TPBVSK Maxmeli ‘thổi phồng’ chất lượng, Công ty Seson thừa nhận thiếu sót

Trước đó, trong bài viết “Lật tẩy chiêu trò quảng cáo TPBVSK Maxmeli sai sự thật, đánh lừa người tiêu dùng”Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã thông tin về việc thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) tăng chiều cao Maxmeli được quảng cáo sai sự thât, đánh lừa người tiêu dùng. 

Theo tìm hiểu của phóng viên Chất lượng Việt Nam, sản phẩm Maxmeli được sản xuất tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương VIHECO (địa chỉ Khu công nghiệp Quang Minh mở rộng, thị trấn Chỉ Đông, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội). Đơn vị chịu trách nhiệm phân phối, công bố sản phẩm là Công ty TNHH Thương mại và Truyền thông Seson (địa chỉ tại Khu 1, thôn Văn Lôi, Xã Tam Đồng, Huyện Mê Linh, Hà Nội).

Cụ thể, trên hai website https://www.caithienchieucao.com và https://www.hoichieucao.com/, TPBVSK Maxmeli được quảng cáo có công dụng “Hỗ trợ tăng chiều cao bằng Aquamin F; Bổ sung vitamin D3 giúp tổng hợp canxi hiệu quả; Hỗ trợ chắc khoẻ xương; Sản phẩm đạt tiêu chuẩn GMP WHO; Hỗ trợ tăng chiều cao hiệu quả giúp xương và răng chắc khoẻ”. Sản phẩm này còn được quảng cáo có hiệu quả chỉ sau 20-30 ngày uống và “chiều cao sẽ tăng lên trông thấy”. Đồng thời, theo nội dung quảng cáo trên webiste, sản phẩm còn dùng được cho cả “phụ nữ có thai và cho con bú”.

 

 TPBVSK Maxmeli được quảng cáo quá đà trong những video đăng tải trên Youtube. Ảnh minh hoạ

Để làm rõ thông tin về sản phẩm, phóng viên đã vào vai khách hàng, tiến hành đặt mua sản phẩm Maxmeli trên website https://www.caithienchieucao.com. Khi truy cập vào website này, người dùng có thể dễ dàng nhìn thấy thông tin về chương trình khuyến mãi do chính webiste này tổ chức. Chương trình tặng sản phẩm trong ngày và nếu muốn có được sản phẩm, người dùng phải để lại một số thông tin như họ và tên, số điện thoại, tuổi và tình trạng cân nặng.

Sau khi điền đủ thông tin như hướng dẫn, phóng viên ngay lập tức nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là “chuyên viên dinh dưỡng” với 5 năm kinh nghiệm trong hỗ trợ khách hàng sử dụng sản phẩm tăng chiều cao. Người này giới thiệu sản phẩm Maxmeli “được sản xuất theo công nghệ tiên tiến hiện đại của Mỹ, thành phần chính là nano canxi có công dụng giúp thẩm thấu canxi vào các đầu sụn khớp, kích thích mô xương sụn phát triển tự nhiên. Đồng thời giúp cho việc hấp thu canxi từ thức ăn hàng ngày đạt hiệu quả tối đa”.

Mặc dù theo nội dung chương trình khuyến mãi trên website https://www.caithienchieucao.com, sản phẩm Maxmeli “chỉ tặng, không bán”, tuy nhiên, theo người tư vấn sản phẩm, Maxmeli có giá thành hơn 02 triệu đồng gồm 03 lọ khác nhau và do công ty có chương trình khuyến mãi nên khách hàng chỉ phải thanh toán chi phí đóng thuốc và phí vận chuyển với tổng số tiền 850.000 đồng.

Chương trình khuyến mãi được tổ chức một cách tinh vi để dẫn dụ khách hàng vào “bẫy”.

Để tăng tính thuyết phục, nhân viên tư vấn nói thêm, ngoài 20 là độ tuổi vàng cho việc tăng chiều cao, hỗ trợ tốt nhất lượng canxi còn thiếu để tạo ra chất nhờn nuôi dưỡng xương khớp. TPBVSK tăng chiều cao Maxmeli đã được Bộ Y tế kiểm định và cấp phép lưu hành trên toàn quốc.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Bộ Y tế không cấp bất cứ giấy tờ “kiểm định” cho sản phẩm thực phẩm chức năng nào. Loại “kiểm định” mà người này nói trên thực tế chỉ là “Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm” mà Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp cho doanh nghiệp, đơn vị chịu trách nhiệm công bố sản phẩm. Còn về việc chất lượng sản phẩm có tốt và đúng như doanh nghiệp tự công bố hay không thì phải qua quá trình hậu kiểm mới có thể xác định được.

Có thể thấy, đây rõ ràng là chiêu trò mượn danh cơ quan y tế (cụ thể là Cục An toàn thực phẩm) để quảng cáo trái phép cho sản phẩm Maxmeli. Nếu không tỉnh táo, người dùng rất dễ tin vào những thông tin này và mua phải sản phẩm không có hiệu quả như mong muốn.

Chưa dừng lại ở đó, người tư vấn còn cam kết nếu sử dụng Maxmeli, khách hàng có thể tăng được từ 3 đến 5cm chiều cao (khi làm theo đúng liệu trình và hướng dẫn). Nhân viên tư vấn cũng gửi kèm hình ảnh về một số phản hồi tốt của khách hàng (chưa xác định được khách hàng này là giả hay thật) đã sử dụng sản phẩm Maxmeli. Trên hai trang website https://www.caithienchieucao.com, https://www.hoichieucao.com/, bên cạnh hình ảnh tin nhắn phản hồi của khách hàng (chưa xác định được là thật hay giả) còn có những video được dẫn lại từ Youtube. Nội dung video xoay quanh việc quảng cáo cho hiệu quả của việc sử dụng sản phẩm tăng chiều cao Maxmeli.

Tuy nhiên, nếu xem hết và để ý kỹ các chi tiết trong video này, khách hàng hoàn toàn có thể nhận ra rằng, nội dung của các video dường như đã được dàn xếp trước. Bởi thông tin về hiệu quả của sản phẩm được nêu trong video là phi lý và khó thành hiện thực. Cụ thể, trong video có một người (tự giới thiệu đã từng sử dụng sản phẩm) và sau 2 tháng, chiều cao được cải thiện rõ rết từ 1m48 lên đến 1m57?

Chưa dừng lại ở đó, nhân viên cơ sở kinh doanh này sử dụng những lời lẽ đe doạ, thậm chí là sử dụng hình ảnh của phóng viên với mục đích xấu nhằm bắt ép phải nhận hàng.

Người tự xưng là chuyên viên dinh dưỡng sử dụng những lời lẽ đe doạ, thậm chí là dẫn Luật Dân sự để đe doạ phóng viên (trong vai người tiêu dùng liên hệ mua hàng). Ảnh: Diệu Hương

Doanh nghiệp nói “khó quản lý”, rủi ro ai chịu?

Sau khi đăng tải thông tin, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã nhận được phản hồi từ bà Kiều, người tự xưng là đại diện truyền thông của Công ty TNHH thương mại truyền thông Seson. Bà Kiều cho biết, hai website https://www.caithienchieucao.com và https://www.hoichieucao.com/ không phải do công ty trực tiếp quảng cáo sản phẩm. Seson là công ty trực tiếp phân phối sản phẩm cho các nhà buôn, đại lý, người có nhu cầu nhập sản phẩm Maxmeli về bán hàng cho nên công ty Seson không thành lập 2 website trên để trực tiếp bán hàng. 

“Nhà nước không kiểm soát được việc cá nhân mua tên miền nhằm mục đích kinh doanh. Ngoài ra, công ty phân phối sản phẩm tới rất nhiều cấp đại lý nên gặp khó khăn trong khâu quản lý. Chính điều đó đã dẫn đến tình trạng một vài cá nhân nhỏ lẻ tư vấn bán hàng cho khách chưa chính xác”, bà Kiều thông tin.

Đại diện Công ty TNHH thương mại truyền thông Seson cũng thừa nhận chưa làm tốt vai trò quản lý khâu quảng cáo, bán hàng: “Có thể những đại lý bán buôn, bán lẻ không chỉ bán mỗi sản phẩm của công ty (tức của Seson), họ bán cả sản phẩm công ty khác hoặc khi thương hiệu sản phẩm này đi xuống họ lại nhập sản phẩm khác về để bán. Vậy nên đôi khi họ chỉ cần tư vấn để làm sao bán được hàng mà không quan tâm tới những ảnh hưởng tới công ty. Sự việc xảy ra rồi, việc người bán hàng làm chưa tốt cũng là trách nhiệm của chúng tôi trong khâu quản lý quảng cáo, bán hàng”.

Khi được hỏi về vấn đề người tư vấn bắt ép khách hàng phải mua hàng, thậm chí khách hàng còn bị đe dọa, đại diện Công ty TNHH thương mại truyền thông Seson cho biết, phía công ty chưa thể tiến hành kiểm tra được vì hiện tại công ty có rất nhiều cấp đại lý lớn nhỏ (thậm chí chỉ là một cá nhân nhỏ) nhập hàng về bán.

Có thể thấy, mặc dù là doanh nghiệp chịu trách nhiệm phân phối, công bố sản phẩm nhưng Công ty TNHH thương mại Seson dường như chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Câu hỏi đặt ra, công ty này có trách nhiệm gì hay không khi khách hàng bị đưa vào “bẫy” bởi những thông tin quảng cáo sai sự thật hay chiêu trò lừa đảo dưới danh nghĩa “chương trình khuyến mãi”?

Đại diện công ty cho biết do có nhiều cấp đại lý, đơn vị nhập hàng nên việc quản lý khó khăn. Vậy phải chăng, công ty này đã buông lỏng việc quản lý phân phối hàng hóa? Cho dù là sản phẩm Maxmeli được cá nhân, đại lý hay tổ chức nào phân phối, bán lại đi chăng nữa, lợi nhuận cuối cùng sẽ chảy về đâu? Nếu vì tin vào những quảng cáo sai sự thật rồi mua sản phẩm Maxmeli, người tiêu dùng có được đền bù hay phải tự chịu rủi ro?

Để làm rõ những vấn đề trên, Chất lượng Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng như Tổng cục Quản lý thị trường, Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra Cục An toàn thực phẩm vào cuộc kiểm tra việc phân phối, quảng cáo sản phẩm Maxmeli trên thị trường.

Theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012, các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh; Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm cũng quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!

Diệu Hương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích