Để các cuộc thi hoa hậu xứng tầm với tên gọi
Cụ thể, trong một lần vấn đáp nhanh, khi được MC yêu cầu kể tên 3 người nổi tiếng quê ở Bình Định, tân Hoa hậu đáp: “Em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và Vua Quang Trung”. Ngay lập tức, câu trả lời của Ý Nhi trở thành đề tài bàn tán của dân mạng. Nhiều người cho rằng, người đẹp đã thiếu tôn trọng khi đặt tên của mình ở trước những tên tuổi nổi tiếng như Vua Quang Trung và Nhà thơ Hàn Mặc Tử. Hơn nữa, cô còn trả lời sai kiến thức bởi Nhà thơ Hàn Mặc Tử quê ở Quảng Bình, ông chỉ lớn lên và mất ở Quy Nhơn, Bình Định.
Top 3 Miss World Vietnam 2023. |
Trước đó, người đẹp cũng bị vạ miệng khi có những lời nói kém tinh tế: “Trong khi bạn bè đồng trang lứa với tôi chỉ dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa thì tôi đã tham dự cuộc thi hoa hậu. Tôi nghĩ mình trưởng thành hơn các bạn, khi mà các bạn vừa đi học vừa đi làm thì tôi đã là một hoa hậu. Từ giờ tôi sẽ giữ mình hơn để xứng đáng với cương vị của một hoa hậu”.
Không thể phủ nhận, khán giả hoàn toàn có quyền đòi hỏi một hoa hậu có tri thức, nhan sắc và tầm ảnh hưởng tới công chúng. Bởi hoa hậu không chỉ là một biểu tượng sắc đẹp mà còn là người đại diện cho quốc gia trên đấu trường sắc đẹp quốc tế. Vì vậy, cô ấy phải có kiến thức và khả năng giao tiếp để có thể truyền đạt thông điệp, đại diện cho các vấn đề và thể hiện ảnh hưởng tích cực đến công chúng.
Với những rắc rối và ồn ào không mong muốn, nhiều người đã lên tiếng đòi tước vương miện của Ý Nhi. Bởi họ cho rằng với vị trí và tầm ảnh hưởng của mình, Hoa hậu Ý Nhi cần phải có hành vi và lời nói mẫu mực. Chia sẻ trên trang cá nhân, Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường thẳng thắn cho biết: “Thực sự cũng nên có một hoa hậu trong lịch sử cần tước vương miện để làm gương. Nếu không bị tước thì cô gái này cũng nên tự trả lại vương miện cho Ban Tổ chức để nhìn nhận lại những sai lầm trong phát ngôn cũng như suy nghĩ của mình trong những ngày vừa qua. Chỉ như vậy mới cứu được bản thân khỏi sự cuồng nộ của nhiều người thôi. Chứ mới đăng quang hoa hậu mà group anti gần 400 nghìn người rồi thì khó sống trong showbiz lắm”.
Tuy nhiên, những có ý kiếncho rằng lời vạ miệng của Hoa hậu Ý Nhi chỉ đơn giản là một lỗi nhỏ và không đáng quan tâm. Họ cho rằng các người đẹp cũng là con người và có thể mắc lỗi, nhất là trong những tình huống căng thẳng và áp lực. Họ cũng cho rằng cô đã có hành động xin lỗi và nhận trách nhiệm cho lỗi lầm của mình. Khi được nhiều người hỏi về vấn đề này, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam công khai chia sẻ: “Hoa hậu Ý Nhi không có ý ngạo mạn gì trong câu trả lời đó. Cô chỉ là người chưa được dạy dỗ kỹ lưỡng mà thôi. Rất nhiều người ở tuổi cô đã có những ứng xử rất văn hoá và hiểu biết. Sự thiếu hụt văn hoá làm cô trở nên kệch cỡm trước xã hội và vô lễ với tiền nhân. Ngày nay, hầu hết những đứa trẻ 4 tuổi cũng đã biết phải chào ai trước khi đi nhà trẻ về. Có ý kiến đề nghị tước danh hiệu hoa hậu của cô. Cá nhân tôi thấy không cần thiết trong trường hợp cụ thể này. Vì cô đã nhận ra lỗi của mình và xin lỗi cộng đồng. Hãy để cô sửa chữa lỗi bằng các hoạt động của cô sau này đối với cộng đồng”.
Có lẽ, chúng ta cần cho tân Hoa hậu Ý Nhi thời gian để hoàn thiện bản thân bởi khả năng của một hoa hậu không chỉ được đánh giá qua thời gian dự thi, mà còn qua cách họ sử dụng tên tuổi và tầm ảnh hưởng sau khi giành được vương miện. Một hoa hậu có thể sử dụng sự nổi tiếng của mình để tham gia vào các hoạt động từ thiện, quảng bá những giá trị tích cực cho cộng đồng, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề xã hội và tạo ra những thay đổi tích cực sau này.
Phải chăng nguyên nhân gốc rễ những ồn ào của Miss World Vietnam còn nằm ở chính cách tổ chức và quản lý cuộc thi. Thực tế là các cuộc thi hoa hậu vẫn có sức hút đối với rất nhiều cô gái, không chỉ vì danh hiệu mà còn vì cơ hội mở ra, như khám phá bản thân, phát triển sự tự tin và thể hiện cá nhân. Nhưng để đảm bảo một cuộc thi diễn ra suôn sẻ và đúng trọng tâm, sự chuyên nghiệp và uy tín của Ban Tổ chức là điều không thể bỏ qua. Bởi Ban Tổ chức có trách nhiệm giám sát và quản lý hoạt động, bao gồm cả hành vi và lời nói của các hoa hậu. Với vai trò là một tổ chức chịu trách nhiệm về việc tìm kiếm và đào tạo những người phụ nữ đại diện cho quốc gia, Ban Tổ chức nên đảm bảo rằng các thí sinh được trang bị đầy đủ kiến thức và hành vi phù hợp để đại diện cho đất nước một cách tốt nhất.
Trước hết, cần có sự chọn lọc cẩn thận về các thí sinh, để đảm bảo đủ tiêu chuẩn về đạo đức, tri thức và ứng phó nhanh nhạy trước những tình huống trong xã hội. Tiếp theo, hợp đồng và cam kết từ phía các thí sinh cũng cần được quan tâm, đảm bảo rằng họ sẽ tuân thủ các quy tắc đạo đức và không tạo ra những “xì căng đan” tiêu cực gây chú ý với công chúng.
Trên bình diện rộng hơn, từ chỗ cả nước chỉ có cuộc thi hoa hậu do báo Tiền phong tổ chức, thì đến nay có quá nhiều cuộc thi hoa hậu mà nhiều đặt cho cái tên “loạn hoa hậu”. Đã đến lúc ngành Văn hóa phải đúc kết lại, mục tiêu của các giải hoa hậu là gì? Cả nước có bao nhiêu cuộc thi hoa hậu là đủ. Cứ kiểu trăm hoa đua nở, các cuộc thi không những ngày một nhạt, chất lượng tổ chức cuộc thi chưa cao và hơn hết “tổ chức” quá nhiều cuộc thi hoa hậu để làm gì?
Phương Bùi
Nguồn: Báo lao động thủ đô