Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH
Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH
Ngày 08/8, tại Hà Nội, diễn ra phiên họp thứ nhất Đoàn giám sát chuyên đề quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH từ 2015 – 2023 (Đoàn giám sát). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng đoàn giám sát chủ trì cuộc họp.
Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH.
Ngày 08/8, tại Hà Nội, diễn ra phiên họp thứ nhất Đoàn giám sát chuyên đề quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH từ 2015 – 2023 (Đoàn giám sát). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng đoàn giám sát chủ trì cuộc họp.
Đoàn giám sát được thành lập theo Nghị quyết số 95/2023/QH15 của Quốc hội nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH.
Theo đó, mục đích giám sát nhằm đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH; hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhất là sau khi Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Đoàn sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH từ ngày 01/7/2015 đến hết ngày 31/12/2023 trên phạm vi cả nước.
Nội dung giám sát đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS, Đoàn sẽ tập trung giám sát về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường BĐS; công tác quy hoạch; tình hình hoạt động của doanh nghiệp BĐS; việc triển khai các dự án BĐS; tín dụng của thị trường BĐS; các nguồn vốn tín dụng cho thị trường BĐS; kinh doanh dịch vụ BĐS; công khai, minh bạch thông tin về thị trường BĐS; điều tiết thị trường BĐS; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh BĐS; thông tin, truyền thông để hỗ trợ phát triển thị trường BĐS…
Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển NƠXH, Đoàn tập trung giám sát các nội dung về chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển NƠXH; đối tượng, điều kiện được thụ hưởng chính sách về NƠXH; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng NƠXH;
Việc thực hiện dự án xây dựng NƠXH; loại nhà và tiêu chuẩn, quy chuẩn NƠXH; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán NƠXH; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua NƠXH; về quản lý, vận hành NƠXH;
Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiểm toán, xử lý vi phạm; việc thực hiện các kết luận giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển NƠXH…
Tại phiên họp, đa số các đại biểu tán thành Dự thảo Kế hoạch chi tiết, Đề cương của Đoàn giám sát đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cụ thể liên quan đến: phương pháp giám sát; thời gian triển khai các hoạt động cụ thể trong quá trình giám sát; lựa chọn địa phương giám sát thực tế…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thị trường BĐS hiện có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, tác động trực tiếp và rộng lớn đến người dân, doanh nghiệp; được đánh giá là động lực cho sự phát triển của nhiều ngành nghề khác. Tuy nhiên, thị trường này đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Yêu cầu cơ bản, xuyên suốt là việc hoàn thiện cơ chế pháp lý đồng bộ và thực thi minh bạch thông tin thị trường.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra mạnh mẽ, với tốc độ nhanh, kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến người có thu nhập thấp, đối tượng chính sách. Mặt khác, những đối tượng này khó tiếp cận được các chính sách hỗ trợ về NƠXH…, do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, giải pháp về cơ chế, chính sách và tổ chức thực thi đối với NƠXH sẽ góp phần bảo đảm an sinh và công bằng xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, một trong những mục đích, yêu cầu cơ bản đặt ra đối với Đoàn Giám sát là phải đề cao trách nhiệm, góp phần “giải mã” được thực chất những vấn đề thực tiễn đang đặt ra để tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật tốt hơn.
Vì vậy, Đoàn giám sát cần tiếp tục tinh thần đổi mới, cải tiến trong cách làm và tiếp tục rà soát, hoàn thiện kỹ lưỡng nội dung trong từng Đề cương báo cáo của các chủ thể là đối tượng chịu sự giám sát ở trung ương (Chính phủ và các bộ, ngành) cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý của mỗi chủ thể được giao.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị