Triệt phá đường dây buôn bán nội tạng ở Indonesia
Triệt phá đường dây buôn bán nội tạng ở Indonesia
Ngày 31/7, cảnh sát Indonesia cho biết, 3 nhân viên nhập cư ở Bali đã bị bắt vì bị cáo buộc có vai trò trong một đường dây buôn bán nội tạng bất hợp pháp đưa hàng chục nạn nhân sang Campuchia để bán thận.
Giám đốc cảnh sát Jakarta, ông Hengki Haryadi cho biết tội phạm buôn bán nội tạng ở Indonesia ngày diễn biến phức tạp. Các đối tượng đang được thẩm vấn, lấy lời khai để mở rộng vụ án. Do đó, không thông báo thông tin chi tiết các nghi phạm.
Trước đó, cảnh sát đã bắt giữ 12 đối tượng nghi ngờ trong đường dây đưa 122 người sang Campuchia bán nội tạng, trong đó có 1 cảnh sát và 1 nhân viên nhập cư. Ông Hengki Haryadi không nêu tên các nghi phạm. Theo ông Hengki Haryadi, ít nhất 18 nạn nhân hiến thận đã rời Bali đến Campuchia trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6. Các nhà chức trách tin rằng có nhiều nạn nhân hơn và họ đang tiếp tục tìm kiếm.
Một số thành viên của nhóm là những người hiến tặng trước đây đã trở thành các đối tượng chuyên sử dụng Facebook và WhatsApp để dụ dỗ và buôn bán nạn nhân. Ông Haryadi cho biết, đường dây buôn bán nội tạng đã hoạt động từ năm 2019, thu nhập bất chính tổng cộng 24,4 tỷ rupiah (1.588.614 USD). Những đối tương buôn người nhận được 200 triệu rupiah cho mỗi quả thận, đút túi 65 triệu rupiah và đưa phần còn lại cho các nạn nhân. Theo pháp luật Indonesia, các đối tượng phạm tội sẽ đối mặt với 15 năm tù giam và 600 triệu rupiah tiền phạt.
Cảnh sát cho biết nội tạng được lấy tại Bệnh viện Preah Ket Mealea ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Các nhà chức trách tin rằng có nhiều nạn nhân hơn và đang tiếp tục điều tra.
Buôn bán nội tạng bị cấm ở Indonesia và 10 thành viên băng nhóm bị bắt tuần trước phải đối mặt với 15 năm tù giam và 600 triệu rupiah tiền phạt nếu bị kết tội vi phạm luật buôn bán người của nước này.
Các cảnh sát bị cáo buộc cản trở cuộc điều tra và nhận hối lộ để giúp những kẻ buôn người sẽ phải đối mặt với 5 năm tù nếu bị kết tội. Quan chức nhập cư AH bị cáo buộc lạm quyền và phải đối mặt với án tù 20 năm.
Những người Indonesia túng tiền trước đây từng bị bắt quả tang bán thận trực tuyến với giá chỉ 50 triệu rupiah (gần 80 triệu VNĐ) mỗi quả, thúc đẩy hoạt động buôn bán bất hợp pháp và nguy hiểm các bộ phận cơ thể người.
Phần lớn việc bán thận của những người này là do nghèo đói, nợ nần gia đình hoặc các khoản nợ ngân hàng chưa thanh toán. Haryadi cho biết nhiều người trong số 122 nạn nhân đã mất việc làm trong đại dịch COVID-19 và gặp nhiều khó khăn về tài chính.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên cấm buôn bán nội tạng vào năm 1987. WHO ước tính vào năm 2008 rằng 5% tổng số ca cấy ghép được thực hiện trên toàn thế giới là bất hợp pháp và thận là hình thức buôn bán nội tạng phổ biến nhất.
Bên cạnh nạn buôn bán trái phép nội tạng người, tội phạm mạng, nạn buôn người và lạm dụng lao động vẫn còn rất nhiều ở Đông Nam Á.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị