Kon Tum: Chú trọng công tác phòng, chống thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới

Kon Tum: Chú trọng công tác phòng, chống thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới

Công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ luôn được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum chú trọng; trong đó quan tâm gắn công tác phòng, chống thiên tai với phong trào xây dựng nông thôn mới.

Để chủ động trong phòng, chống ứng phó thiên tai, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh chóng, hiệu quả, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành kế hoạch Phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hàng năm. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương triển khai, hướng dẫn cơ sở thực hiện đảm bảo các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống thiên tai.

Đồng thời, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thành phố trên địa bàn; đến nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để thống nhất trong chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Hàng năm, các địa phương cơ sở của tỉnh Kon Tum đều xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai cụ thể, chi tiết phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn. Đồng thời, thường xuyên rà soát, cập nhật kịch bản, phương án, kế hoạch để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ lớn, bão, lũ quét, sạt lở đất; phát huy vai trò và nâng cao năng lực của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

tm-img-alt
Các ngành, địa phương quan tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai. Ảnh: T.H

Toàn tỉnh Kon Tum hiện nay có 102 xã, phường, thị trấn đã thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai với lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai ở cấp xã khoảng 5.205 người. Các ngành, địa phương thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng xung kích cấp xã; tổ chức diễn tập xử lý, ứng phó với các tình huống thiên tai; trang bị công cụ, phương tiện cần thiết để bảo đảm hiệu quả, an toàn cho lực lượng này khi thực thi nhiệm vụ.

Các đội xung kích đã phát huy được vai trò lực lượng tại chỗ tham gia xử lý ngay từ ban đầu, phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị, tổ chức liên quan trong hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai hiệu quả tại cơ sở.

Xác định công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức là quan trọng nên các địa phương chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, vận động người dân chuẩn bị phương tiện kỹ thuật, nhu yếu phẩm thiết yếu trong mùa mưa bão và thường xuyên ra soát, đánh giá những điểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn, ổn định cuộc sống cho người dân khi có thiên tai.

Một trong những giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới là các cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh tích cực lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, nâng cấp và vận hành hiệu quả các công trình hạ tầng cơ sở; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hướng dẫn điều chỉnh sản xuất, phát triển giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây chính là phương án phòng, chống thiên tai một cách chủ động, giúp hạn chế những tác động tiêu cực của thiên tai.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo chuyên dùng, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng được tỉnh chú trọng. Hiện toàn tỉnh có 3 trạm khí tượng chuyên ngành, 16 trạm đo mưa chuyên dùng, 50 trạm đo mưa tự động, 15 trạm đo mực nước, 5 trạm cảnh báo giông sét, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai…

tm-img-alt
Thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai góp phần hạn chế thiệt hại, đảm bảo xây dựng nông thôn mới bền vững. Ảnh: T.H

Mặc dù đã được những kết quả tích cực, song việc thực hiện tiêu chí an toàn phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đó là, một số cán bộ và người dân chưa nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, còn có tư tưởng thụ động, ỷ lại vào các cơ quan chức năng. Việc bố trí sắp xếp dân cư ở những nơi có nguy cơ cao ảnh hưởng về thiên tai đến nơi an toàn vẫn gặp nhiều khó khăn do quỹ đất ở nhiều nơi hạn chế, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc, kinh phí hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi ở mới thấp, điều kiện sinh hoạt, sản xuất của một số vùng tái định cư chưa thực sự đảm bảo.

Việc thực hiện lồng ghép kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới với phòng, chống thiên tai sức cần thiết, nhằm đảm bảo tính bền vững cũng như thành quả của các địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Để phòng, chống thiên tai hiệu quả, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở và ý thức, trách nhiệm của người dân trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích