Động lực từ những cây cầu nối hai bờ sông Hồng

Nếu như ở thế kỷ trước, Hà Nội chỉ được coi là thành phố ven sông thì với quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, sông Hồng đã nằm gọn trong lòng Thành phố. Theo quy hoạch, Thành phố sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng. Hiện đã có 8 cầu, gồm Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Việt Trì – Ba Vì được xây dựng. Mỗi cây cầu bắc qua sông Hồng đều có nhiều dáng vẻ, vị trí và lịch sử khác nhau. Từ thế kỷ trước, các cây cầu Long Biên, Thăng Long, Chương Dương… đã luôn đóng góp một vị trí quan trọng cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, giải quyết cơ bản việc đi lại và thúc đẩy phát triển kinh tế, kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh, Thành phố phía Bắc.

Động lực từ những cây cầu nối hai bờ sông Hồng
Mô hình cầu Tứ Liên

Rồi cầu Thanh Trì được khánh thành năm 2007, cầu Vĩnh Tuy năm 2010, cầu Nhật Tân năm 2015 cũng đều mang đến những đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển của đô thị nghìn năm tuổi. Chỉ trong vòng 20 năm, không khó để nhận ra những cánh đồng trồng ngô, trồng lúa hay làng xóm nghèo… bên kia cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì đã trở thành những dãy nhà phố, khu đô thị mới sầm uất với hàng trăm tòa chung cư cao tầng, biệt thự có kiến trúc hiện đại, các trung tâm thương mại, khách sạn, công sở… nhộn nhịp, sôi động. Đó là lời khẳng định tiếp theo cho những đóng góp của các cây cầu nối liền hai bờ sông, nó không chỉ giúp giao thông trở nên thuận tiện mà còn là động lực thúc đẩy kinh tế Thủ đô, làm đổi thay đời sống nhân dân trong khu vực.

Cùng với sự kỳ vọng ở phân khu đô thị sông Hồng, quy hoạch tổng thể của Hà Nộ nói chung và quy hoạch giao thông nói riêng với điểm nhấn gồm 10 cây cầu mới sẽ được xây dựng trong tương lai: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc – Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh) chính là điểm nhấn quan trọng của Thủ đô Hà Nội trong tương lai gần. Việc xây dựng những cây cầu này không chỉ nhằm khép kín và tạo sự liên kết các vành đai mà còn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Bắc sông Hồng.

Tiến một bước cụ thể hơn nữa trong kế hoạch này, mới đây, Hà Nội đã “chốt” đề xuất phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo của Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Trên cơ sở 3 phương án được đưa ra, phương án được lựa chọn là số 3 “Xứ Đông Dương”. Theo thuyết minh phương án kiến trúc, “Xứ Đông Dương” mang ý tưởng kết nối hiện tại và tương lai, kết nối địa danh lịch sử, các khu vực trung tâm nội đô lịch sử phía Nam sông Hồng với khu vực trung tâm phát triển phía Bắc sông Hồng. Dự án cầu Trần Hưng Đạo nằm trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm (phường Phan Chu Trinh, Chương Dương Độ), quận Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng) và quận Long Biên (phường Long Biên, Bồ Đề, Gia Thụy), chiều dài toàn bộ tuyến khoảng 5,5km. Điểm đầu Dự án là ngã 5 Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh quận Hoàn Kiếm. Điểm cuối dự án tại khu vực giao cắt với Quốc lộ 5A (đường Nguyễn Văn Linh), thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.

Động lực từ những cây cầu nối hai bờ sông Hồng
Thiết kế cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách cổ điển. Ảnh: TEDI

Dẫu còn những ý kiến tranh luận về thiết kế cầu Trần Hưng Đạo nhưng tựu chung giới kiến trúc sư và quy hoạch đều khẳng định về sự cần thiết của cây cầu này đối với Hà Nội. Trong quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050, cầu Trần Hưng Đạo giữ vai trò quan trọng trong việc tạo sự liên kết Vành đai 1 phía trung tâm Hà Nội với các trục đường huyết mạch ở chuỗi đô thị trung tâm mở rộng phía đông như: Cổ Linh, cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Vành đai 2, Vành đai 3…

Việc tăng tính kết nối, nâng cấp hệ thống giao thông được kỳ vọng sẽ mở thêm hướng phát triển các đô thị vùng ven, thu hút người dân về sinh sống, góp phần thúc đẩy mục tiêu giãn dân khu vực nội đô Hà Nội. Theo các chuyên gia, giải pháp duy nhất để khắc phục tình trạng quá tải hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cũng như để bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ được xác định là giãn dân cơ học. Trong Dự thảo Đề án giãn dân phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã đề xuất sử dụng quỹ nhà tái định cư thuộc khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên. Tuy nhiên, khi mà khả năng lưu thông của cầu Chương Dương và Long Biên đã không còn đáp ứng được nhu cầu thực tế, ùn tắc giao thông xảy ra hàng ngày trong các giờ cao điểm thì phương án này vẫn còn nằm trên lý thuyết. Trong bối cảnh này, việc sớm đưa cầu Trần Hưng Đạo vào vận hành không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ dự án giãn dân phố cổ mà còn kịp thời khai thác quỹ đất khu vực phía Bắc “nội đô lịch sử” vẫn đang còn dồn dào, phù hợp để phát triển các dự án tầm cỡ, hiện đại và đồng bộ./.

Việc tăng tính kết nối, nâng cấp hệ thống giao thông được kỳ vọng sẽ mở thêm hướng phát triển các đô thị vùng ven, thu hút người dân về sinh sống, góp phần thúc đẩy mục tiêu giãn dân khu vực nội đô Hà Nội. Theo các chuyên gia, giải pháp duy nhất để khắc phục tình trạng quá tải hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cũng như để bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ được xác định là giãn dân cơ học. Trong Dự thảo Đề án giãn dân phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã đề xuất sử dụng quỹ nhà tái định cư thuộc khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên. Tuy nhiên, khi mà khả năng lưu thông của cầu Chương Dương và Long Biên đã không còn đáp ứng được nhu cầu thực tế, ùn tắc giao thông xảy ra hàng ngày trong các giờ cao điểm thì phương án này vẫn còn nằm trên lý thuyết.
Anh Tuấn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích