Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/8/2023
Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/8/2023
Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 1/8/2023 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao…
Dịch COVID-19 hôm nay: Ca nhiễm và bệnh nhân nặng tăng
Về tình hình dịch COVID-19 hôm nay, Bộ Y tế cho biết từ 16 giờ ngày 31-7 đến 16 giờ ngày 1-8 cả nước ghi nhận 43 ca mắc, tăng mạnh so với số mắc ngày trước đó.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.621.883 ca nhiễm, đứng thứ 13/231quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.448 ca nhiễm).
Trong ngày, có thêm 4 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.640.335 ca. Số bệnh nhân đang thở ôxy là 2 ca, tăng so với ngày trước đó.
Số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đến nay, tổng số liều vắc-xin COVID-19 đã được tiêm là hơn 266,5 triệu liều. Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo các nước triển khai tiêm vắc-xin COVID-19. Trong đó, ưu tiên hoàn thành liều cơ bản đối ở nhóm từ 5 tuổi trở lên và bao phủ trên diện rộng để đạt miễn dịch cộng đồng. Ngoài ra, WHO cũng khuyến cáo các quốc gia triển khai tiêm nhắc các liều tiếp theo dựa trên tình hình dịch bệnh.
Từ 2/8, chính thức sử dụng VNeID đối với khách làm thủ tục đi tàu bay
Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) chính thức triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (tài khoản VNeID) đối với hành khách đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa tại tất cả cảng hàng không trên cả nước.
Cục HKVN vừa có văn bản gửi các đơn vị có liên quan để triển khai chính thức việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (tài khoản VNeID) đối với hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay.
Theo đó, được sự đồng ý của Bộ GTVT, từ ngày 2/8/2023, Cục HKVN chính thức triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (tài khoản VNeID) đối với hành khách đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa tại tất cả cảng hàng không trên cả nước.
Cục HKVN yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai áp dụng việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (VNeID) đối với hành khách đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa (đối với công dân Việt Nam, VNeID có giá trị tương đương thẻ căn cước công dân; đối với người nước ngoài, VNeID có giá trị tương đương hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế).
Người khai thác cảng hàng không, các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không về check-in, boarding cập nhật quy định nêu trên vào chương trình, quy chế an ninh hàng không và các tài liệu khai thác liên quan (nếu có).
Trước mắt, quy trình kiểm tra tài khoản VNeID thực hiện như hướng dẫn của Cục HKVN tại văn bản số 2798/CHK-ANHK ngày 01/6/2023. Các đơn vị chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi tàu bay, bảo đảm an ninh, an toàn; báo cáo Cục HKVN các vấn đề vượt thẩm quyền.
Về lâu dài, Cục HKVN đề nghị Tổng Công ty Cảng hàng không VN (ACV), Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn mua sắm thiết bị kiểm tra tài khoản VNeID thật/giả; kết hợp đầu tư hệ thống xác thực sinh trắc học; tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, thủ tục cấp phép thiết bị xác thực sinh trắc học kết hợp xác thực căn cước công dân, VNeID, hệ thống định danh theo hướng dẫn của Bộ Công an (hoặc cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công an); hệ thống xác thực phù hợp tiêu chuẩn và hướng dẫn của ICAO tại Annex9, Doc 9303 và các tiêu chuẩn, hướng dẫn khác của ICAO.
Khai thác đá trái phép, giám đốc 1 công ty bị bắt
Tin trên PLO, Ngày 1/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đặng Quốc Trung (45 tuổi, trú tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông) về hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Đặng Quốc Trung là Giám đốc Công ty TNHH Thạch Phú Hưng đóng tại huyện Nam Đông được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp Giấy phép cho phép khai thác khoáng sản đá sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá thôn Bá Tang, xã Hương Hữu, huyện Nam Đông.
Tuy nhiên, trong thời gian này, Công ty này vừa tiến hành khai thác tại địa điểm được cấp phép vừa tổ chức khai thác đá trái phép tại khe Xoài và khe A Ro thuộc thôn Bá Tang, xã Hương Hữu.
Tiếp đó, từ năm 2011, mặc dù công ty TNHH Thạch Phú Hưng đã hết thời hạn khai thác theo giấy phép quy định tại huyện Nam Đông, nhưng đơn vị này vẫn tiếp tục cho người và phương tiện tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản tại khe A Ro và Khe Xoài.
Quá trình khai thác đã tạo ra các hố sâu, gây sạt lở nương rẫy của các hộ dân và tác động làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của khe A Ro, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, gây bức xúc trong bà con nhân dân.
Sau thời gian tiến hành điều tra, xác minh, Phòng An ninh kinh tế phối hợp với công an huyện Nam Đông, Phòng Cảnh sát Môi trường và các đơn vị liên quan phát hiện bắt quả tang 1 xe cẩu không có nhãn hiệu, biển kiểm soát của công ty TNHH Thạch Phú Hưng đang chở 2 tảng đá nguyên khối khoảng 3 m3.
Tại hiện trường, những người tham gia khai thác vận chuyển đá không xuất trình được giấy phép khai thác cũng như các thủ tục liên quan hoạt động khai thác vận chuyển đá.
Qua quá điều tra vụ việc, lực lượng công an xác định tổng khối lượng khoáng sản đá Gabro nằm trong khu vực bãi khe A Ro và khe Xoài bị công ty này tiến hành thăm dò, khai thác trái phép là gần 644m3 trị giá hơn 500 triệu đồng.
Hành vi Công ty Thạch Phú Hưng vi phạm pháp luật hình sự theo quy định tại điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Bắt tạm giam nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB & XH tỉnh Hà Nam
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hà Nam, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT)- Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Hà Nam thu thập tài liệu, chứng cứ, đấu tranh mở rộng vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Hà Nam từ năm 2010 đến năm 2021.
Căn cứ tài liệu thu thập, ngày 1/8/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Phạm Gia Luật (sinh năm 1956), nguyên Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Quyết định tố tụng và lệnh nêu trên đối với Phạm Gia Luật đã được Viện KSND tỉnh Hà Nam phê chuẩn. Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đã thi hành quyết định và lệnh nêu trên.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đang củng cố hồ sơ, tiếp tục điều tra mở rộng làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Nghệ An: Khởi tố 7 điều dưỡng, bác sỹ lập khống hồ sơ bệnh án để trục lợi bảo hiểm
Tin trên TTXVN, ngày 1/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Vinh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can là các điều dưỡng, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Thái An để điều tra làm rõ hành vi gian lận bảo hiểm y tế.
Qua công tác nắm tình hình, Công an thành phố Vinh phát hiện một nhóm đối tượng thường xuyên móc nối với nhân viên y tế các bệnh viện trên địa bàn tỉnh để lập khống hồ sơ bệnh án điều trị nhằm trục lợi tiền bảo hiểm thương mại và bảo hiểm y tế.
Sau một thời gian tập trung đấu tranh, cơ quan Công an xác định một số đối tượng trên địa bàn thành phố Vinh và các địa bàn phụ cận có ý định muốn trục lợi tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thương mại nên đã liên kết với các điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1991), Đặng Thị Anh Tú (sinh năm 1984), Lê Thị Anh Tâm (sinh năm 1986), Lương Thị Bé (sinh năm 1982), Trần Thị Huệ (sinh năm 1988) và các bác sỹ Hoàng Đăng Thanh (sinh năm 1986), Đinh Thị Mỹ Dung (sinh năm 1959) của Bệnh viện Đa khoa Thái An để lập khống hồ sơ.
Các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm thương mại không có bệnh, không có nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh nhưng khi được các đối tượng “cò” móc nối đến Bệnh viện Đa khoa Thái An (thành phố Vinh) nhằm trục lợi bảo hiểm. Tại đây, các đối tượng cung cấp căn cước công dân và thẻ bảo hiểm y tế cho điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng hoặc điều dưỡng Đặng Thị Anh Tú để làm thủ tục vào viện và đưa đến Khoa liên chuyên khoa để gặp bác sỹ Hoàng Đăng Thanh hoặc Đinh Thị Mỹ Dung ký hợp thức hóa thủ tục khám, điều trị.
Dù không điều trị tại bệnh viện song các đối tượng trên đều tham gia ký khống vào hồ sơ bệnh án. Khi thấy đủ số ngày lập hồ sơ bệnh án, điều dưỡng hành chính thông báo cho đối tượng có tên trong hồ sơ bệnh án đến ký thủ tục và thanh toán viện phí. Chi phí lập khống mỗi bộ hồ sơ bệnh án 500.000 đồng. Điều dưỡng nào trực tiếp lập khống hồ sơ bệnh án được nhận 300.000 đồng, số tiền còn lại cuối tháng chia đều trong khoa.
Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Vinh làm rõ từ năm 2011 đến đầu 2023, Bệnh viện Đa khoa Thái An đã lập khống 153 hồ sơ bệnh án. Trong đó, 59 hồ sơ do các đối tượng có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khi lập hồ sơ bệnh án nên Bệnh viện Đa khoa Thái An đã được Bảo hiểm Xã hội tỉnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hơn 100 triệu đồng.
Các đối tượng có tên trong hồ sơ bệnh án nộp tiền viện phí cho Bệnh viện Đa khoa Thái An hơn 200 triệu đồng. Các đối tượng trục lợi bảo hiểm sau khi được Bệnh viện Đa khoa Thái An làm giả hồ sơ bệnh án đã thanh toán (giải quyết quyền lợi hỗ trợ chi phí nằm viện) với các Công ty bảo hiểm thương mại hơn 2 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, các bác sỹ, điều dưỡng, các đối tượng liên quan và các đối tượng có hồ sơ trong bệnh án đã khai nhận toàn bộ hành vi tham gia lập khống hồ sơ bệnh án. Hành vi của các đối tượng đã gây thất thoát cho Quỹ Bảo hiểm y tế, uy tín của các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.
Kiểm tra tính pháp lý vườn sầu riêng tại điểm sạt lở đèo Bảo Lộc
Báo Giao thông đưa tin, ngày 1/8, sau gần 2 ngày đóng đèo để khắc phục hậu quả vụ sạt lở khiến ba CSGT và một người dân thiệt mạng, đèo Bảo Lộc đã chính thức thông xe trở lại.
Sau khi xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về vườn sầu riêng tại điểm sạt lở, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND huyện Đạ Huoai kiểm tra tính pháp lý của diện tích vườn này. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn.
Theo UBND huyện Đạ Hoai, khu vực trên thuộc đất lâm nghiệp do Lâm trường Đạ Huoai quản lý, đến năm 1999 thì bàn giao cho Ban Quản lý rừng Nam Huoai. Đến năm 2008, phần diện tích khu vực trên (gồm chốt CSGT đèo Bảo Lộc, phần diện tích trồng sầu riêng bị sạt lở và một phần diện tích Miếu Ba Cô) là đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng, với diện tích khoảng 2,7ha.
Diện tích đất bị sạt trượt bao gồm một phần diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng và một phần diện tích nằm trong quy hoạch 3 loại rừng thuộc khoanh vùng quản lý miếu Ba Cô do bà Đ.T.L canh tác cây nông nghiệp ổn định từ trước năm 1985 đến nay.
Về diện tích khoảng 1ha trồng sầu riêng, từ năm 1985 – 2019, bà L đã trồng bơ, mít và một số loại cây ăn trái khác. Đến năm 2019, do những loại cây nói trên kém năng suất, bà L đã chuyển sang trồng sầu riêng và giao cho một người đàn ông tên Bi trông coi, chăm sóc.
Chủ động di dời, sơ tán người dân khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất
Chiều 1/8, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã có công điện gửi Ban Chỉ huy PCTT& Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 1/8 đến 3/8/2023, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to, có nơi trên 200mm; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có nơi trên 150mm, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập lụt tại các khu vực trũng, thấp.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đề nghị các địa phương triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị