Các vấn đề về kỹ thuật liên quan đến phòng sạch và khí nén
Hội thảo thu hút sự tham gia của trên 250 khách mời là đại diện đến từ các các Viện nghiên cứu, Trung tâm, Phòng Thí nghiệm, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: y tế, dược, điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm, bao bì…
Phát biểu khai mạc chương tình, ông Nguyễn Anh Triết, Phó Giám đốc QUATEST 3 nhấn mạnh đến xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, vai trò của quản lý chất lượng cũng ngày càng trở nên quan trọng và không thể thiếu trong quá trình sản xuất.
Ông Nguyễn Anh Triết, Phó Giám đốc QUATEST 3 phát biểu khai mạc chương trình.
Theo đó, chương trình hội thảo nhằm mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trong các hoạt động thử nghiệm, nghiên cứu và sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực: y tế, dược, điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm, bao bì… cập nhật thông tin kỹ thuật mới nhất liên quan đến phòng sạch & khí nén. Đồng thời, cung cấp cho khách mời thông tin bổ ích để các đơn vị áp dụng trong hoạt động sản xuất & quản lý chất lượng ngày càng hiệu quả hơn.
Nhiều nội dung thiết thực, phù hợp được chia sẻ tại chương trình, mang đến lượng kiến thức lớn cho doanh nghiệp và các đơn vị quan tâm. Trước tiên, ông Nguyễn Xuân Nam, Trưởng nhóm Quan trắc Môi trường, QUATEST 3 có bài trình bày về hoạt động quan trắc/đo đạc phòng sạch; Tiếp đó, ông Nam trình bày thêm bài về bài “Khí nén – Khí có áp – Tiêu chuẩn và Giám định chất lượng”.
Ông Nam cho biết, việc đảm bảo phòng sạch được hoạt động một cách hiệu quả về năng lượng là một tiêu chí tiên quyết. Công tác vận hành phòng sạch còn phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và mục tiêu đã đề ra. Ông Nam đã làm rõ thêm về cách thức đánh giá các thông số của phòng sạch và hoạt động đo đạc của QUATEST 3 đối với các thông số này, nhằm đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc vận hành và sử dụng phòng sạch một cách hiệu quả nhất…
Toàn cảnh chương trình.
Tiếp theo, bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Trưởng phòng Vi sinh, QUATEST 3 trình bày về: “Ứng dụng công nghệ MALDI TOF MS để định danh và kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật trong môi trường sản xuất”. Trong đó, công nghệ định danh vi sinh vật bằng dấu ấn phân tử sử dụng kỹ thuật MALDI TOF MS (Matrix assisted laser desorption ionization – time of flight mass spectrometry) là một kỹ thuật mới, trước đây chỉ áp dụng cho lĩnh vực y tế, lâm sàng. Tuy nhiên, những năm gần đây công nghệ này đã được mở rộng hơn cho các lĩnh vực khác như: kiểm soát thực phẩm, kiểm soát môi trường,… Tại hội thảo, bà Nguyệt đã giúp các khách mời hiểu rõ hơn về nguyên tắc cũng như các ứng dụng của phương pháp trên.
Bài trình bày kế tiếp của ông Nguyễn Sĩ Nguyên, Giám đốc BMN MSI đã cập nhật các điểm mới của tiêu chuẩn EU GMP 2022 đối với hoạt động giám sát phòng sạch và giải pháp về thiết bị phát hiện vi sinh nhanh. Ông Nguyên đã đề cập đến việc cần cập nhật tiêu chuẩn EU GMP phụ lục 1 2022 cho các công ty sản xuất dược phẩm trong nước. Điều này giúp các công ty sản xuất dược phẩm trong nước tiếp cận nhanh hơn, dễ áp dụng hơn trong sản xuất dược phẩm và xuất khẩu dược phẩm đi các thị trường toàn cầu như Mỹ, Châu Âu.
Cuối cùng là phần trình bày của ông Nguyễn Thành Khôi, Giám đốc kinh doanh, Merck Việt Nam về “Giải pháp lấy mẫu vi sinh khí nén và phòng sạch theo tiêu chuẩn GMP”. Nội dung gồm: Tổng quan sản phẩm Kiểm soát Vi sinh Merck; Các giải pháp kiểm soát vi sinh môi trường; Chất trung hoà trong lấy mẫu vi sinh bề mặt; Lấy mẫu vi sinh không khí theo các tiêu chuẩn; Hiện đại hoá trong lấy mẫu vi sinh khí nén
Sau trình bày của các chuyên gia là phần hỏi đáp của khách mời với các chuyên gia. Đại diện các cơ quan, Viện, Trung tâm, doanh nghiệp… đã gửi đến ban tổ chức (BTC) rất nhiều câu hỏi. Một số câu hỏi đã được BTC trả lời ngay tại hội thảo, một số câu hỏi BTC sẽ trả lời trực tiếp hoặc phản hồi qua email cho các đại diện.
PV