Thị trường bất động sản ảm đạm nhưng vẫn thiếu nguồn cung

Về nguồn cung, mặc dù các sản phẩm nhà ở phù hợp với nhu cầu người dân tăng nhẹ. Nhưng tổng cung quý 2 ghi nhận sự sụt giảm so với quý 1 bởi một số chủ đầu tư thực hiện việc đóng giỏ hàng các sản phẩm khó thanh khoản.

Nguyên nhân nhiều chuyên gia nhận định, phần lớn các chủ đầu tư vẫn luẩn quẩn trong khâu hoàn thiện pháp lý. Một số chủ đầu tư không đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án.

Trong khi đó, về nguồn cầu, người mua nhà đã có tín hiệu khả quan hơn nhưng nhu cầu giảm do mặt bằng lãi suất vẫn leo cao, thu nhập người dân bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nguồn cung trên thị trường nghèo nàn, không đủ sức hấp dẫn. Cầu đầu tư trong dài hạn vẫn chỉ ghi nhận tăng tại một số vùng đang đẩy mạnh đầu tư công, đã khởi công các dự án hạ tầng trọng điểm của khu vực.

Thị trường bất động sản vẫn thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của số đông người dân.

Tỷ lệ giao dịch tăng nhẹ ở quý 2, chủ yếu đến từ căn hộ chung cư. So sánh tỷ lệ giao dịch quý 2 cho thấy đã tăng 7 điểm % so với quý 1/2023, giảm 32 điểm % so với quý 2/2022.

Theo VARs, đây là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho các khách hàng có sẵn dòng tiền cần mua bất động sản có mục đích ở thật và đầu tư trong dài hạn.

Ngoài ra, cũng theo báo cáo trên, hạ tầng giao thông được đẩy mạnh ở nhiều khu vực trên khắp cả nước, góp phần tích cực cho việc phát triển thị trường bất động sản xung quanh.

Hoạt động M&A bắt đầu trở lên sôi động hơn với nhiều thông tin “săn dự án” của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các thương vụ hầu hết đang ở bước đặt hàng, xem xét và khảo sát, chưa chuyển sang giai đoạn chốt.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARs ở góc nhìn thận trọng hơn, dù Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm đồng hành và hỗ trợ thị trường bằng việc ban hành các cơ chế, chính sách mới nhưng khó khăn vẫn chưa thực sự được cải thiện đáng kể.

Mới chỉ được trấn an tinh thần, chưa thực sự được can thiệp một cách sâu sắc, trực diện và triệt để khiến tình trạng sức khỏe của các đối tượng tham gia thị trường bất động sản (Doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản, Môi giới bất động sản) đều duy trì trong trạng thái thoi thóp, cầm chừng trong suốt 6 tháng đầu năm 2023.

Tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ khiến toàn bộ các đối tượng tham gia thị trường bất động sản điêu đứng, rã rời mà kéo theo sự trì trệ của nhiều ngành nghề liên quan khác. Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các đối tượng.

“Khi nào thị trường bất động sản khởi sắc” là câu hỏi thường trực, niềm trông mong của rất nhiều đối tượng, không chỉ giới hạn ở các đối tượng trực tiếp tham gia thị trường bất động sản.

Theo ông Đính, đã đến lúc phải “khai tử” các khái niệm “độ trễ chính sách”, “độ ngấm chính sách”. Bởi sự chờ đợi vô hình chung sẽ góp phần bóp nghẹt thêm thị trường. Không có lý do gì đã mất công nghiên cứu ra vắc xin lại trì hoãn, thong dong trong việc tiêm chủng.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu xoay chuyển thị trường, Luật ban hành phải bám sát yêu cầu thực tiễn, cơ quan quản lý nhà nước cần cụ thể hóa nhiệm vụ, giám sát chặt chẽ việc ban hành văn bản, triển khai văn bản luật. Thực thi chính sách không hiệu quả sẽ làm chậm tiến độ, thậm chí bóp nát các dự án đang triển khai, phong tỏa toàn bộ nền kinh tế của cả nước.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang vận hành trong một môi trường còn thiếu rất nhiều cơ chế, chính sách mang tính kim chỉ nam để định hướng một cách xuyên suốt cho các chủ thể hoạt động.

Thời điểm này là bài học “xương máu” cho tất cả các đối tượng tham gia thị trường. Chắc chắn sau khi vượt qua “đại nạn” này, các đối tượng sẽ hoạt động một cách cẩn trọng hơn, biết “liệu cơm gắp mắm”, “tự lượng sức mình” . Và quan trọng, sẽ biết cách trang bị thêm nhiều kỹ năng, kiến thức để tăng khả năng chống chọi với các tình huống khó khăn, bất lợi.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích