Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 2/8/2023

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 2/8/2023

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 2/8/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 2/8/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội kiên quyết xử lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tại Thông báo số 1229 – TB/TU ngày 30/6/2023 kết luận kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của Hội đồng Nhân dân thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Giám đốc các sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện nghiêm việc rà soát, thống kê phân loại cụ thể các dự án, nhất là các dự án chưa có phương án xử lý cụ thể theo từng nhóm, đảm bảo hoàn thành trong quý 4/2023.

Một dự án chậm triển khai tại Mê Linh. (Ảnh: Linh Khánh/Vietnam+)
Một dự án chậm triển khai tại Mê Linh. (Ảnh: Linh Khánh/Vietnam+)

Trước mắt, các đơn vị tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm còn lại (nằm trong 50 dự án chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất và 150 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất); tiếp tục kiểm tra, thanh tra và kết luận đối với 93 dự án do Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã đề xuất mới và kiến nghị xử lý, hoàn thành xong trong tháng 11/2023.

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để hợp thức hóa việc gia hạn các dự án chậm triển khai.

Đối với các dự án đủ điều kiện tiếp tục rà soát, phân loại vướng mắc để tham mưu đề xuất giải quyết đối với các nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan trung ương và tập trung tháo gỡ dứt điểm khó khăn thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố, nhất là trong giải phóng mặt bằng.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục chủ trì cùng các sở, ngành làm việc với từng địa phương để chỉ đạo xử lý đối với từng dự án chậm tiến độ, chậm triển khai và phân công các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố giám sát, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tháo gỡ, xử lý, giải quyết đến từng dự án; cơ bản ban hành quyết định xử lý thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động, dừng thực hiện dự án xong trong tháng 11/2023.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có trách nhiệm giám sát, đôn đốc các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã thanh tra, kiểm tra và có kết luận đối với từng dự án; làm rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp; quyết liệt xử lý dứt điểm, triệt để các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai.

Thường xuyên rà soát, cập nhật kết quả thực hiện, khẩn trương hoàn thành việc đánh giá, hậu kiểm, thống kê, phân loại và xử lý từng dự án cụ thể theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ đầu mối, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ.”

Cũng theo chỉ đạo của thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội xử lý nghiêm, triệt để đối với các dự án chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất (đã có quyết định chủ trương, chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, văn bản giao chủ đầu tư nghiên cứu), đến nay đã quá tiến độ thực hiện (đặc biệt là các dự án kéo dài nhiều năm, dự án điều chỉnh nhiều lần), hoàn thành xong trong tháng 11/2023.

Thái Nguyên: Đồng ý chủ trương đầu tư dự án khu đô thị 1.463 tỷ đồng

tm-img-alt
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tổng chi phí thực hiện khoảng 1.463,133 tỷ đồng; quy mô sử dụng đất 352.234 m2; quy mô dân số 4.000 người. Dự án bao gồm tổng số 904 lô đất ở, trong đó, nhà đầu tư sẽ thực hiện xây thô hoàn thiện mặt ngoài 68 lô đất ở biệt thự; 194 lô đất ở liền kề dạng shophouse; 7 lô đất ở liền kề; 3 trung tâm thương mại dịch vụ. Sau khi hoàn thành đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư bàn giao lại cho cơ quan quản lý nhà nước để quản lý và đầu tư theo quy định.

Thời hạn hoạt động 50 năm, tiến độ thực hiện dự kiến từ quý III/2023 đến hết quý I/2027.

Sớm đầu tư đường Vành đai 5 Hà Nội đoạn qua tỉnh Bắc Giang

Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang sớm nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư Vành đai 5 đoạn qua địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang trong quá trình triển khai thực hiện. Đây là nội dung văn bản mà Bộ Giao thông Vận tải vừa trả lời UBND tỉnh Bắc Giang.

Cụ thể, Bộ GTVT cho hay, Bộ đã nhận được nội dung kiến nghị của cử tri Bắc Giang về đề nghị sớm xây dựng và hoàn thiện đường Vành đai 5 Hà Nội (đã có trong quy hoạch mạng lưới đường bộ năm 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050) để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng.

Theo đó, Bộ  cho hay, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, Vành đai 5 – Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài khoảng 272 km (đoạn qua tỉnh Bắc Giang dài khoảng 48 km), quy mô cao tốc 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Để tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Giang, từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia và giao thông địa phương, việc sớm đầu tư đưa vào khai thác đường Vành đai 5 nói chung, đoạn qua tỉnh Bắc Giang nói riêng là cần thiết.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Giao thông Vận tải được phân bổ hạn hẹp, ngoài điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương, nguồn lực còn lại tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng giao thông chiến lược theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ nên chưa thể bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư đường Vành đai 5 nói chung trong giai đoạn 2021 – 2025.

Trong thời gian qua, thực hiện Quyết định số 561 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chi tiết đường Vành đai 5, nhiều địa phương như: Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên đã chủ động triển khai đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác một số đoạn tuyến trên đường Vành đai 5.

Đồng thời, tại Thông báo số 199/TB ngày 9/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cần rà soát kỹ, cân đối, bố trí vốn để hoàn thành dứt điểm, phát huy hiệu quả các dự án đang triển khai, bảo đảm yêu cầu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, chia cắt. Trên cơ sở rà soát kỹ các nguồn lực, khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn khác, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư phù hợp”.

Từ đây, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang sớm nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư đường Vành đai 5 đoạn qua địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bắc Giang trong quá trình triển khai thực hiện.

Dự kiến thông xe cao tốc QL45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu dịp 2/9

Theo kế hoạch, 2 dự án cao tốc QL45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam sẽ thông xe vào đúng dịp 2/9, đây cũng là mục tiêu xuyên suốt của Bộ GTVT đặt ra trước đó. Hiện các nhà thầu đang chạy đua nước rút để hoàn thiện những hạng mục cuối cùng.

Được biết, cao tốc QL45-Nghi Sơn dài 43 km đi qua huyện Nông Cống, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), tổng mức đầu tư hơn 5.530 tỷ đồng, khởi công từ tháng 7/2021. Dự án được chuyển đổi từ phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.

Trong giai đoạn đầu, đoạn cao tốc được xây dựng 4 làn xe, nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí điểm dừng. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, nền đường 32 m, vận tốc thiết kế 100-120 km/h.

Dự án này sẽ kết nối với cao tốc Mai Sơn-QL45 (Ninh Bình-Thanh Hóa) tại nút giao Tân Phúc (Nông Cống).

tm-img-alt
Dự kiến thông xe 2 cao tốc QL45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu dịp 2/9. (Ảnh: Internet)

Theo đại diện Bộ GTVT, khối lượng toàn dự án này đã đạt hơn 80% tiến độ tổng thể, trong đó phần tuyến chính trên 90%. Nhiều đoạn đã hoàn thành thảm bêtông nhựa lớp cuối, các nhà thầu đang khẩn trương thi công cuốn chiếu, thảm cấp phối đá dăm các đoạn dỡ tải theo dõi lún, dựng dải phân cách, gia cố mái taluy, đóng cọc hàng rào bảo vệ, hàng rào hộ lan, lắp đường ống điện, cấp thoát nước.

Dự án cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu dài 50 km, trong đó đoạn qua Thanh Hóa 6,5 km và Nghệ An 43,5 km. Điểm đầu tại Nghi Sơn, kết nối với cao tốc QL 45 – Nghi Sơn và điểm cuối tại xã Diễn Tháp (Diễn Châu, Nghệ An), thuộc nút giao nối với cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.290 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị xây lắp khoảng 4.400 tỷ đồng.

Đoạn cao tốc này được xây dựng 4 làn xe, nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, không có làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 100-120 km/h.

Thông tin về tiến độ triển khai đoạn tuyến cao tốc này, đại diện Bộ GTVT cho biết hiện khối lượng thi công trên tuyến đạt khoảng 93%, các nhà thầu đang tăng cường nhân lực, thiết bị để thông xe vào dịp 2/9.

Tại buổi kiểm tra hiện trường vào tháng 7/2023, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 lập kế hoạch tiến độ để đến 20/8 cơ bản xong các phần việc chính, hoàn thành dự án cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu dịp 2/9. Nhà thầu nào để chậm tiến độ sẽ chiếu theo hợp đồng để xử lý. Riêng đường gom, đường dân sinh cho phép đến 30/9 hoàn thành.

Hai đoạn cao tốc trên được thông tuyến sẽ rút ngắn thời gian từ Thanh Hóa đi Nghệ An từ 3 giờ nếu đi quốc lộ 1 xuống còn 1,5 giờ. Đi từ Hà Nội đến Diễn Châu (Nghệ An) sẽ chỉ mất 3,5 giờ, thay vì khoảng 5 giờ như hiện nay. Sau khi thông xe, hai đoạn cao tốc tạm thời chưa thu phí.

Bộ GTVT đề xuất tăng vốn đầu tư cao tốc Đồng Tháp – Tiền Giang

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh, với số tiền tăng khoảng 1.439 tỉ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được phê duyệt ban đầu. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên khoảng 6.209,7 tỉ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn dự án cũng có sự thay đổi, với hơn 4.460 tỉ đồng là vốn vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và gần 1.750 tỉ đồng là vốn đối ứng.

Theo Bộ GTVT, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là do một số nguyên nhân, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 353 tỷ đồng, dựa trên số liệu rà soát thực tế; chi phí xây dựng tăng khoảng 788 tỷ đồng do cập nhật khối lượng và đơn giá, định mức.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Ngoài ra, các yếu tố như chi phí quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác cũng tăng lên khoảng 80 tỷ đồng, cùng với việc tăng chi phí dự phòng khoảng 218 tỷ đồng, đóng góp vào việc nâng tổng mức chi phí xây dựng của dự án.

Được biết, đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng qua, Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư tuyến cao tốc trục ngang Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối tháng 12/2021, với tổng mức đầu hơn 4.770 tỷ đồng. Trong đó, vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc – EDCF khoảng hơn 3.677 tỷ đồng, vốn đối ứng khoảng hơn 1.093 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh giai đoạn 1, với tổng chiều dài hơn 27km, đã được thiết kế với quy mô 4 làn xe và đi qua hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang.

Dự án bắt đầu kết nối với tuyến N2 tại lý trình Km 96+875, nằm tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, và kết thúc tại nút giao (điểm đầu cầu Cao Lãnh) thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Lâm Đồng: Sạt lở ở huyện Lâm Hà, nhiều hộ dân lo lắng

Tin trên PLO, ngày 2/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cho biết đã chỉ đạo các sở, ngành và huyện Lâm Hà khẩn trương xử lý sự cố sụt lún, sạt trượt tại khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà.

Cụ thể, rạng sáng ngày 1/7, khu vực sườn đồi vai phải của đập chứa nước nằm ngoài và sát với khu vực thi công xây dựng gói thầu số 13, hồ chứa nước Đông Thanh xuất hiện một số vết nứt có chiều rộng từ 20 cm đến 30 cm ngang qua khu vực sản xuất và sinh sống của 03 hộ gia đình.

Kết quả quan trắc cho thấy các vết nứt phát triển nứt rộng theo từng ngày và xảy ra tình trạng sạt trượt, sụt lún đất.

Ngày 20/7, phát sinh các vết nứt về phía thượng lưu công trình, các vết nứt có chiều rộng từ 0,5 cm đến 10 cm ngang qua khu vực sản xuất và sinh sống của 02 hộ gia đình (một hộ không có nhà ở và một hộ có nhà ở).

Ngày 28/7, tiếp tục xuất hiện thêm nhiều vết nứt mới trong khu vực đất của ba hộ gia đình này. Các vết nứt có chiều rộng lên đến 50 cm và vết nứt đã lan ra đến phạm vi thiết kế đường tránh ngập của dự án.

tm-img-alt
Xuất hiện nhiều vết nứt toác trong nhà người dân

Có vị trí sụt lún lên đến 1,5 m gây nứt và xô nghiêng nhà của hộ gia đình ông Đỗ Văn Tái, gây nứt tường và hè nhà của hộ ông Đỗ Văn Đạm và gây nứt tường nhà, sạt lở mái taluy và sụt lún toàn bộ phần sân bê tông nhà của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thắng.

ổng số hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng là chín hộ với gần 54 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó có năm hộ đã bị ảnh hưởng (4 hộ có nhà ở, 1 hộ không có nhà) trên diện tích hơn 25 ha đất sản xuất nông nghiệp

UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc và UBND huyện Lâm Hà cắm biển cảnh báo; thực hiện các giải pháp hạn chế tác động của nước mặt xuống khu vực sạt trượt, sụt lún đất.

Các cơ quan bám sát hiện trường để theo dõi kịp thời xử lý những nội dung liên quan đến sạt trượt, sụt lún đất tại khu vực trên, chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng huyện Lâm Hà, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát kiểm tra, giám sát, bám sát hiện trường thi công cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Đông Thanh để theo dõi và kịp thời xử lý sự cố phát sinh theo quy định.

Hơn 1.400 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp QL 28B qua Bình Thuận và Lâm Đồng

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết vừa trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Điểm đầu của dự án tại Km0+000, giao Quốc lộ 1A tại Km1656+900, thuộc thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Điểm cuối tại Km68+1000, giao Quốc lộ 20 tại Km185+690, thuộc xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Tổng chiều dài tuyến khoảng 68km (không bao gồm đoạn Km6+870 – Km7+990 thuộc dự án đường cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết đang đầu tư xây dựng).

Dự án được đầu tư theo quy mô đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Đối với 10 cầu hiện hữu trên tuyến sẽ được sửa chữa, thay thế các hư hỏng (mặt cầu, khe co giãn, lan can, gối cầu), tăng cường dầm chủ và mở rộng mặt cầu phù hợp với chiều rộng nền đường.

Tổng mức đầu tư của dự án 1.435 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; trong đó kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí gần 1.300 tỷ đồng (chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 98 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 1.100 tỷ đồng, chi phí khác 32 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 135 tỷ đồng).

Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2023-2026.

Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Quốc lộ 28B là tuyến đường đối ngoại quan trọng của các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng.

Đây cũng là trục giao thông theo hướng Đông-Tây ngắn nhất kết nối tuyến Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Quốc lộ 20, phát triển kết nối giữa các vùng ven biển tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, cảng tổng hợp quốc tế Vĩnh Tân với các tỉnh Tây Nguyên, vùng kinh tế Đông Bắc Campuchia.

Quốc lộ 28B cũng là trục giao thông trọng yếu để phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng, giúp các tỉnh trong khu vực phát huy hết tiềm năng, lợi thế hiện có, đặc biệt phát triển tam giác du lịch Đà Lạt-Phan Thiết-Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, tuyến đường được đầu tư xây dựng giúp giảm chi phí hàng hóa, phát triển sản xuất, tiêu dùng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đồng thời tăng năng lực vận chuyển alumin, than đá và các vật tư thiết yếu thông qua Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.

Cũng theo đánh giá của Cục Đường bộ Việt Nam, việc đầu tư Quốc lộ 28B sẽ giúp phát triển dịch vụ logistics, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, giảm áp lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 20, rút ngắn cự ly lưu thông giữa Nam Tây Nguyên với Nam Trung Bộ.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Long An dự kiến khởi công vào quý IV/2023

Theo ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Long An, Bộ GTVT đã chính thức phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đoạn đường Hồ Chí Minh từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Đức Hòa (Long An). Dự án dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào quý IV năm nay và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Theo ông Tuấn, dự án đi qua địa bàn huyện Đức Hòa (Long An) có 1.254 hộ dân bị ảnh hưởng với diện tích thu hồi trên 140ha.

Hiện UBND huyện Đức Hòa đã chi trả bồi thường cho 1.062 hộ với số tiền trên 240 tỷ đồng. Diện tích đất thu hồi trên 125ha.

Với 236 hộ còn lại với diện tích 15,15ha, số tiền bồi thường gần 58 tỷ đồng, huyện đang khẩn trương hoàn thành thời gian sớm nhất.

Đến nay, Long An đã bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh hơn 125ha đi qua một số xã Lộc Giang, An Ninh Đông, An Ninh Tây, Hòa Khánh Tây, Tân Phú và Hiệp Hòa (huyện Đức Hòa). Nút giao xã Hiệp Hòa và nút giao xã Hòa Khánh Tây còn thực hiện chậm do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chưa bố trí vốn để chi trả từ năm 2009 đến nay.

tm-img-alt
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Long An sẽ khởi công vào quý IV/2023 (Ảnh: Internet)

Cũng theo ông Tuấn, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2017, khởi công xây dựng từ năm 2009, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021.

Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, dự án phải dừng thi công.

Nhằm tiếp tục thi công hoàn thành toàn tuyến và kết thúc dự án đường Hồ Chí Minh theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 63/2022, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa và giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư dự án.

Theo đó, dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 73km, điểm đầu tại xã Trừ Văn Thô, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương (giáp huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), điểm cuối giao với tuyến quốc lộ N2, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương đường cấp III đồng bằng, tiêu chuẩn hình học phù hợp đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích