Vi phạm kinh doanh xăng, dầu: Xử phạt còn quá nhẹ, khó răn đe
Nhiều vụ kinh doanh xăng, dầu kém chất lượng bị phát hiện
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình trạng vi phạm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng đang có xu hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi và đa dạng. Trong đó, không chỉ với các nhóm mặt hàng “thường xuyên” bị làm giả, vi phạm sở hữu trí tuệ như thực phẩm chức năng, quần áo, đồ thời trang, điện gia dụng, hàng tiêu dùng… mà ngay đến nhóm mặt hàng đặc thù như xăng, dầu tình trạng gian lận thương mại cũng diễn ra nhức nhối.
Lực lượng chức năng xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội. |
Đơn cử như trường hợp vi phạm hoạt động kinh doanh xăng, dầu mới đây tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ngày 2/8 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 200 triệu đồng đối với Doanh nghiệp tư nhân Thương mại dịch vụ xăng dầu M.T, với hành vi: Bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (giá trị xăng, dầu đã tiêu thụ là hơn 63 triệu đồng); buôn bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (hàng hóa chưa tiêu thụ, giá trị xăng, dầu đã tiêu thụ là trên 91 triệu đồng).
Cùng đó, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cũng đã áp dụng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với doanh nghiệp, buộc thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng đối với hàng hóa chưa tiêu thụ gồm 3.987 lít Dầu DO 0,05S và 815 lít Xăng Ron 95-III.
Trước đó, thực hiện Kế hoạch kiểm tra chuyên đề chất lượng xăng dầu của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Cà Mau, ngày 4/7/2023, Đội QLTT số 6 đã tiến hành kiểm tra đối với Doanh nghiệp tư nhân Thương mại dịch vụ xăng dầu M.T, do bà T.T.C.T làm chủ doanh nghiệp, có địa chỉ tại Khóm 3, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra tiến hành lấy một mẫu Xăng Ron 95-III và một mẫu Dầu DO 0,05%S, gửi tổ chức được cơ quan có thẩm quyền chỉ định thử nghiệm, giám định chất lượng và kết quả hai mẫu Xăng Ron 95-III và mẫu Dầu DO 0,05%S đều có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Tương tự, tại tỉnh Bắc Kạn, trong tháng 7/2023, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành kiểm tra và xử phạt Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Na Rì, thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thương mại PLI, về hành vi buôn bán xăng không đảm bảo chất lượng với số tiền 44 triệu đồng.
Sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, ngày 10/7/2023 Đội QLTT số 4 đã phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn và Công an huyện Na Rì tiến hành kiểm tra đối với Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Na Rì.Thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã kiểm tra nhanh một số chỉ tiêu cơ bản của xăng RON 95-III đang bán tại cửa hàng, kết quả xăng có chỉ số octan là 93,1 trong khi mức quy định tối thiểu chỉ số octan là 95…
Với hành vi vi phạm trên, Đội QLTT số 4 đã ra quyết định xử phạt đối với Công ty về 2 hành vi “Buôn bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng” (đối với 3.000 lít xăng Ron 95-III là hàng hóa vi phạm còn tồn ở bể chứa) và “Bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng” (đối với hơn 300 lít xăng Ron 95-III là hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ).
Chế tài đã đủ mạnh?
Các trường hợp gian lận trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu của hai doanh nghiệp trên chỉ là những trường hợp gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng, dầu gần nhất được phát hiện và xử lý. Trước đó đầu năm 2023, ngay tại Hà Nội, lực lượng QLTT đã phối hợp với Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế – ma túy (Công an huyện Thạch Thất) kiểm tra, phát hiện cửa hàng xăng, dầu tại xã Phùng Xá (Thạch Thất) không xuất trình được hồ sơ giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng, dầu; toàn bộ chỉ số octan và hàm lượng etanol của xăng RON95-III bán tại cửa hàng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Sự việc sau đó đã được cơ quan QLTT chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra.
Trước những vấn nạn gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu; Tổng cục QLTT đã có văn bản yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Công điện của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu hoặc vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng, dầu.
Bên cạnh đó, Tổng Cục QLTT cũng yêu cầu các lực lượng chức năng kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng, dầu, như lấy mẫu xăng, dầu để thử nghiệm, giám định về chất lượng; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng tình hình nguồn cung bị đứt gãy cục bộ để sản xuất, kinh doanh xăng, dầu giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.
Có thể thấy, việc cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu phần nào hạn chế được tình trạng gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh đặc thù này. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, cũng như các chế tài xử lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu; Luật sư Đào Đăng Sơn (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, các chế tài xử lý chưa thật sự đủ mạnh. Bởi thế, dù các lực lượng chức năng vào cuộc ráo riết, xử phạt vi phạm liên tục, nhưng một thời gian sau vẫn xuất hiện các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực này.
“Cần phải tăng mức chế tài xử lý đối với các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu vi phạm hoạt động kinh doanh, gian lận thương mại. Khi phát hiện, bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, buộc khắc phục hậu quả, thì cần xử lý mạnh tay hơn như rút giấy phép hoạt động, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy tố… có như vậy, vấn nạn gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng, dầu mới thực sự được chấn chỉnh”, Luật sư Sơn cho hay.
Đỗ Đạt
Nguồn: Báo lao động thủ đô