Áp dụng thực hành quản lý tốt – tạo môi trường pháp lý cho tăng trưởng kinh tế bền vững

Thực hành quản lý tốt (Goods Regulatory Practices, GRP) là việc ứng dụng có hệ thống các quy tắc, nguyên tắc và thủ tục mà chính phủ có thể sử dụng để đảm bảo các kết quả quản lý hiệu quả, minh bạch và toàn diện. GRP được thiết kế nhằm cải thiện chất lượng của pháp luật và các quy định, chính sách, giúp tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho việc tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Trong nỗ lực nâng cao năng suất lao động và đạt được tầm nhìn trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, Chính phủ Việt Nam đang xem xét và rất quan tâm đến việc áp dụng GRP.

Malaysia là một ví dụ thành công về GRP, với việc quốc gia này đã có sự tăng trưởng kinh tế đáng kể, tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện hơn kể từ khi bắt đầu thực hiện GRP vào năm 2010. Để tạo điều kiện trao đổi kiến thức và các thực hành hay nhất trong việc áp dụng GRP, đồng thời chia sẻ các sáng kiến cải tiến năng suất liên quan, trong khuôn khổ dự án nghiên cứu quan sát nền kinh tế thành viên APO (IOSM), đoàn Việt Nam đã có cơ hội tới thăm và làm việc với Trung tâm Năng suất Malaysia (MPC) tại Kuala Lumpur từ ngày 20 – 22 tháng 6.

Sáu đại biểu từ Việt Nam đã tham gia chuyến công tác và đã có cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với MPC và ABS Greentech Sdn. Bhd., một công ty trong khối sáng kiến năng suất Malaysia (Productivity Nexus) trong lĩnh vực Nông nghiệp Thực phẩm, để quan sát việc thực hành các nguyên tắc về GRP.

Chương trình bao gồm các nội dung về tổng quan năng suất của Malaysia, khung pháp lý GRP và các nghiên cứu điển hình về việc cải thiện quy định, chính sách tại Malaysia; các yếu tố thúc đẩy năng suất chính như áp dụng công nghệ và số hóa; sự hợp tác về GRP trong tương lai giữa Malaysia và Việt Nam cũng đã được thảo luận.

Dự án IOSM là bước đệm quan trọng trong việc hỗ trợ chính phủ tận dụng các thông lệ toàn cầu tốt nhất để phục vụ cho tầm nhìn năm 2045. Chuyến công tác này phù hợp với các khuyến nghị từ Kế hoạch Phát triển Năng lực Thể chế của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ), cơ quan chịu trách nhiệm về phong trào năng suất quốc gia ở Việt Nam.

Vụ HTQT

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích