Quy định xử phạt đối với hành vi tự ý cơi nới nhà ở

(Xây dựng) – Hành vi tự ý cơi nới nhà có thể được hiểu là hành vi thay đổi kết cấu của căn nhà cũ (căn hộ tập thể, căn hộ chung cư thương mại, nhà ở riêng lẻ khác…), làm gia tăng diện tích sử dụng ở khoảng không phía trên diện tích đất xây dựng. Tại Điểm a khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định rõ mức phạt đối với hành vi này.

Quy định xử phạt đối với hành vi tự ý cơi nới nhà ở
Ảnh minh họa.

Phạt tới 120 triệu đồng với hành vi tự ý cơi nới nhà ở

Điểm a khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi tự ý cơi nới nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân, căn hộ tập thể, căn hộ chung cư…

Cụ thể xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau: “Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ”…

Trong khi đó trường hợp nếu việc cơi nới này xâm phạm đến diện tích đang thuộc quyền quản lý, sử dụng, sở hữu của tổ chức, cá nhân, cơ quan khác hoặc khu vực công cộng (ví dụ sân chung của tập thể…) thì mức phạt tối đa có thể lên đến 120 triệu đồng.

Xử phạt đối với hành vi xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung như sau: Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ; Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác…

Đáng chú ý biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với việc cơi nới trong cả hai trường hợp trên là tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm.

Hành vi tự ý cơi nới được hiểu thế nào?

Hành vi tự ý cơi nới nhà có thể được hiểu là hành vi thay đổi kết cấu của căn nhà cũ (căn hộ tập thể, căn hộ chung cư thương mại, nhà ở riêng lẻ khác…), làm gia tăng diện tích sử dụng ở khoảng không phía trên diện tích đất xây dựng.

Trừ việc cải tạo, sửa chữa mà không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của căn hộ, phù hợp quy hoạch xây dựng, các trường hợp cải tạo nhà tập thể cũ, chung cư cũ, nhà ở riêng lẻ cũ đều phải xin giấy phép xây dựng theo quy định pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, hành vi tự ý cơi nới, xây mới diện tích nhà ở, công trình phục vụ nhà ở mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép là hành vi vi phạm pháp luật xây dựng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích