Thủ đoạn dụ dỗ “việc nhẹ lương cao” – Bài 3: Đấu tranh, vạch mặt những kẻ bịp bợm
Lưu lạc xứ người
Đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của những người đồng bào dân tộc thiểu số, kẻ xấu vẽ ra viễn cảnh được hỗ trợ nhà ở, lương thực thực phẩm, đặc biệt sẽ có việc làm và kiếm được rất nhiều tiền.
Từ những lời mời gọi “có cánh”, nhiều hộ dân đã bán đất, tài sản có giá trị vượt biên, để rồi tiền mất, bị bóc lột sức lao động, tương lai mù mịt ngày về.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, anh Rmah Thái, SN 1992, trú ở xã Hbông, huyện Chư Sê kể: “Sau khi vượt biên tôi mới vỡ lẽ mình bị lừa. Viễn cảnh cuộc sống sung túc, nhà cao cửa rộng, nhà lầu xe hơi chỉ toàn là lời dối trá, bịp bợm. Chúng tôi sống lang lang, không có việc làm, đói khát, chui rúc vì không có giấy tờ tuỳ thân. Người nào may mắn lắm xin được công việc phù hợp, bị vắt kiệt sức lao động, bất đồng ngôn ngữ, bị quỵt tiền công”.
“May mắn, người nhà gửi tiền qua tôi được trở về đoàn tụ với gia đình sau 4 tháng lưu lạc ở Thái Lan. Ngày được trở về tôi vui lắm, đúng là không đâu bằng gia đình, quê hương. Rất cảm ơn chính quyền đã tạo điều kiện giúp đỡ, hiện tôi đã có chiếc xe công nông hằng ngày chở mì, chở mía thuê”, anh Thái bộc bạch.
Trở về sau 8 tháng lưu lạc nơi xứ người, anh Siu Thuyn, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện đã tu chí làm ăn và làm giàu trên chính quê hương mình. Cùng với sự giúp đỡ từ chính quyền đến nay anh đã sở hữu 2ha lúa, 5ha mì và xe công nông.
“Từ sai lầm của bản thân, tôi mong bà con chăm lo làm ăn, cố gắng phát triển kinh tế, đừng nghe lời xúi giục của kẻ xấu. Đừng mơ mộng giàu sang mà không chịu làm, phải chăm chỉ làm ăn thì mới có dư giả, cuộc sống sung túc”, anh Siu Thuyn chia sẻ.
Hỗ trợ người hồi hương
Theo Công an tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2023 đến nay, để kịp thời ngăn chặn tệ nạn vượt biên trái phép, lực lượng công an đã triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp, đấu tranh, vạch trần bản chất lừa bịp. Qua đó, đã xử lý 2 đường dây tổ chức trốn, giải cứu 40 người dân tộc thiểu số đang trên đường đi Thái Lan.
Trong đó, huyện Chư Pưh 18 người, huyện Đăk Đoa 21 người và huyện Krông Pa 1 người. Công an tỉnh Gia Lai cũng đã khởi tố 2 vụ, 5 bị can về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và ở lại nước ngoài trái phép.
Ông Bùi Mạnh Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Chư Pưh cho biết: “Công an huyện cũng tham mưu ủy ban thành lập các tổ công tác của chính quyền để tuyên truyền vận động từng hộ gia đình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến cuộc sống.
Chúng tôi đã xây dựng những nội dung tuyên truyền cung cấp cho các tổ, để họ trực tiếp xuống làng vận động tuyên truyền và xây dựng các bài phóng sự tuyên truyền trên không gian mạng”.
Trước thực trạng người dân tộc thiểu số bị lừa vượt biên trái phép ngày càng phức tạp, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã tăng cường bám làng, tuyên truyền, vận động để người dân nhận rõ những âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng.
Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương cũng chủ động xây dựng nhiều kế hoạch tiếp xúc, gặp gỡ số thân nhân, gia đình các đối tượng bên trong để nắm tình hình, tác động, vận động, lôi kéo người thân quay trở về. Đồng thời, huy động nhiều lực lượng, biện pháp tác động, đưa số người dân tộc thiểu số đang ở Thái Lan hồi hương.
Ngoài ra, Công an tỉnh Gia Lai đã thực hiện đồng bộ các biện pháp nắm tình hình, kịp thời phát hiện các trường hợp đang lẩn trốn ở Thái Lan có mong muốn quay trở về địa phương. Từ đó, tiến hành tác động tư tưởng, thông báo chủ trương của chính quyền sẽ không bắt, xử lý các đối tượng khi hồi hương.
Bên cạnh 2 trường hợp trên, trong thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức rất nhiều chương trình, hoạt động ngay tại các thôn làng nhằm mục đích giúp đỡ, tặng quà những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn bị lừa phỉnh, những người hồi hương trở về quê nhà hay một số đối tượng lầm lỡ.
Theo Nguời Đưa Tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu