Tiêu chuẩn ISO 56000 hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận đổi mới sáng tạo
Đổi mới sáng tạo được đánh giá là yếu tố định hướng trung tâm phát triển của mỗi quốc gia. Ảnh minh họa.
Hiện nay, đổi mới sáng tạo được đánh giá là một trong những chỉ số phát triển quan trọng, là yếu tố định hướng trung tâm phát triển của mỗi quốc gia. Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, đổi mới sáng tạo có khả năng đóng góp tới 95% vào mức độ cạnh tranh của nền kinh tế, 66% giá trị đổi mới sáng tạo sẽ tác động đến cuộc sống người dân.
Trong các doanh nghiệp và ngành công nghiệp, đổi mới sáng tạo có thể được thực hiện đối với sản phẩm, dịch vụ, quá trình, thiết bị, công nghệ, phương pháp quản lý, mô hình kinh doanh và hầu như tất cả khía cạnh của hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc áp dụng đổi mới sáng tạo có thể là những đổi mới nhỏ, đột phá hoặc triệt để. Việc theo đuổi sự đổi mới sáng tạo có thể sẽ là thách thức đối với các doanh nghiệp nếu không có sự hướng dẫn và tiêu chuẩn rõ ràng.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đổi mới sáng tạo? Theo đó, bộ tiêu chuẩn ISO 56000 đã được ra đời như một giải pháp hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận việc đổi mới sáng tạo có hệ thống nhằm tích hợp đổi mới sáng tạo vào tất cả các tầng của tổ chức. Từ đó, giúp doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và tạo cơ hội cho việc phát triển các giải pháp, hệ thống, sản phẩm và dịch vụ mới.
Bộ tiêu chuẩn này có thể được áp dụng cho tất cả tổ chức, bất kể loại hình, khu vực, mức độ trưởng thành hoặc quy mô. Bộ tiêu chuẩn đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp này thường thiếu bí quyết công nghệ, phương pháp quản trị và nguồn lực để thực hiện hoạt động đổi mới.
Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 tập hợp quy trình vận hành tiêu chuẩn được thiết kế để cung cấp một khuôn khổ chung để thực hiện thành công, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý đổi mới. Bộ tiêu chuẩn đưa ra hướng dẫn chung đối với tất cả các loại hình đổi mới, như đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình kinh doanh và phương pháp từ cải tiến nhỏ đến đổi mới triệt để, cũng như tất cả các phương pháp tiếp cận như đổi mới nội bộ và đổi mới mở cho người dùng, thị trường, công nghệ và các hoạt động đổi mới dựa trên thiết kế. ISO 56000 cho phép kết hợp với các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO khác nhau, như ISO 9000 về hệ thống quản lý chất lượng hay ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường,…
TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhận định: “ISO 56000 thực sự là tiêu chuẩn hoá các công cụ, phương pháp và sự tương tác mà doanh nghiệp cần tạo ra cơ hội cho các bên liên quan để hỗ trợ hoạt động đổi mới. Tiêu chuẩn này được thiết kế để giúp quản lý bất kỳ loại hình đổi mới nào, trong bất kỳ tổ chức nào”.
Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 được ban hành từ năm 2019 và tiếp tục ban hành gồm các tiêu chuẩn về quản lý đổi mới sáng tạo để giúp doanh nghiệp thu được các lợi ích từ hoạt động đổi mới sáng tạo. Đến nay, có thể xác định bộ tiêu chuẩn này bao gồm: ISO 56002, Quản lý đổi mới – Hệ thống quản lý đổi mới – Hướng dẫn; ISO 56003, Quản lý đổi mới – Công cụ và phương pháp cho quan hệ đối tác đổi mới – hướng dẫn; ISO/TR 56004, Đánh giá quản lý đổi mới – Hướng dẫn.
Một số tiêu chuẩn đang trong quá trình xây dựng, bao gồm: ISO 56005, Quản lý đổi mới – Công cụ và phương pháp quản lý tài sản trí tuệ – Hướng dẫn; ISO 56006, Quản lý đổi mới sáng tạo – Quản lý chiến lược thông minh; ISO 56007: Quản lý đổi mới sáng tạo – Quản lý ý tưởng; ISO 56008 bao gồm các công cụ và phương pháp để đo lường hoạt động đổi mới.
Thanh Tùng