Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 1/8/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 1/8/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/8/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/8/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Khả năng xuất hiện bão số 3, bão số 4, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa phát bản tin Dự báo xu thế khí hậu tháng thời kỳ từ 01-31/8/2023.
Theo đó xu thế nhiệt độ trung bình: Nhiệt độ trung bình tháng 8/2023 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,00C, có nơi cao hơn.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ở mức cao hơn khoảng 0,50C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ
Xu thế lượng mưa: Trong tháng 8/2023, lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-25%, riêng Lai Châu-Điện Biên ở mức xấp xỉ.
Khu vực Trung Bộ phổ biến thấp hơn từ 15-30%; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ở xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ
Trong tháng 8/2023, bão và áp thấp có khả năng xuất hiện từ 2-3 cơn trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Di dời khẩn cấp 3 hộ dân gần hố ‘tử thần’ ở Quảng Ninh
VOV đưa tin, khoảng 3h30 ngày 31/7, tại tổ 1, khu Nam Sơn 2, phường Cẩm Sơn, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh xuất hiện 1 hố sụt lún rộng khoảng 5m và sâu khoảng 2,5m ảnh hưởng trực tiếp đến 3 hộ dân.
Ngay sau khi xảy ra hiện tượng sụt lún, cơ quan chức năng đã tiến hành hỗ trợ, di dời khẩn cấp 3 hộ dân cùng tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; đồng thời, khẩn trương khoanh vùng phạm vi nguy hiểm, thông báo cho người dân không được qua lại khu vực này và nhanh chóng khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân để tìm biện pháp xử lý.
Nhiều địa phương bị thiệt hại do mưa lớn, sạt lở
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai, từ ngày 27 – 31/7, mưa lớn, ngập úng, sạt lở đất đã làm 5 người chết (Lâm Đồng: 4, Bình Thuận: 1). Về nhà, 348 nhà ngập (Đắk Lắk: 128; Đắk Nông: 66; Lâm Đồng: 24; Bình Thuận: 126; Đồng Nai: 4). Trong đó, chính quyền các địa phương đã hỗ trợ di dời 112 hộ dân bị ngập sâu đến nơi an toàn (Đắk Nông: 66; Lâm Đồng: 24; Bình Thuận: 22).
Về nông nhiệp, 7.946ha lúa, hoa màu ngập úng (Bình Thuận: 2.984ha; Đắk Lắk: 4.366ha; Đắk Nông: 46ha; Đồng Nai: 550ha).
Về chăn nuôi, thuỷ sản, 827 con gia cầm bị chết (Bình Thuận: 777; Đắk Lắk: 50); 168ha diện tích thủy sản thiệt hại (Bình Thuận: 49ha; Đắk Lắk: 6ha; Đắk Nông: 113ha); thiệt hại 58,3 tấn cá (Đồng Nai).
Bên cạnh đó, sạt lở 11 vị trí quốc lộ (Đắk Lắk QL14C; Lâm Đồng QL20; Bình Thuận QL55, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết) và nhiều tuyến đường giao thông địa phương bị sạt lở, ngập úng. Hiện nay, tại quốc lộ 20 (đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), địa phương đã tổ chứcdọn dẹp xong khối lượng đất đá sạt lở và đánh giá mức độ an toàn trước khi cho thông xe.
Về thiệt hại nhà máy thuỷ điện: Đắk R’Tih (Đắk Nông) bị sạt lở góc sân trước nhà máy và chưa ảnh hưởng đến kết cấu nhà máy; Đắk Nông 2 bị xói chân trạm 110KV, chủ hồ đã chỉ đạo vận hành phù hợp và khắc phục thiệt hại.
Ngoài ra, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thái Nguyên, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, từ ngày 27 – 31/7, mưa lớn kèm dông lốc, sét đã làm 2 người chết (Thái Nguyên: 1; Bạc Liêu: 1); 22 người bị thương (Bạc Liêu: 1; Sóc Trăng: 3; Trà Vinh: 1; Cà Mau: 4; Kiên Giang: 13). Đồng thời, 179 nhà sập đổ (An Giang: 6; Bạc Liêu: 7; Sóc Trăng: 6; Trà Vinh: 4; Cà Mau: 74; Kiên Giang: 82); 637 nhà hư hỏng, tốc mái (An Giang: 19; Bạc Liêu: 52; Sóc Trăng: 69; Trà Vinh: 42; Cà Mau: 311; Kiên Giang: 144).
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ ngày 1/8 đến đêm 2/8, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 60 – 120mm, có nơi trên 200mm.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ngày 1/8 có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20 – 40mm, có nơi trên trên 70mm; từ chiều tối ngày 1 đến đêm 2/8 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40 – 80mm, có nơi trên 120mm.
Ngoài ra, trong ngày và đêm 1/8, ở Nghệ An, Hà Tĩnh và khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20 – 40mm, có nơi trên 60mm (mưa dông tập trung vào chiều và tối). Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.
Đắk Nông: Xuất hiện vết nứt ở khu đồi có hàng chục hộ dân sinh sống
Chiều 1/8, ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức (Đắk Nông) cho biết lực lượng chức năng đã di dời hàng chục người dân ở bon Bu Krắc, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức) ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất.
Theo đó, do mưa lớn kéo dài, rạng sáng ngày 1/8, trên địa bàn bon Bu Krắc xảy ra hiện tượng nứt gãy đất, có nguy cơ sạt lở.
Vết nứt gãy có chiều dài khoảng 200m, rộng 15-20cm, tại khu vực đồi dốc tại bon Bon Krắc. Gần khu vực này có hàng chục hộ dân đang sinh sống.
Phát hiện sự việc, UBND huyện Tuy Đức cùng ngành chức năng đã di dời 17 hộ với 53 nhân khẩu trong khu vực bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.
UBND huyện Tuy Đức đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở TN&MT cùng các ngành chức năng khảo sát điểm nứt gãy tại bon Bu Krắc; có hướng chỉ đạo, khuyến cáo người dân nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Hà Tĩnh: Tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết vào mùa
Mặc dù mới bước vào tháng 7, song tại Hà Tĩnh đã phát hiện gần 40 ca mắc sốt xuất huyết. Dù các ca bệnh xuất hiện rải rác, chưa hình thành ổ dịch song nếu chính quyền các cấp và người dân chủ quan, lơ là, không vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch thì rất dễ xảy ra dịch lớn và khó kiểm soát.
Qua các đợt giám sát véc-tơ sốt xuất huyết của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tại các địa phương cho thấy ý thức vệ sinh môi trường của bà con còn hạn chế, vẫn có nhiều vật dụng chứa nước chưa được lật úp, tạo điều kiện cho muỗi, lăng quăng, bọ gậy sinh sôi, phát triển.
Được biết, ngoài Cẩm Xuyên, các địa phương khác cũng phát hiện ca bệnh như: huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, Lộc Hà, Hương Khê, TP Hà Tĩnh, Can Lộc, Hương Sơn…
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm nay dự báo thời tiết sẽ nắng nóng và có mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển dẫn đến nguy cơ lây lan mầm bệnh sốt xuất huyết. Rất có thể tình hình dịch sốt xuất huyết ở một số địa phương trong tỉnh sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường và xảy ra sớm hơn các năm trước nếu không chủ động các biện pháp phòng, chống kịp thời.
Để chủ động phòng, chống dịch, Ngành Y tế cũng đã chỉ đạo các địa phương từ huyện, thị xã, thành phố đến xã, phường, thị trấn tổ chức phát động toàn dân ra quân làm vệ sinh môi trường diệt loăng quăng, bọ gậy phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Đây là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, từ đó làm thay đổi hành vi, ý thức của người dân về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh.
Sau các buổi phát động, hàng trăm cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể và người dân đã đồng loạt tham gia tổng vệ sinh, thu gom và vận chuyển rác thải đến nơi quy định, lật úp các dụng cụ chứa nước như chai, lọ, chum, vại, lốp xe.… nhằm ngăn chặn sự sinh sản, phát triển của muỗi.
Hồ Thủy điện Hàm Thuận cắt toàn bộ đỉnh lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du
Tin trên PLO, trong mấy ngày qua, trên lưu vực hồ Thủy điện Hàm Thuận có mưa to và rất to. Ngày 30/7, lũ xuất hiện trên hồ Hàm Thuận và đạt đỉnh với lưu lượng 927,1 m3/s. Hồ Hàm Thuận đã phát huy khả năng khi cắt toàn bộ cơn lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du tỉnh Bình Thuận.
Theo Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1), từ lúc 3 giờ ngày 30/7, mưa lớn bắt đầu xuất hiện trên nhiều khu vực thuộc tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận. Theo số liệu ghi nhận đến hết ngày 30-7, mưa trung bình tại 12 trạm thủy văn trên lưu vực hồ Hàm Thuận đạt 89,7mm. Trong đó, lượng mưa tại nhà máy thủy điện Hàm Thuận và đập tràn Hàm Thuận trong ngày lần lượt là 142,4mm và 128,8mm.
Vào lúc 11 giờ ngày 30/7, lũ xuất hiện trên hồ Hàm Thuận với lưu lượng về 303,88 m3/s, đạt đỉnh với lưu lượng 927,1 m3/s vào lúc 13 giờ cùng ngày. Hồ thủy điện Hàm Thuận đã phát huy vai trò phòng lũ khi cắt toàn bộ cơn lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du các huyện Tánh Linh và Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
Mưa lớn ngày 30/7 đã gây ngập tại ngầm (cống ngầm) Lộc Nam thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng và sạt lở Quốc lộ 55 tại xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Quốc lộ 55 nối liền tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Thuận, là cung đường đẹp với nhiều điểm dừng chân lý tưởng cho khách du lịch.
Trong ngày 30 và 31/7, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi bố trí nhân lực ứng trực công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Kết quả kiểm tra các hạng mục công trình cho thấy hệ thống kênh mương thoát nước xung quanh các nhà máy của Công ty thông thoáng, đảm bảo khả năng thoát nước khi có mưa lớn xảy ra.
Đến 14 giờ 31/7, mực nước hồ Hàm Thuận đang ở cao trình 592,634m, cách mực nước dâng bình thường khoảng 12,37m. Với dung tích phòng lũ hiện tại, hồ Hàm Thuận sẽ tiếp tục thể hiện vai trò điều tiết lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du tỉnh Bình Thuận khi mùa mưa trên lưu vực sông La Ngà đã vào chính vụ.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị