Nhà ở công nhân cần tính đến sự thuận tiện
Vẫn còn những “nỗi lo”
Chúng tôi có dịp ghé thăm khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh để tìm hiểu về đời sống sinh hoạt của công nhân lao động tại đây. Trong căn phòng rộng chừng 75m2, chị Đặng Thị Thu Huệ, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam đang tranh thủ dọn dẹp nhà trong ngày cuối tuần. Chị Huệ cho biết, từ khi thuê nhà tại khu nhà ở công nhân, chi phí thuê nhà của gia đình chị giảm đi đáng kể. Theo đó, mỗi tháng, chi phí thuê nhà (bao gồm tiền điện, nước) khoảng 1,6 triệu đồng -1,7 triệu đồng/tháng. Với tổng thu nhập của 2 vợ chồng vào khoảng 20 triệu/ tháng vợ chồng chị cũng phải cân đối chi tiêu để đủ trang trải chi phí cho 2 con ăn học.
Chưa mặn mà với nhà ở xã hội vì còn nhiều “nỗi lo”, công nhân chấp nhận thuê trọ ngoài với mức giá cao. Ảnh: Lương Hằng |
17 năm gắn bó với công ty, dù vẫn muốn tiếp tục làm việc, song chị Huệ phải đắn đo suy nghĩ vì năm sau con chị bắt đầu vào cấp 3. “Thực sự công nhân như mình rất trăn trở khi có con lên cấp 3. Con không được học trường công khi không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Trong khi đó, nếu gửi con về quê cho ông bà, bố mẹ cũng không thể yên tâm đi làm vì ở quê ông bà lớn tuổi không thể sát sao việc học của con; con ở xa bố mẹ cũng sẽ thiếu hơi ấm gia đình.”- chị Huệ chia sẻ.
Cách phòng trọ của chị Huệ không xa, chị Lý Thị Lựu, công nhân Công ty TNHH Ryonan Electric Việt Nam chuyển đến khu nhà ở công nhân đến nay đã khoảng 6 tháng. Căn phòng có 1 phòng ngủ và khu vực bếp, vệ sinh riêng, 3 mẹ con chị thuê với mức giá khoảng 480 nghìn đồng/tháng. Việc ở trong khu nhà ở công nhân đã giúp 3 mẹ con chị Lựu có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Mặc dù điều kiện về ăn, ngủ được đảm bảo, song chị Lựu còn nhiều bận tâm vì các con không có nơi vui chơi sau các giờ học trên lớp; cùng đó, trường học ở xa, các con phải tự đi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Chưa có gia đình nên bạn Nguyễn Thu Hường, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam lựa chọn ở chung với 3 nữ công nhân độc thân khác trong căn phòng tập thể rộng khoảng 25 – 30 m2 để tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của công ty, mỗi thành viên trong phòng chỉ đóng phí 50 nghìn đồng/ tháng (bao gồm chi phí điện nước, mạng wifi). Cùng với những thuận lợi, Hường cũng chỉ ra những hạn chế khi ở tại đây như: Không được sử dụng tủ lạnh, do đó việc nấu ăn gặp nhiều bất tiện; cùng đó, hoạt động văn hóa giải trí tinh thần chưa có nhiều; ra ngoài sau 23h phải làm biên bản, ký cam kết…nên nhiều công nhân lao động cảm thấy bất tiện.
Chia sẻ về mong muốn của mình, Hường cho biết, thời gian tới Ban quản lý tòa nhà sẽ mở thêm các nơi vui chơi giải trí cho công nhân như: Mở các lớp thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe. “Về lâu về dài khi có gia đình, mình cũng mơ ước sẽ mua được nhà khép kín để an cư, lạc nghiệp”- Hường cho hay.
Không lựa chọn thuê nhà ở xã hội, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Trọng, công nhân Công ty TNHH Sumitomo Heavy Industries (Việt Nam) thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh đến nay đã được 3 năm. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng anh Trọng trung bình vào khoảng hơn 10 triệu đồng/ tháng. “Dù rất muốn ở nhà ở xã hội tuy nhiên, do công việc phải đi ca, kíp, nhà có con nhỏ đi thang máy thì sợ tắc; đi thang bộ thì sợ ảnh hưởng tới các gia đình khác nên mình chấp nhận bỏ chi phí cao hơn để thuê trọ ngoài. Với thu nhập thấp nên 2 vợ chồng cũng chưa dám nghĩ tới việc có thể mua 1 căn nhà ở xã hội”- anh Trọng cho hay.
Nắm rõ nhu cầu để có giải pháp hiệu quả
Theo ghi nhận, phần lớn công nhân tại các tỉnh xuống làm việc tại Hà Nội đều mong muốn được vay vốn lãi suất thấp mua nhà hoặc thuê nhà ở xã hội “phù hợp” với nhu cầu. Trước thực tế trên, ngày 6/8, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức Tọa đàm “Đảm bảo chỗ ở cho công nhân – Từ thực tiễn đến chính sách”.
Tại tọa đàm, bà Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội cho rằng, nhu cầu nhà ở cả thuê và mua của công nhân là cấp bách nhưng còn nhiều bất cập. Bà An đề xuất, cần thiết phải có quỹ để làm nhà cho công nhân thuê, đảm bảo chỗ ở chất lượng để họ yên tâm làm việc, sau đó mới đến rao bán.“Tôi cho rằng cần phải phân rõ vai, Nhà nước đóng vai trò gì? Doanh nghiệp cần làm gì? Bản thân người lao động làm gì? Việc thực hiện các chính sách vay vốn ưu đãi dành cho công nhân để họ có nhà. Tất cả chính sách cho người lao động vay cần phải cụ thể, minh bạch”- bà An cho hay.
Ông Bùi Dũng, Trưởng phòng quản lý tái định cư và nhà xã hội, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, từ thực tế rà soát nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu ở cho công nhân trên địa bàn Hà Nội mới đáp ứng chỉ khoảng 6,8% nhu cầu; còn lại đang thuê ở nhà dân. Lý do, các chủ đầu tư chưa mặn mà với loại hình nhà ở xã hội là do việc thu hồi vốn chậm, lợi nhuận thấp. “Do đó, Nhà nước phải có cơ chế ưu đãi hơn mới có thể thu hút đầu tư vào loại hình này. Bên cạnh đó, Nhà nước có quy định cụ thể về loại hình cho thuê với công nhân lao động bởi đa phần công nhân di cư thường gắn bó thời gian nhất định với doanh nghiệp”, ông Bùi Dũng cho biết.
Còn ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội cho biết, đối với việc hình thành các khu nhà ở công nhân, các khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung thì vai trò phối hợp của chính quyền địa phương với chủ đầu tư ở khu công nghiệp trong việc rà soát, phân loại nhu cầu của người lao động (thuê nhà, mua nhà) là rất quan trọng. “Cùng với việc phối hợp đồng hành của chính quyền địa phương, mỗi người lao động phải nắm rõ nhu cầu của mình để tổng hợp đề xuất kiến nghị với tổ chức Công đoàn nhằm có phương án thiết kế, xây dựng phù hợp”- ông Vân chia sẻ.
Nguồn: Báo lao động thủ đô