An Giang: Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong cấp phép khai thác cát
An Giang: Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong cấp phép khai thác cát
Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2015-2020, việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác cát và việc cấp phép khai thác cát tại tỉnh An Giang còn một số hạn chế.
Gây thất thu ngân sách Nhà nước
Thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ ngày 20/7/2023 chỉ rõ: công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác cát và việc cấp phép khai thác cát cũng còn một số hạn chế, vi phạm, dẫn đến số tiền cần thu nộp ngân sách Nhà nước đã xác định được là 2.642.476.901 đồng; ngoài ra, số tiền thuế, phí chưa nộp của 01 tổ chức cần thu nộp ngay vào ngân sách Nhà nước là 981.482.623 đồng. Một số hạn chế, vi phạm chủ yếu như:
Giai đoạn từ 01/7/2011 đền 31/12/2020, UBND tỉnh An Giang cấp 4 giấy phép thăm dò khoáng sản cát sông tại khu vực không đấu giá nhưng không thực hiện thủ tục lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản là không đúng quy định tại Điều 13 và Điều 35 Nghị định 15/2012/NĐ-CP, Điều 25 và Điều 58 Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Từ sau ngày 01/7/2011, UBND tỉnh An Giang thực hiện gia hạn đối với 15 giấy phép khai thác cát cấp trước ngày 01/7/2011 là không đúng quy định nêu tại khoản 1 Điều 84 Luật Khoáng sản năm 2010; cấp 7 giấy phép khai thác cát thuộc khu vực khoanh định không đấu giá nhưng không xác định phục vụ riêng cho các công trình xây dựng sử dụng ngân sách Nhà nước, công trình khắc phục thiên tai, địch họa, công trình hạ tầng giao thông và công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới là không đúng quy định tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 15/2012/NĐ-CP và điểm đ khoản 1 Điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
UBND tỉnh An Giang cũng không thu tiền cấp quyền khai thác cát đối với 2 trường hợp gia hạn khai thác cát là không đúng quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị định 158/2016/NĐ CP và Nghị định số 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tổng số tiền cần thu nộp ngân sách Nhà nước là 2.616,999 triệu đồng: xác định tiền cấp quyền khai thác cát đối với 2 tổ chức theo giá cát san lấp trong khi quyết định phê duyệt trữ lượng cát trước đó là cát xây dựng, là không đúng thực tế với tổng số tiền cần thu nộp 25,475 triệu đồng: chưa quy định giá tính tiền cấp quyền khai thác và thuế tài nguyên đối với bùn sét, dẫn đến một số dự án khai thác cát có nạo vét bùn sét chưa xác định được tiền cấp quyền và thuế tài nguyên để thu nộp ngân sách Nhà nước theo quy định; chưa xác định và thu tiền thuê đất mặt nước đối với các tổ chức được cấp phép khai thác cát là không đúng quy định nêu tại Điều 152 Luật Đất đai năm 2013.
Buông lỏng kiểm tra khối lượng cát
Tại Thông báo kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh An Giang không thực hiện việc kiểm kê trữ lượng cát tại các mỏ cát lòng sông đã cấp phép; không có biện pháp đảm bảo giám sát chặt chẽ khối lượng cát khai thác thực tế hàng năm tại các mỏ được cấp phép.
Hai cơ quan Cục Thuế và Sở TN&MT tỉnh An Giang không phối hợp thực hiện đối chiếu khối lượng cát khai thác của tổ chức được cấp phép khai thác cát giai đoạn 2015-2020 là không đúng quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư 152/2015/TT- BTC của Bộ Tài chính về cơ chế phối hợp giữa cơ quan Thuế, cơ quan TN&MT trong việc quản lý hoạt động khai thác tài nguyên. Có trường hợp DN khai thác cát kê khai nộp thuế với cơ quan thuế không đúng khối lượng cát thực tế đã báo cáo với Sở TN&MT.
Các đơn vị được cấp phép khai thác cát thuộc dự án “Chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở bờ sông Hậu, bảo vệ đô thị thành phố Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu” khai thác chậm tiến độ, công suất đạt thấp so với giấy phép xác định, trong đó có 01 tổ chức được cấp phép khai thác với diện tích nhỏ hơn nhiều so với diện tích được Bộ TN&MT phê duyệt tại dự án; không đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu của dự án nhưng cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương không có biện pháp kiểm tra, đôn đốc hoặc xử lý theo quy định.
Đáng chú ý, đến thời điểm thanh tra (tháng 6/2022), Hợp tác xã khai thác cát Chợ Mới (Giấy phép số 519/GP-UBND ngày 20/8/2020) còn nợ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường với số tiền 981.482.623 đồng, nhưng Cục thuế tỉnh An Giang chưa có biện pháp xử lý cương quyết để thu nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.
Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm đối với các hạn chế, vi phạm nêu trên thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, Giám đốc Sở TN&MT giai đoạn 2011-2020 và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị