Bài 3: Tham nhũng trong quản lý, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, ai là người chịu trách nhiệm?

(Xây dựng) – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tố cáo với tinh thần “kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Với hàng loạt những bất cập, hạn chế như đã nêu, phải chăng công tác quản lý, điều chỉnh quy hoạch cũng có những dấu hiệu về tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Nhà quản lý và những nhà quy hoạch cần phải làm gì và ai là người phải chịu trách nhiệm trong việc “tùy tiện” trong điều chỉnh quy hoạch xây dựng? Những chính khách và các nhà quản lý sẽ đưa ra giải pháp gì để giải quyết những bất cập này?

Bài 3: Tham nhũng trong quản lý, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, ai là người chịu trách nhiệm?
Những vi phạm trong quy hoạch có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Liên quan đến công tác lập, quản lý, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, Báo điện tử Xây dựng có loạt bài phán ánh về những “góc khuất” trong việc quản lý, điều chỉnh quy hoạch xây dựng một cách “tùy tiện”. Sau loạt bài viết được đăng tải, nhiều ý kiến của bạn đọc gửi về tòa soạn, đề nghị Báo làm rõ, cũng như tìm hiểu, những bất cập trong công tác lập, quản lý, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, đặc biệt tại một số thành phố lớn.

Theo một diễn biễn khác, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy vừa ký Văn bản hướng dẫn thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng với quy mô toàn quốc. Nội dung này, nhằm thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; định hướng Chương trình thanh tra năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kế hoạch thanh tra năm 2023 của Thanh tra Chính phủ.

Được biết, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo tập trung vào các vi phạm trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Cụ thể như, không có giải pháp mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội, không lập báo cáo về điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, không lấy ý kiến cộng đồng dân cư về điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu…Cũng theo hướng dẫn, mục đích của chuyên đề thanh tra là nhằm phát hiện những sơ hở, bất cập, khuyết điểm, vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân) để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm.

Phạm vi thanh tra gồm việc chấp hành quy định pháp luật, chế độ, chính sách, văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng; quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng, trong đó tập trung vào quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2015 – 31/12/2022 (khi Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực đến nay). Nếu có nội dung liên quan đến trước và sau thời kỳ thanh tra; Đoàn thanh tra có thể kiểm tra để làm rõ.

Thanh tra Chính phủ sẽ thành lập các Đoàn thanh tra để thanh tra trực tiếp việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng tại các Bộ quản lý Nhà nước chuyên ngành. Thanh tra các địa phương sẽ căn cứ hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, khảo sát, nắm tình hình tại địa phương mình để xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng phù hợp với thực tế.

Riêng các địa phương có Đoàn thanh tra do Thanh tra Chính phủ thực hiện, thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phối hợp và báo cáo với Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để đảm bảo không chồng chéo về phạm vi, nội dung thanh tra.

Tiếp tục các nội dung liên quan đến loạt bài về công tác quản lý và sự “tùy tiện” trong điều chỉnh quy hoạch, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có các phỏng vấn, ghi nhận lại các quan điểm, nhận xét, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Khóa 14 Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện -Quốc hội: Không loại trừ dấu hiệu tham nhũng trong quy hoạch xây dựng

Quy hoạch là câu chuyện rất dài và phức tạp, vì vậy nên Quốc hội Khóa 14 đã phải ban hành Luật Quy hoạch, dù có ý kiến trái ngược nhau, nhưng quan trọng nhất là chúng ta muốn có một “nhạc trưởng” để điều hành, thực hiện quy hoạch đã được duyệt; và “nhạc trưởng” đó phải có chuyên môn về lĩnh vực quy hoạch xây dựng; được quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình, dù đó là một công trình hay một khu đô thị. Ở các nước phát triển, họ có chức danh Kiến trúc sư trưởng để điều hành việc xây dựng đô thị. Còn ở chúng ta thì việc này do quá nhiều tổ chức và cá nhân tham gia, vì vậy không làm rõ được vai trò trách nhiệm và chuyên môn trong việc điều hành quy hoạch xây dựng.

Bài 3: Tham nhũng trong quản lý, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, ai là người chịu trách nhiệm?
Đại biểu Quốc hội Khóa 14 Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện -Quốc hội: “Không nên để “cài cắm” lợi ích của một nhóm người vào trong quy hoạch xây dựng”.

Thứ nhất, chúng ta thấy quy hoạch thiếu tầm nhìn, thiếu khoa học, không loại trừ thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu hiểu biết và thiếu công tâm. Theo như dư luận xã hội, có thể có dấu hiệu “lợi ích nhóm” trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là việc điều chỉnh nâng tầng cao các dự án, các vấn đề về đất như: Chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, các vấn đề điều chỉnh kế hoạch xây dựng đô thị theo quy hoạch được duyệt trong phạm vi tỉnh thành. Từ đó, gây ra hệ lụy rất lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội như, an ninh trật tự, an toàn xã hội…khiến người dân mất niềm tin với cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.

Thực tế để xây dựng một quy hoạch trên địa bàn nào đó, người ta phải đánh giá mức độ ảnh hưởng, tác động qua lại đối với xã hội như về kinh tế, môi trường, giao thông…Nhưng nếu chúng ta đánh giá một cách thiếu khách quan, thiếu khoa học hoặc cố tình “cài cắm” lợi ích của một nhóm người vào đó, mà thiếu sự cân nhắc lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lợi ích chung của xã hội thì sẽ xây dựng lên những đồ án quy hoạch gây nhiều “rủi ro” lớn sau này.

Ví dụ như, việc quy hoạch không đáp ứng hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội như quy hoạch trục đường Lê Văn Lương, Giảng Võ, Trung Hòa – Nhân Chính, Linh Đàm…dẫn tới những hệ lụy rất lớn như bây giờ; hay như việc quy hoạch 5.000 đến 6.000 xe ôtô đỗ ở các bãi đỗ xe ngầm, hoặc hầm tòa nhà là rất nguy hiểm, bởi chẳng may có hỏa hoạn xảy ra thì việc cháy nổ sẽ rất khó khắc phục.

Với những quy hoạch như vậy, chúng ta chỉ thấy được cái lợi trước mắt là những tòa nhà, cao ốc hoành tráng, có sản phẩm phục vụ việc kinh doanh, thu lợi hàng trăm nghìn tỷ đồng. Thậm chí, có người còn tính đến việc thu lợi cho ngân sách tại thời điểm đó, nhưng thực chất lại là việc “bòn” quỹ đất.

Một ví dụ khác, như ở Cà Mau, người dân khiếu kiện việc chính quyền thu hồi đất phục vụ mục đích xây dựng trung tâm hành chính, chính trị nhưng thu hồi xong lại điều chỉnh thành trung tâm hành chính và dịch vụ thương mại. Từ đó gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Điều đáng nói, việc này thường xảy ra ở nhiều tỉnh thành khác trong việc điều chỉnh quy hoạch.

Để khắc phục những hạn chế trong quy hoạch xây dựng, trước hết, phải triển khai nghiêm túc Luật Quy hoạch, nếu có vướng mắc thì cần sửa đổi, điều chỉnh Luật này cho phù hợp; đặc biệt phải xem lại các điều luật quy định việc điều chỉnh quy hoạch. Liệu có loại điều chỉnh cho một lô đất không? Hay đây là cơ hội để người có thẩm quyền điều chỉnh thực hiện lợi ích cá nhân?

Thứ hai phải tiến hành hoàn thiện phê duyệt quy hoạch tổng thể cho các địa phương, việc này chúng ta đã làm nhiều năm. Nhưng từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thì vấn đề rất khó. Nó giống như câu chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước. Đó là việc chúng ta phải ngã ngũ, xem xét quy hoạch từ dưới lên trên hay từ trên xuống dưới. Lâu nay thông thường phải có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của cấp tỉnh phê duyệt làm cơ sở để xây dựng các quy hoạch khác. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể các tỉnh, quốc gia sẽ có chiến lược phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội quốc gia trong từng giai đoạn.

Nhưng Luật Quy hoạch lại quy định ngược lại: Phải có quy hoạch tổng thể quốc gia làm cơ sở để lập quy hoạch tổng thể các tỉnh và các quy hoạch ngành khác. Luật Quy hoạch có hiệu lực đã 7 năm, nhưng chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, vì vậy các quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành không có cơ sở để điều chỉnh, thực hiện. Điều đó đã gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế đất nước. Vấn đề này Chính phủ, Quốc hội cần sớm được xem xét.

Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, ngành thì Chính phủ và Bộ, ngành phải giải quyết ngay. Nếu liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thì phải báo cáo để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cần thiết ban hành nghị quyết để thực hiện.

Chúng ta có thể thấy thành phố Sankt-Peterburg quy hoạch có tầm nhìn trước hàng nghìn năm, nhưng rất đẹp, ổn định và phù hợp đến tận ngày nay. Đó là vấn đề tầm nhìn trong quy hoạch. Khi quy hoạch, cần tận dụng tối đa trí tuệ các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước, phải tính thật kỹ, chi tiết đến từng dự án mà hiệu quả mang lại, cần đảm bảo ưu tiên cho vấn đề chung, lợi ích chung của quốc gia như an ninh quốc phòng, kinh tế – xã hội…

Thứ 3, trong quá trình thực hiện Luật và hoạt động thực tiễn cần tăng cường sự giám sát chặt chẽ của Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân, nếu giám sát tốt sẽ góp phần lớn ngăn chặn vi phạm, giảm thiểu thiệt hại cho xã hội.

Cũng theo Phó trưởng Ban Dân nguyện – Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Trong quy hoạch, người Việt Nam có thể rất hiểu về văn hóa, lịch sử, địa hình nhưng chưa chắc đã hiểu rõ về nguyên lý và tầm nhìn trong việc lập quy hoạch tốt như các chuyên gia về quy hoạch có kinh nghiệm của nước ngoài. Do đó, cần phải mời các các chuyên gia giỏi của nước ngoài về quy hoạch tư vấn quy hoạch cho Việt Nam.

Về lợi ích nhóm, để khẳng định có hay không thì cần sự vào cuộc, kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, có dư luận về việc đó, nên chúng ta cần xem xét kỹ vấn đề này.

Các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong quy hoạch cũng cần phải được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình đất nước trong từng giai đoạn, đồng thời thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, nếu không thực hiện nghiêm sẽ không đảm bảo tính khoa học, có sự lệch lạc. Nếu quy hoạch không tuân thủ quy chuẩn, thậm chí tìm cách “lách”, “lái” hoặc giải thích quy chuẩn theo hướng có lợi cho ai đó, thì cần phải có sự thanh kiểm tra, giải quyết một cách thấu đáo, công tâm và nghiêm túc.

Đại biểu Quốc hội Khóa XV Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Quy hoạch của Hà Nội không thể cứ để “hỏng rồi sửa”

Những vi phạm trong lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch ở Hà Nội cần phải khắc phục sớm để không tái diễn những vi phạm nữa, bởi với một không gian gần như cố định, Hà Nội không thể mở rộng được nữa.

Thủ đô Hà Nội với giới hạn phát triển như điều chỉnh mà Quốc hội Khóa 12 lấy thêm các huyện ngoại thành, một số xã của Hòa Bình, không gian gần như ổn định. Với không gian điều chỉnh rồi mà chúng ta không khắc phục sớm tình hình xây dựng như hiện nay, thì hậu quả sau này càng lớn hơn. Do vậy, việc khắc phục phải sớm để ngăn chặn các vi phạm sau này.

Bài 3: Tham nhũng trong quản lý, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, ai là người chịu trách nhiệm?
Đại biểu Quốc hội Khóa XV Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: “Cần thực hiện nghiêm pháp luật quy hoạch xây dựng, hạn chế đến mức tối đa việc điều chỉnh, khi đã điều chỉnh rồi thì không thể có điều chỉnh lần thứ 2 để tránh tình trạng hiện nay một dự án có tới 3, 4 lần điều chỉnh quy hoạch xây dựng”.

Cần thực hiện nghiêm pháp luật quy hoạch xây dựng, hạn chế đến mức tối đa việc điều chỉnh, khi đã điều chỉnh rồi thì không thể có điều chỉnh lần thứ 2 để tránh tình trạng hiện nay một dự án có tới 3, 4 lần điều chỉnh quy hoạch xây dựng.

Thứ hai phải quan tâm giải phóng được các khu nhà tạm bợ, không gian sinh sống chật hẹp của người dân, thông qua việc xây dựng các khu nhà ở tái định cư, khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp, có chính sách hỗ trợ cho người dân để chuyển về ở những khu nhà này. Phải có quỹ đất dành cho giao thông tĩnh, giao thông động.

Trong điều kiện giới hạn về kinh tế, chúng ta phải làm cuốn chiếu, làm dứt điểm ở từng khu vực, sau đó chuyển sang khu vực khác và như thế, giống như một vết dầu loang, đến lúc đó không gian Hà Nội mới được chỉnh trang, diện mạo thay đổi.

Nếu trong điều kiện kinh tế có hạn, mà chỗ nào cũng điều chỉnh quy hoạch, sửa sang lại thì nguồn vốn sẽ bị “bôi nhoe”, dang dở, bộ mặt Thủ đô không đáp ứng nhu cầu đặt ra.

Xóa bỏ tư duy “người đứng đầu nhưng không làm gì cả”

Cũng theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, chúng ta còn xem nhẹ kỷ cương phép nước trong việc lập, điều chỉnh quy hoạch, thực hiện quy hoạch. Những vi phạm trong vấn đề này lâu nay được coi như là lỗi thông thường, chưa thấy tác hại nghiêm trọng của nó đối với xã hội cũng như tiến trình phát triển.

Vấn đề ở đây phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc áp dụng pháp luật để xử lý những hành vi vi phạm trong hoạt động quy hoạch xây dựng.

“Cần xóa bỏ tư duy người đứng đầu các cấp, các ngành không làm gì cả, bởi nhiều người cho rằng, vì không làm nên không mắc lỗi. Ở đây không làm cũng là một hành động, ví dụ bác sỹ không cứu người, đó là hành động giết người, phải xử lý. Một vị Chủ tịch tỉnh, một vị Bộ trưởng việc đáng phải làm mà không làm, khiến cho sản xuất đình trệ, đẩy người dân và doanh nghiệp vào khó khăn, bần cùng. Đó là tội cần phải xử lý”, Đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cũng cho rằng: Những vi phạm trong quy hoạch nó có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đây không phải là vi phạm bình thường, nên phải trị cho thật nghiêm. Có như vậy, kỷ cương, kỷ luật trong công tác lập, thực hiện quy hoạch mới tốt hơn.

Ai sẽ chấn chỉnh những bất cập trong quy hoạch xây dựng?

Tại phiên bế mạc Quốc hội khóa XV, nhấn mạnh vấn đề tham nhũng chính sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý Nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Luận bàn về sự lãng phí, là cơ hội cho các nhóm lợi ích trong công tác lập quy hoạch, xây dựng quy hoạch Báo điện tử Xây dựng đã nhiều lần đề cập. Theo đó, vấn đề đặt ra những quy định của pháp luật nó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về kinh tế, văn hóa – xã hội của đất nước. Trong khi Luật quy hoạch do Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì soạn thảo để trình Quốc hội với hy vọng “ôm” tất cả các loại quy hoạch của Việt Nam vào một bản đồ thu nhỏ và dưới sự quản lý của Chính phủ, nhưng thực chất của Bộ Kế hoạch và đầu tư. Với một quy định “ngược” là phải hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia làm cơ sở để xây dựng quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành. Nhưng từ năm 2017 đến nay đã 6 năm trôi qua, chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia được duyệt, vì vậy các quy hoạch ngành “lúng túng” không thực hiện được.

Cũng cần nói thêm, trước khi dự kiến ban hành Luật Quy hoạch đã có nhiều ý kiến của nhiều ngành, đặc biệt là các ý kiến của các nhà khoa học chuyên ngành đã không đồng tình sự ra đời của Luật này. Có những ý kiến của một vài nhà khoa học cho rằng: “Luật quy hoạch ra đời sẽ là một sự tàn phá”, điều này đến nay có thể kiểm chứng phần nào. Trong sự ách tắc của các quy hoạch ngành, khiến nhiều năm qua nhiều đồ án quy hoạch chưa được điều chỉnh, hoàn thiện, do chưa có quy hoạch tổng thể. Những tổn thất này, ai sẽ chịu trách nhiệm? Cá nhân đứng đầu cơ quan soạn thảo chịu trách nhiệm đến đâu? Chúng tôi cho rằng, để có những Bộ luật thiết thực đi vào cuộc sống, tạo đà phát triển cho đất nước, pháp luật cần có những quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo Luật, nếu để xẩy ra tình trạng “cản trở” sự phát triển của đất nước. Bởi đây cũng là những hành vi gây thất thoát lãng phí rất lớn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích