Bù Gia Mập- Bình Phước: Làm tốt mô hình phân loại rác thải tại nhà

Bù Gia Mập- Bình Phước: Làm tốt mô hình phân loại rác thải tại nhà

Việc phân loại rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình sẽ góp phần giảm thiểu lượng rác và chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác.

Rác thải nói chung, rác thải sinh hoạt nói riêng hiện nay đang là mối đe dọa lớn đến đời sống con người, đặc biệt là trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19 mấy năm vừa qua, nếu rác thải không được phân loại, thu gom và xử lý một cách triệt để, đúng quy định thì sẽ là mối nguy hại rất lớn đến đời sống con người.

Phân loại rác thải từ hộ gia đình (tại nguồn) góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra. Đây còn là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 đã có nhiều điểm mới quy định rõ và cụ thể hơn về trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường. 

Theo số liệu của Viện nghiên cứu Môi trường và Công nghiệp Việt Nam, trung bình rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn phát sinh 0,5kg/người/ngày, khu vực đô thị khoảng 1kg/người/ngày. Mỗi năm, các địa phương đều “đau đầu” với bài toán xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường, đồng thời củng cố tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Bởi lượng rác thải ra ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng quá tải tại các bãi rác, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu dân cư và vấn đề tìm vị trí thích hợp để quy hoạch bãi rác tập trung cũng không dễ.

Trong khi đó, công tác thu gom, xử lý rác hiện nay chủ yếu vẫn mang tính thủ công, sử dụng phương tiện thu gom thô sơ chuyên chở về nơi tập trung rồi xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp. Đơn vị thu gom vẫn chưa thực hiện phân loại rác trong quá trình thu gom, vận chuyển mà thường bỏ chung tất cả rác để vận chuyển đi.

tm-img-alt
Dù tuổi đã cao nhưng ông Trần Thanh Hùng (xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập) vẫn hăng hái góp sức mỗi ngày vào việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Ảnh IT

Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, hạn chế ô nhiễm, tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển, thu gom. Do đó, việc thực hành và tạo thói quen phân loại rác cho người dân là rất quan trọng.

“Tôi thấy việc làm này vừa thiết thực vừa sạch sẽ, vệ sinh môi trường mà cũng không khó làm. Rác sinh hoạt thải ra, chỉ có rác vô cơ không phân hủy được mới chờ đội vệ sinh môi trường của xã đến thu gom. Nhờ vậy lượng rác cũng giảm nhiều” – chị Lê Thị Tú, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 6B, xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chia sẻ.

Chi hội của chị Tú đã triển khai thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nhà từ nhiều năm nay. Mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt của gia đình chị đều được phân thành 3 loại. Rác vô cơ bỏ vào một thùng. Rác hữu cơ bỏ vào một thùng. Số rác có thể tái chế được chị dồn lại bỏ riêng vào bao tải. Thói quen bỏ tất cả rác vào chung một thùng đã không còn. Phân loại rác thải mỗi ngày, chính chị cũng cảm thấy sự thay đổi rõ rệt từ môi trường sống xung quanh.

“Khi mình làm hằng ngày thì sẽ biết phân loại thôi. Trước đây, mình cứ gom hết lại nên hầu như ngày nào cũng có bịch rác lớn. Nhưng bây giờ vài ngày mới gom được một bịch. Đến nhân viên thu gom rác cũng bảo nhà mình sao nay ít rác” – chị Nguyễn Thị Huyền, thôn 6B, xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập cho biết.

Mỗi gia đình chỉ cần chuẩn bị 2 thùng riêng biệt để chứa rác. Rác không phân hủy thì được thu gom, rác có thể phân hủy được thì người dân sử dụng làm phân bón cây trồng. Nhờ vậy hạn chế lượng lớn rác thải ra môi trường mà không cần đợi công nhân vệ sinh môi trường đến thu gom hay phải qua bước xử lý của nhà máy.

Đối với phụ nữ thôn 6B, xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập, việc phân loại rác thải tại nhà không chỉ tác động tích cực đến môi trường mà còn mang lại cho chị em niềm vui nhỏ. Bởi sau khi phân loại, rác có thể tái chế được chị em bán cho cơ sở thu mua phế liệu, sau đó dành dụm chia sẻ với chị em khó khăn trong hội. “Tiền bán phế liệu chúng tôi dành dụm bỏ vào heo rồi cuối năm đập heo hỗ trợ chị em khó khăn. Số tiền không nhiều nhưng chúng tôi rất vui” – chị Trần Thị Hương Nhạn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Thắng cho biết.

Đại diện của Chi hội phụ nữ thôn 2B, xã Bình Thắng cho biết: Từ khi xã Bình Thắng được công nhận đạt chuẩn NTM thì từng xóm, tổ dân cư và từng gia đình đều nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Hằng ngày, gia đình bà thực hiện phân loại rác thải gồm: 1 thùng nhựa dùng để đựng rác dễ tiêu hủy và chiếc sọt sắt dùng để đựng lon bia, các loại rác có thể tái chế. Xã đạt chuẩn NTM thì cuộc sống và ý thức của người dân phải đổi mới, văn minh, sạch sẽ, mà trước hết là sạch nhà, sạch bếp và sạch ngõ thôn…

Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng, gây áp lực lớn đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý. Do đó, việc phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý chất thải, giảm khối lượng rác thải phát sinh phải vận chuyển, xử lý, bảo vệ môi trường sống.

“Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM thì tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm luôn khó thực hiện. Đối với những xã đã được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng NTM thì tiêu chí này cũng dễ bị rớt chuẩn. Bởi đây là tiêu chí mềm, liên quan nhiều tới ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng. Hầu hết các xã về đích NTM tại huyện Bù Gia Mập đều chú trọng tiêu chí này, trong đó Bình Thắng đã chủ động thực hiện một cách quyết liệt.”, lãnh đạo Phòng TNMT huyện Bù Gia Mập chia sẻ.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích