Cần sớm ban hành hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn chung của thành phố
Cần sớm ban hành hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn chung của thành phố
Ngày 2/8, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hà Nội tổ chức Hội thảo tập huấn “Vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong công tác BVMT; Các giải pháp phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; Giải pháp thu gom và xử lý, tái chế chất thải rắn”.
Để việc phân loại rác tại nguồn hiệu quả, các đại biểu cho rằng, chính quyền các cấp phải vào cuộc đồng bộ cùng với tổ chức đoàn thể tham gia việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đến từng hộ dân, khu dân cư, tổ dân phố theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, đồng hành và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện trong thời gian đầu triển khai.
Nhiều cách làm sáng tạo trong phân loại rác
Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hà Nội tổ chức Hội thảo tập huấn “Vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường; Các giải pháp phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; Giải pháp thu gom và xử lý, tái chế chất thải rắn”.
Hội thảo nhằm thực hiện Quyết định số 1843/QĐ-UBND ngày 2/6/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025” và chương trình công tác năm 2023.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội cho biết, nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội phụ nữ trong việc chủ động tham gia giải quyết những vấn đề về môi trường của thành phố, trong nhiều năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo Hội LHPN các quận, huyện và cơ sở đổi mới các phương thức truyền thông nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về bảo vệ môi trường. Các đơn vị xây dựng được nhiều mô hình, cách làm hay có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng như “Biến điểm rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”, “Đoạn đường/tuyến phố bích họa, nở hoa do phụ nữ tự quản”, “Đổi phế liệu lấy cây xanh”, “sạch đồng ruộng”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa dùng 1 lần”, “Thùng rác thân thiện”, gần đây là các mô hình “Phân loại, xử lý rác thải tại nguồn”; “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch”…
Để tiếp tục thúc đẩy vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội trong công tác bảo vệ môi trường, từ năm 2022 Hội LHPN Hà Nội đã xây dựng và được UBND thành phố phê duyệt thực hiện đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến 2025” với nhiều hoạt động và mô hình cụ thể góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động tham gia bảo vệ môi trường Thủ đô. Trong đó, mô hình “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” đang được triển khai thí điểm tại các huyện ngoại thành bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hoạt động tham gia bảo vệ môi trường của các cấp Hội Phụ nữ thành phố thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc dần thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tích cực, nếp sống văn minh trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, công tác tham gia bảo vệ môi trường của Hội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là trong tuyên truyền, vận động phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; Trong đó khó khăn lớn nhất là phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực đô thị.
Đồng hành, đôn đốc trong thời gian đầu triển khai
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về trực trạng công tác thu gom, xử lý rác thải của thành phố; Kinh nghiệm thực tế của các đại biểu đã và đang trực tiếp triển khai mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường; Đề xuất những giải pháp phù hợp, thiết thực trong thời gian tới để tổ chức Hội phụ nữ sẽ tham gia có hiệu quả trong việc xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh tiến tới xây dựng Hà Nội xanh, phát triển bền vững.
Chia sẻ kinh nghiệm về triển khai mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn”, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh Ngô Thị Thúy Hằng cho biết, tính đến nay trên địa bàn huyện Đông Anh đã có 23 xã, thị trấn tham gia thực hiện chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà. Trong đó có 4 xã đã triển khai 100% các thôn trong xã (Liên Hà, Dục Tú; Việt Hùng; Tàm xá), 20 xã và thị trấn còn lại (mỗi xã, thị trấn triển khai đến ít nhất 1 thôn hoặc tổ dân phố làm điểm). Đến tháng 3/2023 đã có 54.140 hộ gia đình tham gia phân loại rác tại nguồn đạt 57% số hộ, có 41.160 hộ tham gia phân loại và xử lý rác hữu tơ tại nguồn đạt 43% hố hộ tham gia.
“Trong quá trình triển khai, chúng tôi gặp một số khó khăn như việc triển khai thực hiện phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình của một số gia đình có diện tích chật hẹp khó triển khai. Các quy định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ phân loại rác thải tại nguồn chưa được cụ thể hóa. Thành phố chưa có hướng dẫn triển khai, chưa thực hiện việc thu giá dịch vụ môi trường theo khối lượng, chế tài xử lý đối với các trường hợp chưa phân loại rác khó áp dụng thực tế…”, bà Hằng cho biết thêm.
Bà Trần Thị Việt Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Long Biên chia sẻ, thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại hộ gia đình trong vòng 30 ngày lượng rác hữu cơ và rác tái chế đã giảm được 65% lượng rác thải ra môi trường…, còn lại là rác vô cơ và rác nguy hại do công ty môi trường đô thị xử lý là 35%. Nguồn thu lợi từ phân loại rác, từ tháng 5/2022 đến tháng 7/2023, số tiền thu được từ bán phế liệu thu được trên 860 triệu đồng. Đây là nguồn tiền lớn bổ sung nguồn quỹ hoạt động tại cơ sở, xây dựng quỹ nhân đạo từ thiện, hỗ trợ phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn, tặng thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tặng quà cho trẻ em mồ côi và phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.
Đề xuất những giải pháp phù hợp, thiết thực trong thời gian tới, các đại biểu kiến nghị UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các sở, ngành sớm ban hành đề án phân loại rác thải tại nguồn chung của thành phố; Hướng dẫn UBND huyện trong công tác phân loại rác thải và các cơ chế để triển khai thực hiện có hiệu quả; Nghiên cứu và áp dụng cơ thế thu giá dịch vụ môi trường theo khối lượng phát sinh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020…
Với lượng rác thải trung bình vào khoảng 7.000 tấn mỗi ngày, trong đó có khoảng 10 – 15% không được thu gom, xử lý gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong đó việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình và việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy rác thải rắn đã và đang trở thành vấn đề nan giải, thách thức lớn với công tác quản lý đô thị của thành phố; Tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của Thủ đô hiện nay và tương lai.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị