Nhiều kết quả trong phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị
Nhiều kết quả trong phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị
Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ tại Việt Nam những năm qua đã có nhiều kết quả tích cực từ giao thông đô thị đến cấp thoát nước, công trình ngầm, cây xanh, chiếu sáng, xử lý chất thải đô thị…
Tham vấn ý kiến tại “Hội thảo tham vấn về chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ”, ngày 28/7, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đã báo cáo nhiều kết quả đạt được trong phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị. Dưới đây, chúng tôi xin phép dẫn lại các kết quả được ghi nhận trong tham luận của Cục Hạ tầng kỹ thuật tại hội thảo trên để bạn đọc tham khảo.
Về giao thông đô thị
Hệ thống đường chính đô thị, các trục giao thông hướng tâm, đường vành đại, các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị được tập trung đầu tư. Một số công trình giao thông đô thị trở thành dấu ấn cho sự phát triển như: Cầu Nhật Tân, Đại lộ Võ Nguyên Giáp (Hà Nội), Hầm Thủ Thiêm, Đại lộ Mai Chí Thọ – Võ Văn Kiệt (TP. Hồ Chí Minh), Cầu Bãi Cháy (Hạ Long),… Giao thông công cộng được quan tâm phát triển, hệ thống giao thông công cộng vận tải khối lượng lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang dần được hình thành nhằm giải quyết ùn tắc giao thông.
Tuy vậy, tỷ lệ đất giao thông và vận chuyển hành khách bằng phương tiện giao thông công cộng tại các đô thị vẫn ở mức thấp. Tỷ lệ đất giao thông trung bình của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mới chỉ đạt khoảng 9% (chỉ tiêu quy định là 20 – 26%); Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 15%, TP. Hồ Chí Minh đạt khoảng 10%, Đà Nẵng và Hải Phòng khoảng 3% (mục tiêu đặt ra đạt khoảng 25 – 30% vào năm 2020).
Về cấp nước
Chủ trương xã hội hóa ngành nước đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và vận hành các công trình cấp nước; có trên 95% doanh nghiệp cấp nước hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Nhiều nhà máy cấp nước công suất lớn được đầu tư xây dựng (trong đó có nhà máy công suất trên 300.000 m3/ngđ được đầu tư xây dựng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Tính đến nay, cả nước có khoảng 750 nhà máy nước sạch đô thị với tổng sông suất của các nhà máy nước đạt khoảng 11,6 triệu m3/ngđ (tăng 5,4 triệu m3/ngđ so với năm 2010); tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch từ nhà máy nước tập trung đạt khoảng 94% (tăng 18% so với năm 2010); tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch còn 17% (giảm 13% so với năm 2010).
Về thoát nước và xử lý nước thải
Hầu hết các đô thị đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Một số khu đô thị mới, đô thị mở rộng đã đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước riêng nước mưa và nước thải.
Tỷ lệ thu gom nước thải của phạm vi phục vụ hệ thống thoát nước đô thị toàn quốc đạt khoảng 64%; có khoảng 70% hộ gia đình đã đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị nhưng chỉ có 15% tổng lượng nước thải thu gom được xử lý bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Đến nay, cả nước có khoảng 82 nhà máy xử lý nước thải đô thị đang vận hành ở hơn 50 đô thị với tổng công suất xử lý theo thiết kế khoảng 1,466 triệu m3/ngđ (tăng khoảng 50 nhà máy và hơn 650.000 m3/ngđ so với năm 2015). Hiện nay, có khoảng 80 dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị cấp tỉnh đang trong quá trình thiết kế/ thi công xây dựng với tổng công suất thiết kế gần 2,2 triệu m3/ngđ. Nhiều dự án thu gom và xử lý nước thải cũng đang được triển khai với các nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn như Nhà máy XLNT Yên Xá (Hà Nội) công suất 270.000 m3/ngđ; Nhà máy XLNT Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP. Hồ Chí Minh) công suất 480.000 m3/ngđ; Nhà máy XLNT Bình Hưng giai đoạn 2 (TP. Hồ Chí Minh) công suất 328.000 m3/ngđ;…
Về phát triển công trình ngầm đô thị, công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung
Công trình giao thông ngầm
Hiện nay tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng … mới hình thành với 4 loại hình công trình giao thông ngầm gồm có hầm chui cơ giới và hầm đi bộ, bãi đỗ xe ngầm và tàu điện ngầm.
– Tàu điện ngầm: Hiện nay mới triển khai đầu tư xây dựng tại thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chưa có tuyến tàu điện ngầm nào được đưa vào khai thác sử dụng. Tại thủ đô Hà Nội, hiện nay đang thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội; tại TP. Hồ Chí Minh đang đầu tư xây dựng tuyến đường sắt số 1 Bến Thành – Suối Tiên.
Hệ thống giao thông ngầm của đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về cơ bản mới đang bắt đầu hình thành. Hệ thống khung là đường sắt đô thị ngầm đang bắt đầu được xây dựng. Tuy nhiên các tuyến và ga hiện đang được nghiên cứu và xây dựng khá độc lập. Mặt khác vấn đề kết hợp các nhà ga đường sắt đô thị với các công trình ngầm xung quanh cũng chưa được nghiên cứu phối hợp do sự phối hợp và lợi ích của các chủ đầu tư xây dựng các công trình.
– Hầm chui cơ giới bố trí tại nút giao thông trọng yếu, có giao cắt phức tạp giữa đường hướng tâm và vành đai.
– Hầm đi bộ bố trí tại đường vành đai và nút giao giữa đường vành đai với đường hướng tâm.
– Bãi đỗ xe ngầm: Hiện đã có một số bãi đỗ xe ngầm được đầu tư xây dựng tại các đô thị lớn như Đà Nẵng, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên vẫn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư xây dựng. Nhiều bãi đỗ xe ngầm được xác định trong quy hoạch đô thị, được chuẩn bị đầu tư trong thời gian dài nhưng chưa thực hiện đầu tư xây dựng.
Công trình công cộng ngầm
Tại các đô thị ở nước ta hiện chưa có công trình công cộng ngầm xây dựng độc lập, riêng rẽ với công trình nổi. Chức năng công cộng chỉ xuất hiện tại tầng hầm của công trình xây dựng cao tầng trên mặt đất, tại các tổ hợp công trình có quy mô lớn như tại trung tâm thương mại Royal City, Time City tại Hà Nội,…
Phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất
Công trình xây dựng có tầng hầm tập trung chủ yếu tại khu vực trung tâm của các đô thị lớn, một số công trình chung cư có phần ngầm sâu nhất là 6 tầng ngầm (Chung cư D’le. Roisoleil tại Tây Hồ, Hà Nội). Các công trình công cộng ngầm hoặc tầng ngầm của các công trình xây dựng tại đô thị trung tâm đại bộ phận mới có chức năng phục vụ đỗ xe, rất ít các chức năng khác. Nhiều công trình ở vị trí nút giao thông, nên việc bố trí chức năng đỗ xe ở tầng hầm tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cá nhân tập trung tại đây. Đây là một trong các yếu tố gây ùn tắc giao thông tại các nút giao thông lớn, phức tạp.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung
Do vấn đề vốn đầu tư lớn nên tuy nen kỹ thuật chưa được chú trọng đầu tư tại các đô thị. Hiện nay công tác hạ ngầm đường dây đường ống tại các đô thị chủ yếu là hệ thống cống, bể cáp và hào kỹ thuật để bố trí cáp điện lực và thông tin.
Hệ thống cáp điện lực: Hệ thống điện trung, hạ áp gồm dây nổi đi trên cột bê tông và cáp ngầm (chôn trực tiếp, và trong hào kỹ thuật). Việc ngầm hóa hệ thống đường dây truyền tải điện của các đô thị hiện nay còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ ngầm hóa lưới điện cao áp đạt tỷ lệ thấp, lưới điện trung áp thấp và chủ yếu theo hình thức “chôn lấp” và việc ngầm hóa chưa được triển khai ngăn nắp.
Về xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị
Phần lớn chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (khoảng 70%). Cả nước hiện có khoảng hơn 50 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng và đi vào vận hành với tổng công suất xử lý theo thiết kế khoảng 9.500 tấn/ngày (chiếm gần 30% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom) với các công nghệ xử lý chủ yếu được áp dụng là sản xuất phân compost, đốt, đốt phát điện. Hiện nay, nhiều địa phương đã và đang đầu tư xây dựng các cơ sở đốt phát điện (Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Thọ, Bắc Ninh,…).
Về quản lý nghĩa trang, cơ sở hỏa táng
Trong giai đoạn vừa qua, nhiều nghĩa trang đã được đầu tư xây dựng. Hiện có trên 20 công viên nghĩa trang đã được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. Nhiều nghĩa trang tập trung ở khu vực nông thôn được đầu tư xây dựng theo Chương trình nông thôn mới.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ hỏa táng ngày càng tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng trên tổng số người chết khoảng 65%. TP. Hồ Chí Minh khoảng 70%, Hải Phòng khoảng 29%… Ở khu vực nông thôn, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng chưa cao nhưng qua công tác tuyên truyền phổ biến, nhân dân đã có sự tiếp cận sử dụng hình thức hỏa táng; nhận thức và thói quen tập quán về hình thức táng đang dần được thay đổi.
Nhiều địa phương đã và đang triển khai đầu tư cơ sở hỏa táng. Cả nước hiện có trên 30 cơ sở hỏa táng với khoảng hơn 130 lò hỏa táng được đầu tư, xây dựng, góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng hỏa táng tại các địa phương. Các công nghệ hỏa táng đang áp dụng chủ yếu là sử dụng điện; nhiên liệu gas, dầu diezen hoặc nhiên liệu củi đốt. Một số lò hỏa táng sử dụng điện hoặc nhiên liệu gas, dầu diezen đang hoạt động ổn định, hiệu quả và đảm bảo môi trường tập trung ở các địa phương như Hà Nội (12 lò), TP. Hồ Chí Minh (08 lò), Bình Dương (04 lò), Hải Phòng (02 lò), Quảng Ninh (03 lò), Đà Nẵng (02 lò),… Hiện nay, một số địa phương đang tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng áp dụng công nghệ hỏa táng tiên tiến, thân thiện với môi trường như Thái Nguyên, Nghệ An,…
Ở vùng Nam Bộ, nơi đồng bào Khmer sinh sống có nhiều lò hỏa táng thô sơ sử dụng củi đốt được đặt tại các chùa với số lượng từ vài lò đến vài chục lò (Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng,..); các lò này chưa bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, đặc biệt là tiêu chuẩn về khí thải. Tuy nhiên, các địa phương thuộc vùng Nam Bộ cũng đang tìm kiếm nguồn vốn để dần thay thế các lò hỏa táng sử dụng củi đốt.
Về chiếu sáng đô thị
Hiện nay, hầu hết các đường phố chính tại các đô thị từ loại III trở lên đều đạt tỷ lệ chiếu sáng 100%, các đường ngõ xóm cũng đạt trên 70%. Nhiều địa phương đã sử dụng sản phẩm đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng hoặc có kế hoạch thay thế đèn Sodium bằng các sản phẩm chiếu sáng tiết kiệm năng lượng cho chiếu sáng công cộng.
Về công viên, cây xanh đô thị
Diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người tại một số đô thị: TP. Huế 18 m2/người, TP. Vinh 10,5 m2/người, TP. Vũng Tàu 10 m2/người, TP. Hà Nội 5,52 m2/người, TP. Nam Định 5,39 m2/người, TP. Hải Phòng 3,09 m2/người, TP.Hồ Chí Minh 2,4 m2/người, TP. Đà Nẵng 2,4m2/người…
Về số lượng cây xanh đô thị (thân gỗ lớn, cây bóng mát) hiện chưa có thống kê cụ thể, tuy nhiên tại một số đô thị lớn đã có những chương trình, đề án phát triển cây xanh như Hà Nội khoảng 1 triệu cây xanh bóng mát, Đà Nẵng khoảng 350.000 cây (năm 2015), TP. Hồ Chí Minh khoảng 236.000 cây (theo số liệu quản lý của các đơn vị trên địa bàn, năm 2019), TP. Vũng Tàu khoảng 38.000 cây, Thành phố Quy Nhơn khoảng 54.000 cây, các đô thị tỉnh Bình Phước khoảng 43.000 cây,…
Tuy vậy, việc quản lý, đầu tư phát triển công viên chủ yếu mới chỉ được quan tâm tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng…
Tham khảo: Tham luận tại “Hội thảo tham vấn về chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ”, tổ chức bởi Bộ Xây dựng và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ).
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị