Đồng bộ giải pháp để phát triển thị trường lao động

Thị trường lao động bị ảnh hưởng tiêu cực

Phân tích về thị trường lao động của Hà Nội trong những tháng gần đây, đặc biệt là tháng 8, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thị trường lao động trên cả nước, trong đó có Hà Nội tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Với Hà Nội, thị trường lao động phải đối diện với nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đầu năm đến nay. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động dưới 20 – 30% công suất do phải đảm bảo công tác giãn cách xã hội và không nằm trong các lĩnh vực thiết yếu.

Chi phí sản xuất tăng cao trong khi việc cung ứng hàng hóa gặp nhiều hạn chế. Lao động có việc làm tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ nghỉ việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, không đảm bảo điều kiện làm việc… Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tiếp tục gia tăng, kéo theo tình trạng suy giảm lực lượng lao động khi một bộ phận người lao động mất việc phải rời khỏi thị trường.

Đồng bộ giải pháp để phát triển thị trường lao động
Tư vấn việc làm trực tuyến cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Các ngành như: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, khách sạn, ăn uống là những ngành tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời gian gần đây. Nhiều doanh nghiệp dù đã có những sự chuẩn bị và tính toán trước để ứng phó với tình hình dịch bệnh song vẫn gặp nhiều khó khăn, từ đó nhu cầu tuyển dụng cũng giảm xuống đáng kể.

Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm hoãn việc tuyển dụng mới hoặc tuyển rất ít. Thậm chí, để chống chọi với dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã phải thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có cả các biện pháp tinh giảm lao động như cắt giảm, cho nghỉ luân phiên.

Đối với người lao động, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhiều người không tìm được việc làm mới, một số khác phải chuyển sang làm các công việc phi chính thức không ổn định và thiếu tính bền vững. Điều này khiến cho số lao động chính thức giảm và số lao động phi chính thức tăng. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đợt dịch này đã và đang tác động mạnh vào khu công nghiệp, khu chế xuất, những nơi tập trung lực lượng lớn lao động.

Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là công nhân lao động đang thuê trọ ở các khu nhà trọ trong khu vực bị phong tỏa, cách ly, người lao động trong các doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải cơ sở giáo dục ngoài công lập, lao động tự do… Ngoài ra, nhóm lao động có kỹ năng thấp cũng phải đối mặt với nguy cơ bị ngừng hoặc mất việc làm.

Theo số liệu thu thập thông tin người tìm việc của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong tháng 8, nhu cầu tìm việc tập trung ở nhóm người lao động dưới 40 tuổi (chiếm 87,27%) và nhóm lao động có trình độ công nhân kỹ thuật không có chứng chỉ nghề (chiếm 62,8%). Người lao động đa số có nhu cầu tìm việc tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, các vị trí lao động giản đơn, nhân viên văn phòng… Mức lương trung bình mà người lao động mong muốn nhận được chủ yếu là trong khoảng 5-9 triệu đồng/tháng (chiếm 80,3%).

Đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động

Trước những khó khăn của thị trường lao động, thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp đẩy mạnh giải quyết việc làm nhằm từng bước khôi phục và phát triển kinh tế. Trong đó, Thành phố đã đẩy mạnh việc hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố Hà Nội.

Đến thời điểm này, đối với việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQQ-CP, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã ra quyết định hỗ trợ cho trên 1,633 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với kinh phí 576,398 tỷ đồng. Trên 1,608 triệu người lao động, người sử dụng lao động đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí 531,051 tỷ đồng.

Trong đó, riêng với nhóm đối tượng người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, các quận, huyện, thị xã đã quyết định hỗ trợ 19.614 người với kinh phí là 78,83 tỷ đồng, 17.847 lao động đã nhận được hỗ trợ với số tiền 71,73 tỷ đồng. Cùng đó, các quận huyện đã quyết định hỗ trợ cho 731 lao động ngừng việc với số tiền 1 tỷ đồng. Có 347 lao động ngừng việc đã nhận được hỗ trợ với số tiền 457 triệu đồng.

Song song đó, Thành phố đẩy mạnh việc hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm cho người lao động. Ngày 26/8/2021, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 4026/QĐ-UBND bổ sung 500 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người lao động trên địa bàn Thành phố vay phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Trong tháng 8, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 3.284 lao động, có 180 lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn Ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền là 8,6 tỷ đồng. Có 2.422 lao động được cung ứng dịch vụ việc làm tại các doanh nghiệp và qua các hình thức khác.

Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhằm đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh theo các Chỉ thị của Thành phố đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động trong tình hình mới, Trung tâm đã triển khai các hoạt động chắp nối việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm, thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động theo hình thức gián tiếp và trực tuyến, tăng cường hoạt động hỗ trợ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, thị trường lao động Hà Nội nói riêng và thị trường lao động Việt Nam nói chung trong thời gian tới phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, tiêm vắc xin cho người dân và hiệu quả của các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế. Để góp phần cùng Thành phố duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, với trách nhiệm của mình, trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tiếp tục linh hoạt, chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp, phương tiện, thiết bị, nhân sự để ứng phó với các tình huống dịch bệnh, kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp phục hồi, vượt qua dịch bệnh.

Cùng với tiếp tục triển khai linh hoạt các biện pháp, xây dựng phương án hỗ trợ người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khai báo thông tin tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp, Trung tâm tiếp tục tăng cường rà soát, thu thập thông tin, cập nhật tình trạng việc làm của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để nắm bắt biến động lao động do ảnh hưởng từ dịch bệnh, tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động trên địa bàn Thành phố; dự báo kịp thời về tình hình lao động, việc làm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ đó làm cơ sở xây dựng phương án kết nối cung – cầu phù hợp trong bối cảnh tình hình mới./.

Tú Anh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích