Sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 66:2013/BGTVT về trạm kiểm tra tải trọng xe

Về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 66:2013/BGTVT, Bộ GTVT cho biết, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP về quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Nghị định số 33/2019/NĐ-CP về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ, Thông tư số 34/2021/TT-BGTVT quy định về quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ và các văn bản liên quan thì Trạm KTTTX là công trình đường bộ, thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quy chuẩn kỹ thuật trạm kiểm tra tải trọng xe, quy định về tổ chức, hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe.

Ngày 06/5/2013, Bộ trưởng Bộ GTVTđã ban hành Thông tư số 09/2013/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trạm kiểm tra tải trọng xe QCVN 66:2013/BGTVT với 02 mô hình là Trạm KTTTX cố định và Trạm KTTTX lưu động. Các Trạm KTTTX được thành lập theo quy định tại QCVN 66:2013/BGTVT đã kiểm tra, xử lý có hiệu quả các xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (ví dụ: giai đoạn từ cuối năm 2016 đến năm 2022 Thanh tra giao thông đã sử dụng Trạm KTTTX lưu động, cố định và cân xách tay tiến hành kiểm tra 1.325.114 xe, trong đó có 129.511 xe vi phạm, tước 83.441 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 1.969 tỷ đồng. Riêng năm 2022, các trạm KTTTX lưu động, cố định trên cả nước đã kiểm tra 114.654 xe, trong đó có 18.110 xe vi phạm, tước 2.973 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 147,75 tỷ đồng).

Đối với Trạm KTTTX cố định: cả nước có 2 trạm KTTTX cố định đã được Bộ GTVT cho phép thí điểm xây dựng và đưa vào hoạt động là trạm Quảng Ninh đi vào hoạt động từ tháng 6/2010, trạm Dầu Giây (Đồng Nai) từ tháng 3/2009 và phát huy hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, do yêu cầu phát triển ngày càng cao của lĩnh vực đường bộ, nhất là ứng dụng công nghệ trong công tác KTTTX trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc nên mô hình KTTTX cố định với bộ máy quản lý, vận hành và xử lý vi phạm tại Trạm lên tới gần 60 người, chi phí duy trì hoạt động và bảo trì Trạm hàng năm lớn (hơn 5 tỷ đồng mỗi năm) nên dần không phù hợp với yêu cầu thực tế, cơ bản các Trạm KTTTX cố định đã dừng hoạt động.

 Ảnh minh hoạ

Đối với Trạm KTTTX lưu động: 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được trang cấp 63 Trạm KTTTX lưu động với khả năng cơ động đến các vị trí có mật độ giao thông cao, nhiều xe tải hoạt động đã phát huy hiệu quả bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại số Trạm còn hoạt động là 45 Trạm; số Trạm dừng hẳn hoặc tạm dừng là 18 Trạm. Nguyên nhân chính do khó khăn bố trí vị trí việc làm và biên chế công chức, tại các Sở GTVT biên chế lực lượng Thanh tra giao thông của Sở ngày càng giảm dẫn đến lực lượng Thanh tra giao thông không đủ người để thực hiện công tác KSTTX; chi phí hoạt động khá cao; Trạm không kiểm soát được toàn bộ số xe quá tải qua Trạm.

Để ứng dụng công nghệ trong hoạt động KTTTX, Bộ GTVT đã cho phép Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) thí điểm lắp đặt Hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe cố định một cấp cân (bộ cân KTTTX tự động) với công nghệ Load Cell – Wim tại đoạn Km78/QL.5 địa phận Hải Phòng. 04 bộ cân KTTTX tự động này đã đưa vào hoạt động, được thử nghiệm, theo dõi từ cuối năm 2015 và chính thức thí điểm xử phạt VPHC từ dữ liệu thu được kể từ 00h00 ngày 15/8/2020. Việc xử phạt VPHC thực hiện theo quy định tại Nghị định số 135/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 51/2022/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Kết quả thí điểm cho thấy tỉ lệ bình quân số lượt xe tải vi phạm mức bị xử phạt trên số lượt xe đã cân giảm từ 6,9% xuống còn 0,12% (giảm 57,5 lần); số lượt xe tải vi phạm bình quân trên ngày giảm từ 176 lượt xe trên ngày xuống còn 1,5 lượt xe/ngày (giảm 117,3 lần). Các bộ cân này kiểm soát tự động 24/24h trong mọi điều kiện thời tiết; giám sát 100% số lượt xe lưu thông trên đoạn đường đặt thiết bị cân; dữ liệu cân tải trọng và hình ảnh, biển số phương tiện vi phạm được gửi đến cơ quan có thẩm quyền (Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông) “phạt nguội” hoặc kiểm tra, xử phạt trực tiếp ở vị trí khác thuận lợi hơn, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế theo xu thế công nghệ phát triển hiện nay. Ngoài ra, việc bổ sung thêm mô hình cân loại này khi hoạt động sẽ không phải bố trí công chức thanh tra kiểm tra KTTTX, bảo đảm tính khách quan và cũng là một trong các biện pháp phòng chống tiêu cực hiệu quả do không tiếp xúc trực tiếp với đối tượng có hành vi vi phạm về tải trọng xe.

Ngoài ra, đến thời điểm hiện tại việc áp dụng các bộ cân KTTTX tốc độ cao một cấp cân (tương tự các bộ cân lắp đặt tại Km78/QL.5) đã được triển khai tại một số dự án như: Dự án đầu tư xây dựng QL.1 đoạn tránh TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai theo hình thức hợp đồng BOT; Dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai (lắp đặt trên 02 làn vào tại làn dành cho xe tải tại Trạm thu phí Phố Lu), Dự án ĐTXD Trạm cân cố định tốc độ cao 01 cấp cân trên đường DT.74l, tỉnh Bình Dương, Dự án Hệ thống các Trạm kiểm tra tải trọng xe tự động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động của một số chủ đầu tư quản lý, khai thác đường cao tốc như VEC, VIDIFI…

Cục ĐBVN cũng đã nghiên cứu một số tài liệu liên quan đến công nghệ và mô hình cân KTTTX cố định như Thông tư số 23/2013/TTBKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019); ĐLVN 48 : 2015 Cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới – Quy trình kiểm định (Weighing scale for load control of vehicles Verification procedure); ĐLVN 225 : 2015 Cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới – Quy trình thử nghiệm (Weighing scale for load control of vehicles Testing procedure); OIML R134-1: International Recommendation – Automatic instruments for weighing road vehicles in motion and measuring axle loads. Part 1: Metrological and technical requirements -Tests, Edition 2006 (E). (Khuyến nghị quốc tế – Cân tự động để cân xe di động và cân tải trọng trục. Phần 1: Yêu cầu kỹ thuật và đo lường – thử nghiệm, bản 2006); OIML R134-2: International Recommendation – Automatic Instruments for weighing road vehicles in motion. Total vehicle weighing. Part 2: Test Report Format, Edition 2004 (E) (Khuyến nghị quốc tế – Cân tự động để cân xe di động. Cân toàn bộ xe. Phần 2: Mẫu báo cáo thử nghiệm, bản 2004); COST 323: European WIM Specification, Version 3.0 – August 1999 – European cooperation in Science and Technology (Chỉ dẫn kỹ thuật cân động (WIM) châu Âu, bản 3.0, tháng 8/1999 – Cơ quan hợp tác châu Âu về khoa học và công nghệ); ASTM E1318-2009: A Standard Specification for Highway Weigh-in Motion (WIM) Systems with User Requirements and Test Method (Chỉ dẫn tiêu chuẩn đối với hệ thống cân động (WIM) về yêu cầu sử dụng và phương pháp thử, bản 2009 – Hiệp hội thí nghiệm và vật liệu Mỹ). Ngoài ra, Cục ĐBVN cũng đã tham khảo kinh nghiệm KTTTX của một số nước như Nhật Bản, Séc, Hà Lan, Hàn Quốc, Mỹ và nhận thấy, các nước đã từng bước ứng dụng KTTTX tự động và ngày càng ở mức tự động hóa cao.

Từ những nhận xét, đánh giá trên cho thấy việc đầu tư, lắp đặt các hệ thống cân KTTTX tự động trên đường bộ để tiến hành xử “phạt nguội” là cần thiết nhằm từng bước khắc phục và giảm thiểu tình trạng xe quá tải trọng lưu thông. Hệ thống cân KTTTX tự động nếu được áp dụng sẽ tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KTTTX trên đường bộ, nhất là các quốc lộ trọng điểm, đường cao tốc và các đoạn đường bộ khác có nhiều xe tải lưu thông.

Tuy nhiên do QCVN 66:2013/BGTVT chưa có quy định về mô hình Trạm KTTTX tự động nên chưa có cơ sở đầu tư, lắp đặt các hệ thống cân KTTTX tự động trên đường bộ. Do vậy, Bộ GTVT đã giao Cục ĐBVN là cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng sửa đổi, bổ sung QCVN 66:2013/BGTVT về trạm kiểm tra tải trọng xe tại Quyết định số 683/QĐ-BGTVT ngày 06/6/2023. Việc sửa đổi, bổ sung QCVN 66:2013/BGTVT theo hướng giữ nguyên các quy định hiện hành về Trạm KTTTX cố định, lưu động, cơ bản chỉ sửa đổi, bổ sung các quy định về KTTTX tự động như: khái niệm, yêu cầu thiết kế, yêu cầu về kết cấu hạ tầng lắp đặt, bố trí biển báo hiệu, hệ thống phần mềm, thiết bị… 

Việc xây dựng dự thảo Quy chuẩn là cơ sở quan trọng để cấp thẩm quyền xem xét, cho phép đầu tư, lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống cân KTTTX tự động nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, tăng cường giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát hiện và xử lý vi phạm về tải trọng xe, góp phần bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích