Bài thơ của một thương binh nặng viết về liệt sĩ đồng đội

(Xây dựng) – Lời tòa soạn: Liệt sỹ Nguyễn Khắc Bồng, người đã cõng đồng đội Nguyễn Văn Đồng bị thương rất nặng ra khỏi chốt địch. Trên đường thương binh mấy lần tắt thở, đồng đội đã phải dùng lá rừng đắp lên mặt để mặc niệm từ biệt. Nhưng như có phép mầu, Nguyễn Văn Đồng vẫn sống dù bị dập nát một bên bắp chân, mất máu rất nhiều. Lê lết cõng bạn, rồi giao được thương binh cho quân y, Nguyễn Khắc Bồng quay lại trận địa tiếp tục chiến đấu. Nhưng sau đó vài hôm, ngày 27/4/1972, chiến sĩ Nguyễn Khắc Bồng đã anh dũng hy sinh khi đang cùng đơn vị đánh trả quyết liệt quân địch trên trận địa của thành cổ Quảng Trị. Suốt mấy chục năm, tung tích hài cốt liệt sĩ Nguyễn Khắc Bồng thất lạc. Nhớ người đồng chí vừa là ân nhân cõng mình thoát chết năm xưa, thương binh Nguyễn Văn Đồng nhiều lần quay lại chiến trường, lật từng nấm mộ của hàng chục nghĩa trang tìm bạn. Mãi tới tháng 7/2015, thương binh Nguyễn Văn Đồng đã tìm và đưa được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Khắc Bồng từ nghĩa trang liệt sỹ xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị về quê hương huyện Quảng Xương để an táng.

Bài thơ của một thương binh nặng viết về liệt sĩ đồng đội
Thương binh Nguyễn Văn Đồng.

Thương binh Nguyễn Văn Đồng sau khi xuất ngũ, tiếp tục học Đại học Thương mại trước đó đang dang dở. Ra trường, công tác tại Công ty Ăn uống – Dịch vụ tỉnh Hà Tây, trưởng thành là Giám đốc Sở Thương mại Hà Tây, rồi Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho đến năm 2013 thì nghỉ hưu.

Bài thơ rất hay. Thực sự hay! Nghệ thuật xuất phát từ con tim, khối óc mình; tuôn trào ra thứ tinh tuý chỉ của riêng – duy nhất mình. Đó là nghệ thuật thứ thiệt, nhân văn và cao cả nhất.

Cảm ơn Thành Đồng với bài thơ khiến trăm vạn người sẽ phải sững sờ bởi vẻ đẹp rất thánh thiện về tình đồng đội trên cùng chiến hào, giữa cái sống và cái chết này. Tình thiêng ấy, sau non nửa thế kỷ (45 năm), vẫn trinh nguyên như…“thuở ban đầu”:

“Hơn 40 năm tao tìm mày khắp chốn

Nay thấy mày cùng đồng đội nằm đây

Nhớ ơn mày, tao thầm nhủ với mày:

“Tao sẽ cõng mày về như ngày xưa mày cõng tao ra khỏi chốt”

Năm, tháng qua nhớ lời thề khắc cốt

Tao đã cõng mày ra về với gia đình”.

Một câu chuyện với bao tình tiết, lớp lang; từ tự sự, tuôn trào cảm xúc, đến không gian và thời gian, đan xen giữa quá khứ và hiện tại… mà chỉ “gói gẹm” trong có 33 câu thơ thể “tự do” rất phóng khoáng (đa phần những câu thơ 8 chữ, có 6 câu 9 chữ, 1 câu dài nhất 14 chữ và 1 câu ngắn nhất 7 chữ). Nếu là “nhà tiểu thuyết”, có thể dựng được “một pho sách” hay, để quay thành phim ảnh để đời.

Chắc chắn không ít người muốn khám phá thêm vẻ đẹp của bài thơ, muốn “tự lý giải” tại sao một người làm thơ hoàn toàn “không có nghề”, “100% nghiệp dư” này; lại có thể sáng tạo nên một tác phẩm tươi rói, sinh động được như vậy?

Johann Wolfgang von Goethe (28/8/1749 – 22/3/1832) – Thi hào vừa là một triết gia người Đức, từng viết trong “màn độc thoại” của vở kịch thơ “Faust”: “Mọi lý thuyết chỉ là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Điều Goethe đúc kết, chắc chắn phải qua biết bao sự chiêm nghiệm, từng trải từ thực tiễn cuộc đời để trở thành chân lý gần 200 năm nay của nhân loại.

Bài thơ của một thương binh nặng viết về liệt sĩ đồng đội

Danh ngôn nổi tiếng này, ta thử dùng nó để “soi” vào bài thơ “Nhớ đồng đội”; hiệu ứng lập tức khiến ta thấy rất rõ sự “trùng phùng” giữa “thi liệu” trong bài thơ “Nhớ đồng đội”với chính “hình ảnh ngoài đời” của hai người chiến sĩ – mà một trong hai chiến sĩ đó là tác giả Thành Đồng của bài thơ:

“Giữa lòng địch cùng vùi trong đất cát

Tao bị thương gẫy lủng lẳng một chân

Thằng Hòa về xin chi viện thêm quân

Chỉ còn tao, mày giữa vòng vây địch

Mày bò cõng tao trên lưng nặng chịch

Tha lôi nhau trong suốt đêm dài

Cố sức mình tao bám sát bờ vai

Nghiến răng nhịn vết thương đau quằn quại

Máu ra nhiều miệng đắng khô khắc khoải

Vuốt lá sương rơi liếm đỡ khát vẫn cười…”.

Rõ ràng mọi thứ đã không còn nằm trong câu chữ (ngôn ngữ và các biện pháp nghệ thuật) nữa. Chính bản thân cuộc đời “sống và chiến đấu” của các anh, “tình đồng đội” của các anh – cứ “nguyên mẫu” thế, đã là “Áng thơ rất đẹp”, “Bài ca mượt mà rất trữ tình” của văn chương, âm nhạc rồi.

Thế nên, tôi có cảm giác Thành Đồng chẳng phải “khổ luyện” gì mấy, khi anh “đẻ” ra “đứa con tinh thần” có một không hai trong cuộc đời của mình này?! Điều mà chẳng khác những nhà thơ “chính cống” (chuyên nghiệp) sáng tác các tác phẩm “để đời” (giá trị, lôi cuốn người đọc nhiều thế hệ) – như tôi từng viết về Thi sĩ Ngô Minh: “Những nhà thơ, nhà văn tên tuổi; khi sáng tạo nghệ thuật, họ không “bó mình”, “khổ luyện”, tìm “trăm phương ngàn kế” để làm nên những điều ta thấy rất “cầu kỳ” như vừa phân tích ở phía trên. Văn thi – nhạc sĩ… làm thơ văn, làm nhạc… như “chơi”! Ở đó là sự thăng hoa kỳ diệu (của sự kết hợp) giữa cảm xúc và kỹ năng nghệ thuật. Như vậy, kỹ năng nghệ thuật đã trở thành phẩm chất trong lý trí, tình cảm của các nhà sáng tạo rồi. Họ sáng tạo mà như… “vô thức” trước các thủ pháp nghệ thuật mà vẫn rất… “Nghệ thuật” là vậy. Thi sĩ Ngô Minh thuộc VNS loại này”.

(Bài “Vài vảm nhận bước đầu về bài thơ “Đêm bánh tôm Hồ Tây” của Ngô Minh”, đăng trên Facebook “Ngô Minh Khôi” cùng với Facebook “Lê Quang Vinh” và Facebook “Quoc Ca Pham” – ngày 13/8/2016).

Nhưng ở “Nhớ đồng đội” có thứ… “rất khác” (đặc biệt “khác”), đó là Thành Đồng không còn (cần phải) “khổ luyện” nữa, bởi 45 năm trước, anh đã có cuộc “vượt vũ môn thập tử nhất sinh”, bỏ lại nơi chiến trường một phần cơ thể trai trẻ của mình, thân hình đau đớn găm đầy mảnh đạn (“Giữa lòng địch cùng vùi trong đất cát/ Tao bị thương gẫy lủng lẳng một chân”, “Cố sức mình tao bám sát bờ vai/Nghiến răng nhịn vết thương đau quằn quại/Máu ra nhiều miệng đắng khô khắc khoải/Vuốt lá sương rơi liếm đỡ khát vẫn cười…”), khiến người đồng đội (chỉ sau đó một thời gian cực ngắn, lại hy sinh trong chiến đấu) cắn răng đau đớn cùng cực, thất vọng não nề: “Mày nghĩ tao “đi”, nên phủ lá giữa đồi” (tưởng Đồng đã chết, bạn bẻ lá rừng đắp lên mặt cho anh được… “ngủ yên”)…

Bài thơ của một thương binh nặng viết về liệt sĩ đồng đội

Hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Nhớ đồng đội”, thật đúng như những gì Thành Đồng chia sẻ với tôi, khi anh mới đọc được một phần bài viết này (bởi tôi vừa viết vừa pots lên trang cá nhân, khiến bạn đọc phải dần theo dõi):

“Cám ơn Lê Quang Vinh rất nhiều.

Ông bạn còn nhớ không, vào những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ trước, ông và Nguyễn Quốc Ân (công tác tại Vụ Ăn uống & Dịch cụ – Bộ Nội Thương) vào cơ quan tôi làm việc, tôi đã kể cho các ông nghe về cuộc chiến đấu của mình tại chiến trường Quảng Trị năm 1972. Nghe xong, các ông bảo: Chuyện của tôi có thể viết thành “tiểu thuyết” được.

Vì công việc, nên mọi thứ đó cứ qua đi, nay nhân ngày 30/4 (44 năm đất nước thống nhất), tôi “tự sự” lại như để tri ân người đồng đội – liệt sỹ Nguyễn Khắc Bồng, anh đã cứu mạng tôi.

Được ông bạn chia sẻ và bình luận bài thơ “Nhớ đồng đội”, tôi vô cùng cảm kích và xúc động. Cảm kích và xúc động vì còn có những người chính trực, tâm huyết như ông hiểu về cuộc chiến, hiểu về nghĩa tình đồng đội khi sống chết có nhau.

Mấy lời tự sự của tôi chưa nói hết được tình cảnh của tôi và người liệt sỹ ấy khi còn trong vòng vây địch. Anh đã bò cõng tôi hơn 1 ngày đêm, trong khi một chân tôi bị gẫy nát vì đạn cối của địch. Tôi không làm được văn thơ, chỉ biết kể lại chuyện của chính mình và đồng đội. Chuyện kể của tôi được ông chia sẻ, tôi cám ơn ông nhiều lắm…”.

Bài thơ của một thương binh nặng viết về liệt sĩ đồng đội

“Nhớ đồng đội”

(Nhân 30/4, nhớ những ngày chiến đấu và bị thương tại chiến trường Quảng Trị 1972).

Tác giả Thành Đồng

Tiểu đội ba người nay chỉ còn hai

Tao “chân rưỡi”, còn thằng Hòa bệnh tật…

Thương nhất mày, thằng nằm trong lòng đất

Đến thăm mày, tao chỉ khóc, thắp nén nhang

Nhớ khi xưa luôn khắc cốt, tâm can

Cả Tiểu đội mình cùng đi trinh sát

Giữa lòng địch cùng vùi trong đất cát

Tao bị thương gẫy lủng lẳng một chân

Thằng Hòa về xin chi viện thêm quân

Chỉ còn tao, mày giữa vòng vây địch

Mày bò cõng tao trên lưng nặng chịch

Tha lôi nhau trong suốt đêm dài

Cố sức mình tao bám sát bờ vai

Nghiến răng nhịn vết thương đau quằn quại

Máu ra nhiều miệng đắng khô khắc khoải

Vuốt lá sương rơi liếm đỡ khát vẫn cười…

Tao như chết vì lực tàn sức đuối

Mày nghĩ tao “đi”, nên phủ lá giữa đồi

Mày đứng, ngồi, đi trăn trở không thôi

Định ra về mà lòng đau tê tái

Linh tính thần kỳ – mày liền quay trở lại

Nhẹ mở cành cây, thấy tao thở lơ thơ

Mắt lim dim như một kẻ dại khờ

Mày khẽ reo: “Anh ơi, Anh vẫn sống…”!

Hơn 40 năm tao tìm mày khắp chốn

Nay thấy mày cùng đồng đội nằm đây

Nhớ ơn mày, tao thầm nhủ với mày:

“Tao sẽ cõng mày về như ngày xưa mày cõng tao ra khỏi chốt”

Năm, tháng qua nhớ lời thề khắc cốt

Tao đã cõng mày ra về với gia đình

Trả ơn gì cho bằng sự hy sinh

Vì nước, vì dân, vì hòa bình, thống nhất…

Hai thằng tao thương mày quá…; Bồng ơi!

Ghi chú của tác giả Thành Đồng:

Liệt sỹ tên là Nguyễn Khắc Bồng, quê xã Quảng Đại, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Anh là chiến sỹ Tiểu đội trinh sát của tôi. Sau lần cứu tôi trong một trận đánh ác liệt, anh Bồng đã anh dũng hy sinh trong một lần đi trinh sát khác.

Sau hơn 40 năm, tôi đã tự lái ôtô vào Quảng Trị, đưa anh ra và tổ chức nghi lễ đón di cốt liệt sỹ tại địa phương quê nhà. Hiện Liệt sĩ Bồng an nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Quảng Xương – tỉnh Thanh Hoá quê hương.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích