Hà Nội: Phê duyệt quy hoạch chi tiết Trung tâm thị trấn Liên Quan và khu vực phụ cận

(Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3650/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết Trung tâm thị trấn Liên Quan và khu vực phụ cận, tỷ lệ 1/500, địa điểm tại thị trấn Liên Quan và xã Kim Quan, huyện Thạch Thất.

Hà Nội: Phê duyệt quy hoạch chi tiết Trung tâm thị trấn Liên Quan và khu vực phụ cận
Thị trấn Liên quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết có tổng diện tích đất khoảng 889.288m, tổng dân số khoảng 4.123 người. Về ranh giới, phía Bắc giáp ranh giới hành chính xã Phú Kim; phía Đông giáp vành đai nông nghiệp và khu vực đất phát triển du lịch của thị trấn Liên Quan và xã Kim Quan; phía Tây giáp khu vực dân cư hiện có thuộc thị trấn Liên Quan và tuyến đường trục chính đô thị (tỉnh lộ 419), bề rộng mặt cắt ngang 24m; phía Nam giáp trục Hồ Tây – Ba Vì và đất dự trữ phát triển của thị trấn Liên Quan.

Mục tiêu của quy hoạch là nhằm cụ thể hoá Quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 và Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thị trấn Liên Quan đến năm 2030, tỷ lệ 1/5.000 được UBND thành phố phê duyệt, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển đô thị. Phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, công trình hạ tầng cơ sở đô thị khu vực nghiên cứu cơ cấu, giải pháp bổ sung, điều chỉnh hợp lý đảm bảo yêu cầu sử dụng và điều kiện sống cho dân cư thị trấn Liên Quan và huyện Thạch Thất.

Đồng thời, quy hoạch xác định chức năng sử dụng đất, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (mật độ xây dựng. tầng cao công trình, hệ số sử dụng đất…), hệ thống hạ tầng kỹ thuật cụ thể cho từng ô đất và các yêu cầu về thiết kế đô thị đảm bảo phù hợp với định hướng của Quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất, Quy hoạch chung thị trấn Liên Quan, phù hợp với điều kiện hiện trạng sử dụng đất tại khu vực.

Các chỉ tiêu cần tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2021/BXD), tiêu chuẩn thiết kế. Xác định quỹ đất, nhà ở phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ và thành phố…

Về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị, hình thành trục cảnh quan trên tuyến đường Tỉnh lộ 419 với trục kinh tế Bắc – Nam, kết nối trung tâm huyện Thạch Thất với đô thị vệ tinh Sơn Tây, thị trấn sinh thái Quốc Oai, thị trấn Phúc Thọ. Hai bên trục đường được bố trí các công trình chức năng công cộng đô thị (trụ sở các cơ quan, trung tâm văn hóa, nhà truyền thống, ngân hàng, siêu thị, khách sạn, triển lãm, hội chợ…).

Kết thúc trục cảnh quan là khối công trình hành chính huyện (Huyện ủy, HĐND, UBND…), tạo điểm nhấn về kiến trúc cho khu vực trung tâm. Khu vực hành chính của thị trấn được đầu tư xây dựng mới, bố trí gần khu trung tâm hành chính huyện, tạo thành khối thống nhất, tập trung các cơ quan chuyên ngành.

Hệ thống công trình công cộng đô thị tuân theo định hướng Quy hoạch chung thị trấn Liên Quan, thuận tiện giao thông và nằm tại cửa ngõ thị trấn, giáp với các tuyến đường lớn như trục cảnh quan chính, trục Hồ Tây – Ba Vì, tuyến đường mặt cắt 24m phía Đông thị trấn và các đường liên xã, thuận lợi giao thương với khu vực nông thôn.

Khu phát triển dịch vụ kinh tế hỗn hợp địa phương được bố trí phía Bắc tiếp cận trực tiếp với đường Tỉnh lộ 420 và đường phân khu vực (mặt cắt 23m) là các dãy nhà, công trình (5 tầng) để phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Khu phát triển thương mại, dịch vụ phục vụ cho các hoạt động thương mại đô thị có quy mô lớn như: Nhà hàng, cửa hàng mua sắm, trung tâm thương mại, chợ đầu mối… được tổ chức tại vị trí quan trọng đầu nút giao đường Tỉnh lộ 419 với trục Hồ Tây – Ba Vì.

Khu vực đất ở mới được thiết kế cấu trúc mạng lưới đường ô bàn cờ giúp thuận lợi trong việc di chuyển tiếp cận với các trục giao thông chính đô thị. Xen kẽ là các công trình hạ tầng xã hội như chợ, cửa hàng tạp hóa, nhà văn hóa… trường mẫu giáo, nhà trẻ, cây xanh được bố trí đầy đủ, đảm bảo bán kính phục vụ cho từng khu vực dân cư.

Hệ thống các công trình công cộng dịch vụ hỗ trợ và bãi đỗ xe được bố trí trên các trục đường chính đô thị và theo khu vực cây xanh đô thị, đảm bảo khoảng cách và gắn kết với hệ thống tuyến giao thông đối ngoại, hệ thống giao thông nội bộ.

Bên cạnh đó, tận dụng địa hình 2 bên tuyến kênh thủy lợi tạo cảnh quan bố trí các công trình hành chính thấp tầng có khoảng không gian sân vườn lớn, tạo khoảng đệm chuyển tiếp gắn kết công trình với địa hình khu vực. Bố trí một số các điểm nhấn phụ tại các trục nút giao thông có chức năng là điểm đón vào khu đô thị.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích