Phú Thọ: Gắn tem truy xuất nguồn gốc cho hơn 2.000 sản phẩm nông nghiệp
Việc xây dựng và triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc góp phần thống nhất và chuẩn hóa việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp trong phạm vi toàn tỉnh. Qua đó góp phần đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên thị trường; tạo thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Cùng với đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp, hợp tác xã minh bạch hóa thông tin của từng công đoạn tạo ra sản phẩm, chống các hành vi gian lận thương mại. Đồng thời, giúp truy cập thông tin về sản phẩm một cách nhanh chóng, chính xác; kịp thời phát hiện những điểm chưa hợp lý để chủ động cải tiến, khắc phục; nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm; tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng. Từ đó góp phần giúp nông sản thâm nhập chuỗi cung ứng toàn cầu…
Sản phẩm bưởi Đoan Hùng được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Kế hoạch số 1492/KH-UBND ngày 13/4/2020 của UBND tỉnh về triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch, ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 đề ra mục tiêu: Giai đoạn 2021 – 2025 có 70 – 80% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và thực phẩm trên địa bàn tỉnh được thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kiến thức về hoạt động truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. 100 – 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm được hỗ trợ triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn kiến thức về truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch, ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Xác định danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm trọng điểm, ưu tiên hỗ trợ triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và đề xuất chính sách hỗ trợ. Xây dựng và vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của tỉnh.
Triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số mã vạch, ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thực phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Bảo Lâm