ISO 27001- Hệ thống Quản lý an toàn thông tin, giải pháp hữu hiệu nâng cao bảo mật an ninh mạng
Tìm hiểu về tiêu chuẩn ISO 27001
Bộ tiêu chuẩn ISO 27001 là hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an ninh thông tin. Việc áp dụng ISO 27001 giúp quản lý an ninh thông tin một cách hiệu quả nhất. Theo bộ tiêu chuẩn có đề cập thì thông tin ở đây bao gồm những dữ liệu được lưu lại dưới dạng điện tử; hoặc dữ liệu đã được in ra – dữ liệu mềm và dữ liệu cứng.
Việc tổ chức/ doanh nghiệp áp dụng ISO 27001 sẽ hỗ trợ xác định được loại thông tin và xác định các mối nguy, rủi ro có thể xảy ra. Sau đó thiết lập hệ thống, thiết lập sự kiểm soát cũng như các quy trình để giảm thiểu các rủi ro đó. ISO 27001 phù hợp với mọi quy mô của tổ chức; các công ty – doanh nghiệp và nó được áp dụng ở mọi lĩnh vực kinh tế khác nhau.
ISO 27001 – Hệ thống Quản lý an toàn thông tin, giải pháp hữu hiệu nâng cao bảo mật an ninh mạng. Ảnh minh họa
Tiêu chuẩn ISO 27001 phù hợp với đối tượng nào?
ISO/IEC 27001 có thể áp dụng đối với mọi loại hình tổ chức (doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, thương mại, cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ … ). Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu đối với việc thiết lập, thực hiện, vận hành, giám sát, xem xét, duy trì và cải tiến một hệ thống quản lý an toàn thông tin (ISMS) dưới dạng văn bản trong bối cảnh các rủi ro liên quan đến các quá trình kinh doanh tác nghiệp tổng thể của chính tổ chức đó. Tiêu chuẩn cũng quy định cụ thể các yêu cầu đối với việc thực hiện các biện pháp kiểm soát an toàn tương thích với nhu cầu của chính tổ chức. Mục đích cuối cùng của hệ thống là nhằm bảo vệ các tài sản thông tin và tạo lòng tin cho các bên quan tâm.
Những lợi ích đối với doanh nghiệp khi áp dụng tiêu chuẩn ISO 27001
Tạo được khuôn khổ được cấu trúc để hỗ trợ cho việc quy định, thực hiện, vận hành và duy trì hệ thống quản lý ATTT (An toàn thông tin) toàn diện, hiệu quả về chi phí, tạo thêm giá trị cho khách hàng, các bên quan tâm và cho chính tổ chức), nhất quán và đồng bộ nhằm thỏa mãn các nhu cầu của tổ chức.
Hỗ trợ cho lãnh đạo của tổ chức trong việc quản lý và vận hành một cách nhất quán, có trách nhiệm đối với hoạt động quản lý về ATTT, dựa trên nền tảng quản lý các rủi ro của tổ chức, kể cả việc giáo dục và đào tạo cho các chủ thể của hệ thống và các quá trình nghiệp vụ trong tổ chức, doanh nghiệp về quản lý ATTT;
Thúc đẩy việc áp dụng các thực hành tốt về ATTT đã được chấp nhận toàn cầu, tạo cơ hội để tổ chức, doanh nghiệp có thể tiếp cận và chấp nhận áp dụng, cải tiến các biện pháp kiểm soát phù hợp với tình huống bối cảnh cụ thể của mình, cũng như để duy trì các biện pháp kiểm soát này trước những thay đổi từ nội bộ và bên ngoài;
Tạo lòng tin cho khách hàng, các đối tác kinh doanh về hệ thống quản lý ATTT được tuân thủ, phù hợp tiêu chuẩn được thừa nhận quốc tế, nhất là khi các đối tác này yêu cầu chứng nhận sự phù hợp của hệ thống quản lý ATTT theo yêu cầu ISO / IEC 27001 bởi một tổ chức chứng nhận được công nhận;
Thỏa mãn được nhu cầu và mong đợi của xã hội về khía cạnh ATTT, kể cả việc đáp ứng, tuân thủ các yêu cầu của pháp luật; Đạt hiệu quả hơn về quản lý về kinh tế khi đầu tư cho quản lý ATTT.
Khánh Mai (t/h)