Cần phân vùng cảnh báo các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá ở Hòa Bình
Cần phân vùng cảnh báo các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá ở Hòa Bình
Trước tình hình sạt lở đất xảy ra liên tiếp trong các ngày gần đây, chuyên gia địa chất cho rằng việc định hướng quy hoạch dân cư cho các vùng có nguy cơ trượt lở đất đá cao trên cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng là hết sức cần thiết.
Khoảng 8 giờ 40 phút, ngày 4/8, tại Km128+740/QL6 đã xảy ra sạt lở đất đá nghiêm trọng tại xóm Tòng, xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu, Hòa Bình.
Theo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, trên địa bàn huyện Mai Châu, diện tích phân bố các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao khoảng 131 km2, chiếm tỷ lệ ~23% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện; nguy cơ trượt lở đất đá cao khoảng 201 km2, chiếm ~35%; nguy cơ trượt lở đất đá trung bình khoảng 153 km2, chiếm ~27%; nguy cơ trượt lở đất đá thấp khoảng 54 km2, chiếm ~10%; và nguy cơ trượt lở đất đá rất thấp khoảng 30 km2, chiếm ~5% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện Mai Châu. Đánh giá tổng thể theo ý kiến chuyên gia, và đối sánh với thực tế hiện trạng và nguy cơ trượt lở đất đá cho thấy, huyện Mai Châu được xác định là huyện có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao trong khu vực miền núi Việt Nam.
Kết quả phân vùng và đánh giá mức độ nguy cơ trượt lở đất đá cho 23 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Mai Châu cho thấy có 17 xã được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao (các xã Chiềng Châu, Cun Pheo, Đồng Bảng, Hang Kia, Mai Hịch, Nà Mèo, Nong Luông, Pà Cò, Phúc Sạn, Pù Pin, Săm Khóe, Tân Mai, Tân Sơn, Thung Khe, Tòng Đậu, Vạn Mai và Thị trấn Mai Châu); có 6 xã được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá cao (các xã Ba Khan, Bao La, Mai Hạ, Nà Phòn, Piềng Vế, Tân Dân). Theo kết quả này, Tòng Đậu là một trong những xã có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao, nên sạt lở đất đá nghiêm trọng tại xóm Tòng, xã Tòng Đậu xảy ra sáng 4/8 là điều khó tránh khỏi.
Các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao chiếm tỷ lệ diện tích đáng kể trên địa bàn các xã của huyện Mai Châu. Điển hình nhất là chiếm khoảng 40-44% diện tích tự nhiên của các xã Đồng Bảng, Nong Luông; chiếm 32-37% diện tích các xã Tân Mai, Vạn Mai, Thung Khe; chiếm 21-27% diện tích các xã Hang Kia, Pù Pin, Cun Pheo, Tòng Đậu, Nà Mèo, Pà Cò, Piềng Vế và Thị trấn Mai Châu; chiếm 11-19% diện tích các xã Chiềng Châu, Phúc Sạn, Tân Dân, Mai Hịch, Săm Khóe, Ba Khan; chiếm 4-10% diện tích các xã Tân Sơn, Bao La, Mai Hạ; và ít nhất là chiếm khoảng 1% diện tích của xã Nà Phòn.
Các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao cũng chiếm tỷ lệ diện tích rất đáng kể trên địa bàn các xã của huyện Mai Châu. Điển hình nhất là chiếm khoảng 40-52% diện tích tự nhiên các xã Phúc Sạn, Đồng Bảng, Nà Mèo, Nong Luông, Hang Kia, Pà Cò, Pù Pin, Vạn Mai; chiếm 26-39% diện tích các xã Tòng Đậu, Chiềng Châu, Thung Khe, Cun Pheo, Mai Hịch, Săm Khóe, Mai Hạ, Tân Mai, Ba Khan, Tân Sơn, Tân Dân và Thị trấn Mai Châu; và ít nhất cũng chiếm tới 14-20% diện tích các xã Piềng Vế, Bao La, Nà Phòn.
Tất cả những số liệu quan trọng trên được Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thống kê trong kết quả về bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá khu vực tỉnh Hòa Bình tỷ lệ 1:50.000, sản phẩm của Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” (đề án).
Sớm phân vùng cảnh báo các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá
Trong khuôn khổ đề án, khu vực tỉnh Hòa Bình đã được tiến hành công tác Thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 trong năm 2018, với đơn vị chủ trì là Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản. Công tác này được tiến hành trên cơ sở đánh giá đặc điểm hiện trạng trượt lở đất đá trong mối quan hệ với thực trạng các điều kiện tự nhiên – kinh tế – xã hội của các khu vực miền núi tỉnh Hòa Bình.
Kết quả triển khai trên toàn bộ diện tích khu vực tỉnh Hòa Bình, đề án đã xác định toàn vùng điều tra có nguy cơ trượt lở đất đá ở 5 mức độ khác nhau, trong đó diện phân bố của các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao vào khoảng 476 km2 (chiếm tỷ lệ ~10% diện tích tự nhiên toàn tỉnh Hòa Bình); nguy cơ trượt lở đất đá cao vào khoảng 1.032 km2 (chiếm tỷ lệ ~23% diện tích tự nhiên toàn tỉnh Hòa Bình), nguy cơ trượt lở đất đá trung bình vào khoảng 1.264 km2 (chiếm tỷ lệ ~28% diện tích tự nhiên toàn tỉnh Hòa Bình), nguy cơ trượt lở đất đá thấp vào khoảng 980 km2 (chiếm tỷ lệ ~21% diện tích tự nhiên toàn tỉnh Hòa Bình), và nguy cơ trượt lở đất đá rất thấp vào khoảng 846 km2 (chiếm tỷ lệ ~18% diện tích tự nhiên toàn tỉnh Hòa Bình).
Đánh giá tổng thể theo đơn vị hành chính cấp tỉnh trong toàn bộ các vùng miền núi Việt Nam thì Hòa Bình được xác định là tỉnh có mức độ nguy cơ trượt lở đất đá cao. Đánh giá tổng thể ở từng khu vực theo đơn vị hành chính cấp huyện thì trong số 11 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Hòa Bình, có 1 huyện được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao (huyện Mai Châu), 6 huyện được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá cao (các huyện Cao phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Kim Bôi, Kỳ Sơn và Thành phố Hòa Bình), và 4 huyện được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá trung bình (các huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn và Yên Thủy).
Đánh giá tổng thể ở từng khu vực theo đơn vị hành chính cấp xã thì trong số 210 xã/phường của tỉnh Hòa Bình, có 46 xã được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao; 67 xã được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá cao; 77 xã được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá trung bình; 17 xã được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá thấp; và 3 xã được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá rất thấp.
TS. Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng các khu vực có các mức độ nguy cơ trượt lở đất đá đã được dự báo và phân vùng cảnh báo cho khu vực tỉnh Hòa Bình có thể được định hướng quy hoạch dân cư, xây dựng các công trình theo đề xuất.
Cụ thể, các khu vực thuộc phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá rất cao là những nơi không thể sinh sống được, cần di dời ngay dân cư và có biện pháp phòng tránh thỏa đáng đối với các công trình khác đang bị đe dọa.
Các khu vực thuộc phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cao là những nơi có thể sinh sống được nếu có biện pháp phòng tránh thỏa đáng, cần có biện pháp khắc phục thỏa đáng đối với các công trình đã có, không xây dựng công trình mới.
Các khu vực thuộc phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá trung bình là những nơi có thể sinh sống và xây dựng công trình mới được, nhưng cần phải chú ý thực hiện các biện pháp phòng tránh giảm thiểu hậu quả.
Các khu vực thuộc phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá thấp là những nơi có thể sinh sống và xây dựng công trình mới được, nhưng vẫn cần chú ý các giải pháp phóng tránh lâu dài.
Còn các khu vực thuộc phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá rất thấp là những nơi sinh sống ổn định, chưa xác định được các điều kiện gây nguy cơ trượt lở đất đá.
TS. Trịnh Xuân Hòa: “Công tác đánh giá và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá khu vực miền núi tỉnh Hòa Bình, xác định cụ thể các vùng có nguy cơ cao đến rất cao sẽ được thực hiện dựa trên các kết quả điều tra hiện trạng trượt lở đất đá. Trên cơ sở đó mới có thể có các kết luận cụ thể hơn về công tác di dời, sắp xếp dân cư. Công tác chuyển giao kết quả (chuyển giao bộ sản phẩm: Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 khu vực miền núi tỉnh Hòa Bình và thuyết minh đi kèm về địa phương cần phải đi cùng công tác giáo dục cộng đồng, hướng dẫn sử dụng và phối hợp với địa phương cập nhật thông tin theo thời gian, cung cấp thêm các nhà khoa học làm cơ sở cho công tác hiệu chỉnh các kết quả dự báo, hỗ trợ địa phương và các cơ quan, ban ngành quản lý, quy hoạch và xây dựng có thêm các cơ sở tài liệu định hướng phát triển dân cư, giao thông và kinh tế khu vực”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị