều xe cộ, người dân không di chuyển được. Với nhiệm vụ quản lý 4 tuyến đường bao gồm quốc lộ 279D, tỉnh lộ 106, 109, 111 trên địa bàn huyện Mường La, hiện tại 4 tuyến đường đang bị thiệt hại nặng nề, Công ty CP Quản lý và xây dựng giao thông 1 Sơn La đã chủ động chỉ đạo huy động máy móc để khẩn trương thông tuyến.

Ông Trần Công Thìn, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và xây dựng giao thông 1 Sơn La, thông tin: Tính đến 12h00 ngày 6/8, tuyến quốc lộ 279D xảy ra sạt lở hơn 20 điểm, trong đó có 7 điểm tắc đường, với khối lượng sạt lở gần 20.000m3; dẫn đến không thể lưu thông được từ trung tâm huyện Mường La, tỉnh Sơn La, đi QL.32, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu và ngược lại; cầu Nặm Păm đã bị sói lở chân mố cầu. Công ty đang huy động 4 máy xúc, 2 ô tô đảm bảo an toàn giao thông từ bản Két vào đập Thủy điện Huổi Quảng để thông tuyến; đối với tỉnh lộ 109 đã đảm bảo thông tuyến; đối với đường tỉnh lộ 111, Công ty đang huy động máy móc khẩn trương thông tuyến. Hiện nay, mưa lũ vẫn đang tiếp tục diễn ra, trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, Công ty đang cố gắng hết sức đảm bảo thông tuyến trên địa bàn nhanh nhất.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN huyện Mường La, chia sẻ: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Mường La đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện, các xã, thị trấn chủ động kiểm tra, rà soát, sơ tán khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét hoặc bị ngập sâu khi mưa lớn để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phân công trực ban 24/24 giờ tại trụ sở; liên lạc và chỉ đạo các bản có nguy cơ sạt lở và ngập úng cao trực, kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc phòng, chữa bệnh cho người dân; bố trí chỗ ở tạm và có phương án tái định cư đối với những hộ gia đình bị mất nhà cửa.

Hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn đang tiếp tục mưa, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Cấp ủy, chính quyền huyện Mường La tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác khắc phục thiên tai; rà soát, xác định, phân vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở cao để có phương án cụ thể cho từng vùng; chủ động phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả khi có mưa lũ xảy ra trên địa bàn.

Nghệ An: Mưa lớn kéo dài gây sạt lở tại nhiều xã biên giới huyện Kỳ Sơn

Sáng 7/8, thông tin từ UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, mưa lớn liên tục trong những ngày qua khiến nhiều địa phương của huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An xuất hiện các điểm sạt lở. Một số tuyến đường bị ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Tuyến đường tỉnh 543D đoạn qua xã Mường Típ bị sạt lở bốn điểm taluy dương. Đặc biệt, khu vực bản Xốp Típ, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn bị sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông, các phương tiện và người dân không thể qua lại.Mưa lớn tại thượng nguồn cũng khiến nước sông Nậm Mộ dâng cao. Đoạn đường qua bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhà dân. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương cùng bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn đã khẩn trương gia cố bờ sông bằng bạt, cọc tre, bao tải cát.

tm-img-alt
Sạt lở gây chia cắt giao thông trong nhiều giờ đồng hồ

Được biết, Kỳ Sơn là huyện miền núi, địa hình dốc. Do địa chất thiếu sự kết dính nên mưa lớn kéo dài dẫn đến nguy cơ sạt lở cao. Chính quyền địa phương đã kiểm tra thực tế tại các khu vực sạt lở, khu vực trọng điểm xung yếu để đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hạn chế đi qua tuyến đường bị sạt lở.

Đồng thời, lãnh đạo địa phương cũng đề nghị các lực lượng chức năng nhanh chóng đặt biển cảnh báo, kiểm tra chặt chẽ các khu vực xung yếu, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân; thường xuyên theo dõi chặt chẽ, không được chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến bất thường của thời tiết.

Đề nghị công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở đất ở Đắk Nông

Ngày 7/8, Đoàn Công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã kiểm tra thực tế tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Những ngày qua, tại Đắk Nông liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở đất. Đặc biệt Hồ thủy lợi Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong), đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP Gia Nghĩa, khu vực bon Bu Krắc và bon Bu Prăng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức)… xuất hiện các vết nứt và sạt trượt kéo dài.

Sau khi kiểm tra thực địa, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết có khoảng 1 triệu m3 đất có nguy cơ sạt lở, trên diện tích khoảng 10 ha ở khu vực quanh Hồ thủy lợi Đắk N’Ting.

tm-img-alt

Trước tình hình cấp bách hiện nay, Bộ NN-PTNT đề nghị tỉnh Đắk Nông hạ tải khu vực này, xả nhanh lượng nước hiện có trong lòng hồ… để đảm bảo an toàn cho hồ chứa và người dân sinh sống phía dưới hạ lưu.

Trong thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên xuất hiện thời tiết cực đoan, tổng lượng mưa rất lớn khoảng gấp 2 đến 2,5 lần so với lượng mưa hàng năm. Mưa và tác động của con người đã tạo ra tổ hợp bất lợi cho các công trình hiện nay ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng, dẫn đến tình trạng sạt trượt.

“Đối với các công trình xảy ra sự cố, chủ đầu tư chỉ có 15 ngày để “cứu” công trình này trước khi sẽ có thêm một đợt mưa rất to nữa vào cuối tháng 8. Tôi đề nghị tỉnh Đắk Nông cần công bố ngay tình huống khẩn cấp về thiên tai để có các giải pháp ứng xử khẩn cấp” – Thứ trưởng Bộ NN-PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích