Sông Đà Đất Vàng hơn 13 năm không triển khai dự án, ngang nhiên chiếm đất công

(Xây dựng) – Một dự án hơn 13 năm vẫn chưa được giao đất, tưởng chừng dự án đã chết thì bất ngờ đầu năm 2022, chủ đầu tư rầm rộ quây tôn giữ đất, chiếm luôn một phần con hẻm 45, đường số 11 (khu phố 4, phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) vốn là đất công… sự việc làm xáo trộn cuộc sống của nhiều hộ dân lân cận.

Sông Đà Đất Vàng hơn 13 năm không triển khai dự án, ngang nhiên chiếm đất công
Một phần con hẻm 45 vốn là đất công đã bị Công ty Cổ phần Sông Đà Đất Vàng quây tôn, dựng cổng sắt chiếm dụng.

Được chấp thuận địa điểm đầu tư dự án chung cư cao tầng 2,4ha trên địa bàn phường Tam Phú và phường Tam Bình từ năm 2009, thế nhưng hơn 13 năm, Công ty Cổ phần Sông Đà Đất Vàng (Sông Đà Đất Vàng) vẫn không triển khai được dự án. Đến nay, các quyết định hành chính liên quan đến dự án này đã hết hiệu lực thì bất ngờ chủ đầu tư rầm rộ quây tôn giữ khu đất, xây dựng nhiều công trình trái phép, chiếm luôn đất công… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều hộ dân lân cận gây bức xúc trong dư luận.

Chiếm hẻm làm của riêng

Con hẻm 45 rộng khoảng 3m, dài hơn 100m nằm trên đường số 11, thuộc khu phố 4, phường Tam Bình (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) vốn là lối đi chung mà người dân bản địa sử dụng để đi lại từ bao đời nay. Đầu năm 2022, từ đoạn giao với đường số 11, Sông Đà Đất Vàng bất ngờ dựng một cánh cổng to, rộng khoảng 7m, cao gần 3m chắn ngang con hẻm 45. Từ đó, một phần con hẻm 45 vốn là lối đi chung của người dân địa phương bị khóa, trở thành tài sản riêng của Sông Đà Đất Vàng.

Ông Trần Văn Út là tổ phó tổ 10, khu phố 4, phường Tam Bình cho biết, con hẻm 45 đến nay vẫn là lối đi độc đạo, duy nhất của 4 hộ gia đình với 11 nhân khẩu nằm phía sau khu đất dự án của Sông Đà Đất Vàng. Không biết ai cho phép mà công ty này chiếm luôn con hẻm 45 làm của riêng, gom luôn phần đất công vào làm dự án.

“Từ khi mất con hẻm 45, 4 hộ dân phía trong cũng mất luôn đường đi lại. Do đó, các hộ dân này buộc phải xin đi nhờ bằng lối khác thông qua phần đất của hàng xóm kế bên. Bốn hộ dân này đều là con của liệt sỹ, người có công, gia đình chính sách. Cuộc sống của họ vốn đã khổ giờ càng khổ hơn”, ông Út thở dài chia sẻ.

Thật vậy, sau một lúc đi bộ, băng qua bờ mương ngoằn ngoèo, chúng tôi được ông Út dẫn đến vị trí khu đất có bốn căn nhà của các hộ dân phía trong dự án. Bốn căn nhà được dựng lên tạm bợ, xiêu vẹo, nền đất thì lòi lõm… có phần mất vệ sinh.

Theo ông Út, bốn căn nhà lần lượt có số là 45/8, 45/8/1, 45/8/2, 45/8/3. Các hộ dân đều là anh em trong gia đình, là con của ông Nguyễn Văn Bé là người địa phương. Sau khi ông Bé mất, phần đất này được ông để lại cho các con. Do hoàn cảnh khó khăn, các con của ông Bé chưa chuyển mục đích sử dụng đất nên sửa lại phần nhà lá cũ để sinh sống qua ngày.

Theo chân ông Nguyễn Văn Hoài (một người con của ông Nguyễn Văn Bé, chủ nhà số 45/8) đi vào căn nhà tiếp giáp với dự án của Sông Đà Đất Vàng, đập vào mắt phóng viên là hình ảnh sạt lở nghiêm trọng, một nửa nền nhà đã trở thành mặt nước, nửa còn lại có nguy cơ sụp xuống bất cứ lúc nào. Ông Hoài cho biết, căn nhà này trước đây được 5 anh chị em ông dùng để đặt bàn thờ liệt sỹ, thờ tổ tiên… thế nhưng từ khi phía dự án tiến hành rào tôn, đào bới, làm sụt lún thì đành bỏ hoang.

Sông Đà Đất Vàng hơn 13 năm không triển khai dự án, ngang nhiên chiếm đất công
Căn nhà liền kề với dự án của Sông Đà Đất Vàng bị sụt lún, ngập nước do phía dự án đào bới, dựng hàng rào.

Theo ông Hoài, trước đây cha của ông có bán 1 phần đất cho Sông Đà Đất Vàng bằng giấy tay, lúc đó gia đình có chừa lại một đoạn khoảng 2m để đi ra hẻm 45. Thế nhưng Sông Đà Đất Vàng cho rằng cha của ông đã “bán đứt” nên họ chiếm luôn con hẻm 45.

“Sự việc xảy ra cách đây hơn một năm, người bên dự án đến đào xúc, móc đất làm ao, xung quanh khu đất gia đình gây lún sụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của mọi người trong gia đình. Chúng tôi cũng đã báo cho UBND phường Tam Bình nhưng không giải quyết được gì”, ông Hoài bức xúc.

Hiện nay, ông Hoài và gia đình chỉ mong Sông Đà Đất Vàng dừng việc làm ngang ngược này lại và bồi thường thiệt hại cho gia đình ông. Đồng thời, gia đình ông Hoài cũng mong muốn chính quyền yêu cầu Sông Đà Đất Vàng trả lại lối đi cho gia đình ông, trả lại con hẻm 45 để cuộc sống của người dân trở lại quỹ đạo bình yên vốn có.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Lộc – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, đối với việc mua bán đất giữa ông Nguyễn Văn Bé (cha ông Hoài) và chủ đầu tư Sông Đà Đất Vàng ngày trước là một giao dịch dân sự, hơn nữa giao dịch này là giao dịch bằng giấy tay. Việc các bên giao dịch chuyển nhượng đất đai bằng “giấy mua bán tay” là không phù hợp với quy định Luật Đất đai, có thể vô hiệu về mặt hình thức theo quy định của Bộ luật Dân sự. Do vậy, nếu có việc tranh chấp xảy ra thì các bên có quyền đề nghị UBND cấp phường nơi có đất để tổ chức hòa giải. Trong trường hợp hòa giải không thành, một trong các bên có quyền khởi kiện tranh chấp đất tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

Cũng theo luật sư Lộc, Sông Đà Đất Vàng tự ý đưa người đến rào, đào ao, phá nơi cư trú, gây thiệt hại cho công trình lân cận, ảnh hưởng đến tinh thần, sức khoẻ cho các thành viên trong gia đình ông Hoài là hành vi xem thường pháp luật. Do đó, gia đình ông Hoài hoàn toàn có thể khởi kiện chủ đầu tư này ra tòa để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho gia đình mình hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật hình sự nếu có đầy đủ căn cứ của hành vi phạm tội.

Theo người dân địa phương, trước đây đã nhiều lần chính quyền phường Tam Bình đến tận nơi yêu cầu Sông Đà Đất Vàng mở cửa, trả lại con hẻm 45 để người dân sinh hoạt thế nhưng không thấy ai ra tiếp. Chỉ thấy Công an phường đứng trước cổng sắt gọi với vào trong nhưng không ai trả lời.

Bên trong chiếc cổng sắt có bảo vệ cố thủ 24/24, tay cầm điện thoại giơ lên để ghi hình cơ quan chức năng. Không rõ họ ghi hình để làm gì, gửi cho ai. Lần nào cũng như thế.

Hiện nay, câu chuyện về một chủ đầu tư ngang ngược xem thường cơ quan chức năng, câu chuyện về một dự án tưởng chừng đã “chết” hơn 13 năm bỗng dưng “sống dậy” làm xáo trộn cuộc sống thường ngày đang được người dân khu phố 4, phường Tam Bình truyền tai nhau như chuyện cười là thực tế đang diễn ra.

Cơ sở pháp lý của dự án chung cư 2,4ha hết hiệu lực

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chủ tịch UBND phường Tam Bình cho biết, bốn căn nhà của các hộ dân phía trong dự án của Sông Đà Đất Vàng là công trình xây dựng không phép, sau đó Phòng Quản lý đô thị có hướng dẫn cho tồn tại theo Nghị định 16. Theo đó, UBND phường cũng có hướng dẫn các hộ dân này lập hồ sơ bản vẽ nhưng do nghèo nên đến nay các hộ dân vẫn chưa thực hiện được.

Sông Đà Đất Vàng hơn 13 năm không triển khai dự án, ngang nhiên chiếm đất công
Trước cổng sắt chặn ngang con hẻm 45, Công an phường Tam Bình bất lực, chỉ biết gọi với vào nhưng không ai tại dự án ra tiếp mặc dù có bảo vệ túc trực bên trong.

Còn đối với dự án chung cư cao tầng 2,4ha trên địa bàn phường Tam Phú và phường Tam Bình của chủ đầu tư là Sông Đà Đất Vàng, ông Hoàng cho biết tới năm 2013 thì tất cả các quyết định, văn bản hành chính trước đó liên quan đến dự án này đã hết hiệu lực.

“Ngay cả các văn bản gia hạn cuối cùng của Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng UBND Thành phố cũng đã hết hiệu lực. Từ khi dự án này được chấp thuận địa điểm đầu tư vào ngày 30/10/2009, cho đến bây giờ chủ đầu tư vẫn chưa được giao ranh, giao đất. Do đó, bây giờ họ phải làm lại từ đầu thì mới đúng quy định”, ông Hoàng nói thêm.

Phó Chủ tịch UBND phường Tam Bình cũng cho biết, quy trình để triển khai dự án thì chủ đầu tư không làm thế nhưng mới đây họ lại tiến hành san lấp, dựng hai công trình container thay đổi công năng thành nhà ở, làm hàng rào, dựng cổng thép trái phép và chặn lối đi chung trên khu đất dự án để làm công trường. Ở góc độ quản lý hành chính Nhà nước, UBND phường đã xuống lập biên bản vi phạm hành chính, sau đó chuyển UBND thành phố Thủ Đức ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 90 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư này khắc phục hậu quả là trả lại hiện trạng ban đầu nhưng đến nay chủ đầu tư không thực hiện.

Theo ông Hoàng, trong vụ việc này UBND phường sẽ kiên quyết làm đúng bởi theo bản đồ địa giới hành chính cũng như quản lý hành chính thì trong phạm vi khu đất đang bị chủ đầu tư bao chiếm có một đoạn vốn là tuyến hẻm (PV – Hẻm 45, đường 11, khu phố 4). Đây là đất công. Đồng thời, trong khu đất dự án còn tồn tại một nhánh rạch gọi là “nhánh rạch chuối cầu trắng”. Do đó, UBND phường sẽ sâu sát trong vấn đề quản lý để tránh việc đất công bị lẫn sang đất dự án.

“Hiện giờ việc cần làm là chủ đầu tư phải hoàn thành thủ tục để được giao đất. Tức là anh được giao ranh, anh được giao đất thì lúc ấy nó rõ ràng. Còn anh chưa có một cái gì thì nó rất khó trong công tác quản lý”, ông Hoàng chia sẻ.

Ngày 30/10/2009, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh có Văn bản số 7834/TNMT-QHSDĐ chấp thuận địa điểm đầu tư cho Công ty Cổ phần Sông Đà Đất Vàng thực hiện dự án khu chung cư cao tầng với diện tích là 2,4ha nằm trên địa bàn 2 phường Tam Phú và Tam Bình, quận Thủ Đức (cũ) nay là thành phố Thủ Đức.

Theo văn bản này, Sông Đà Đất Vàng phải thỏa thuận nhận chuyển nhượng các quyền sử dụng đất của người dân trong khu vực dự án. Sau khi hoàn thành việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đủ thành phần hồ sơ xin giao đất, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét quyết định giao đất theo quy định. Nếu trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký văn bản này, nếu khu đất chưa có Quyết định giao đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì văn bản sẽ hết hiệu lực thực hiện.

Đến ngày 8/01/2011, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 190/TNMT-QHSDĐ về việc gia hạn thời gian thực hiện thêm 12 tháng. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Sông Đà Đất Vàng khẩn trương thực hiện hoàn tất các thủ tục còn lại của dự án theo quy định.

Đến ngày 29/6/2013, UBND Thành phố Hồ Chí Minh gia hạn lần cuối thời gian thực hiện chấp thuận chủ trương dự án nhà ở theo danh sách đính kèm. Trong đó, có dự án khu chung cư cao tầng của Sông Đà Đất Vàng “Các chủ đầu tư dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất việc đăng ký cập nhật biến động tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do nhận chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định; lập trình phê duyệt chấp nhận chủ trương đầu tư và quy hoạch (nếu có) theo quy định” đến hết ngày 31/12/2013.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích