Vai trò của Viện Đo lường quốc gia Đức trong chuyển đổi số đo lường

Đức có chính sách hỗ trợ chuyển đổi số thông qua một số gói giải pháp thúc đẩy. Ví dụ, tình trạng thiếu thông tin của SMEs được giải quyết một cách hiệu quả thông qua các Trung tâm Mittelstand 4.0 và chương trình hỗ trợ khác nhau. PTB có thể hỗ trợ gián tiếp các dự án này như chuyển đổi số của hệ thống hiệu chuẩn, thiết lập các kiến trúc tham chiếu, góp phần hỗ trợ quy trình kinh doanh số với các giao diện số tương ứng có mức độ bảo mật thích hợp.

Sáng kiến ​​Mittelstand 4.0 về quy trình sản xuất và làm việc số, nhằm hỗ trợ số hóa SMEs, kết nối mạng và bắt đầu ứng dụng cách mạng Công nghiệp 4.0. Trung tâm Mittelstand 4.0 là một trong những hành động ​​thuộc kế hoạch Sáng kiến ​​Mittelstand 4.0. Trung tâm Mittelstand 4.0 là hệ sinh thái số hóa đa ngành, đa lĩnh vực nhằm hỗ trợ chuyển giao kiến ​​thức và công nghệ cho SMEs.

SMEs được hỗ trợ thực tế trong việc phát triển các giải pháp cách mạng Công nghiệp 4.0 riêng thông qua các hội thảo, chương trình đào tạo, triển lãm công nghệ… Trung tâm Mittelstand 4.0 cung cấp các giải pháp số miễn phí. SMEs có thể đến trực tiếp để được tư vấn, lời khuyên miễn phí.

Trung tâm Mittelstand 4.0 được thành lập bởi các tập đoàn, trường đại học, các tổ chức Fraunhofer và đối tác bên ngoài khác (như: phòng thương mại…).

Mỗi tập đoàn trong Trung tâm Mittelstand 4.0 đảm nhận vai trò cụ thể phụ thuộc vào năng lực cụ thể của họ (Ví dụ, in 3D, sản xuất linh hoạt, mô hình kinh doanh mới…). Tất cả các đối tác trong Trung tâm Mittelstand 4.0 cùng hành động để thúc đẩy chuyển đổi số. Hiện tại, có 23 Trung tâm Mittelstand 4.0 trên khắp nước Đức.

Các Trung tâm Mittelstand 4.0 cung cấp hỗ trợ cho SMEs về các vấn đề chung và các vấn đề cụ thể xung quanh quá trình số hóa. Ngoài ra, 06 Trung tâm Mittelstand 4.0 tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như: ICT, dệt may, điện tử, thủ công mỹ nghệ, tòa nhà thông minh…

Các trung tâm thử nghiệm tại PTB cung cấp cho SMEs năng lực đánh giá các công nghệ mới, phát triển giải pháp với các đối tác có năng lực. Hoạt động này đang được Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang, Đức (Federal Ministry of Education and Research, BMBF) và hiệp hội “Mạng lưới các phòng thí nghiệp cách mạng Công nghiệp 4.0” (Labs Networks Industrie 4.0) (LNI4.0) thúc đẩy mạnh mẽ.

PTB tạo nên sự khác biệt với nhiều dự án hợp tác với SMEs, trong đó công nghệ và bí quyết được chuyển giao thông qua các dự án chung. Phát triển các giải pháp công nghệ để ứng phó với những thách thức của quá trình chuyển đổi số, PTB sẽ củng cố vị thế với tư cách là tổ chức hỗ trợ cho nước Đức. LNI4.0 gắn kết chặt chẽ với hoạt động tiêu chuẩn hóa thông qua “Hội đồng tiêu chuẩn hóa 4.0” (Standardization Council 4.0, SC4.0) và nhiều ủy ban quốc tế mà PTB là đại diện.

Các công nghệ được phát triển cho phép hỗ trợ lâu dài đối với NQI. Việc phát triển các trung tâm thử nghiệm phù hợp tại PTB sẽ mang lại lợi ích cho nước Đức theo hai cách. Thứ nhất, các trung tâm thử nghiệm hỗ trợ PTB, Siemens và các đối tác quan tâm thiết lập một lĩnh vực thử nghiệm mới: “Chuyển đổi số trong QI” (Digital Transformation in the Quality Infrastructure). Thứ hai, cùng với các hoạt động nội bộ hiện có của PTB, các trung tâm thử nghiệm và LNI4.0 sẽ tập trung hỗ trợ có mục tiêu quá trình chuyển đổi số của nước Đức. Ví dụ, thành lập một trung tâm thử nghiệm trong lĩnh vực thiết bị đo ảo, dựa trên xác định độ không đảm bảo đo cụ thể đối với các hệ thống đo lường 3D phức tạp.

Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang, Đức (BMBF) hỗ trợ các dự án đào tạo từ cơ bản và nâng cao về tiêu chuẩn hóa trong phạm vi của chương trình “Nationale Forschungsstrategie BioÖkonomie 2030” thông qua “Innovationsräume Bioökonomie”. Theo sáng kiến này, PTB sẽ tham gia vào ứng dụng dự án “Digitalisierung der Biotechnologie” (Số hóa công nghệ sinh học) liên quan đến việc chuẩn hóa dữ liệu, truyền dữ liệu, bảo mật quá trình dẫn xuất dữ liệu của các giá trị đo.

Kết nối thông qua IoT sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các ngành công nghiệp. Tiến bộ công nghệ số không chỉ dừng lại ở công nghệ sinh học. Những con đường hoàn toàn mới đang được khám phá trong sản xuất công nghiệp, chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng. Trong công nghệ sinh học và y tế, các công nghệ mới góp phần nhằm nâng cao trình độ nghiên cứu và trị liệu, đồng thời giúp dễ dàng theo dõi và kiểm soát các quá trình hiệu quả hơn.

Các đĩa Petri với các hệ thống tích hợp để theo dõi điều kiện thí nghiệm tự động; hệ thống hỗ trợ phòng thí nghiệm với việc sử dụng thực tế tăng cường; các thiết bị có chức năng theo dõi hoặc các lò phản ứng tự động; theo dõi và điều khiển quá trình sản xuất thông qua các cảm biến kết hợp với học máy… là một số ví dụ về giải pháp số.

Ở cấp độ châu Âu, có nhiều dự án và sáng kiến hợp tác được hình thành. Các đối tác châu Âu hợp tác với nhau trong khuôn khổ của chiến lược “Thị trường số hóa chung” của EU (Digital Single Market), nhằm mục tiêu thiết lập thương mại số không giới hạn. “Thị trường số hóa chung” thúc đẩy các quy tắc và tiêu chuẩn để bắt kịp với các tiến bộ công nghệ, cho phép ngành công nghiệp châu Âu khai thác tối đa các cơ hội do công nghệ số mang lại.

Ngoài việc hỗ trợ các dự án nghiên cứu trong chương trình “Horizon 2020”, kế hoạch phát triển chiến lược Đám mây Khoa học Mở Châu Âu (European Open Science Cloud) trong “Sáng kiến Đám mây Châu Âu” (European Cloud Initiative) cũng được xây dựng.

Trong khi nền tảng GovData và các sáng kiến hiện tại chỉ giới hạn trong dữ liệu hành chính, Đám mây Khoa học Mở Châu Âu cung cấp miễn phí các kết quả nghiên cứu, trong đó bao gồm các dữ liệu của các dự án nghiên cứu mới từ chương trình Horizon 2020. PTB tham gia vào nhiều dự án trong phạm vi của chương trình Horizon 2020, do đó, các thách thức đối với việc quản lý dữ liệu sẽ được TPB giải quyết kịp thời.

Hà Minh Hiệp, Đoàn Anh Vũ, Trịnh Phương Linh, Hoàng Ngọc Minh, Nguyễn Thị Ngọc Minh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích