Đắk Lắk: Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế – xã hội sáu tháng đầu năm
Đắk Lắk: Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế – xã hội sáu tháng đầu năm
Mặc dù bị tác động bởi nhiều khó khăn, song tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Đắk Lắk 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục duy trì phát triển với nhiều điểm sáng.
Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk vừa công bố các số liệu về kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm của địa phương.
Theo đó, về tăng trưởng kinh tế, Tổng sản phẩm (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh (giá so sánh 2010) ước đạt 24.933,6 tỷ đồng, đạt 39,58% kế hoạch tăng 4,01% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đạt thấp so với kịch bản xây dựng (7,9%).
Nguyên nhân chính do gặp rất nhiều khó khăn, như biến động của tình hình quốc tế (xung đột giữa các nước Nga – Ucraina); ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong các năm trước đến tất cả các ngành kinh tế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển hàng hóa, làm trì trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh vẫn cho thấy có nhiều điểm sáng tích cực.
Thương mại dịch vụ tiếp tục đà phát triển
Đây khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất (tăng 4,30% so với cùng kỳ năm trước), với mức đóng góp lớn nhất: 2,11 điểm phần trăm. Trong đó ngành bán buôn, bán lẻ tăng 4,84%, đóng góp 0,61 điểm phần trăm; tiếp đến là ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,64%, đóng góp 0,42 điểm phần trăm.
Nổi bất nhất là doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành với tốc độ tăng trưởng khá cao (+9,60%). Hàng hóa trên địa bàn tỉnh phong phú, thương mại điện tử phát triển mạnh; sức mua của người dân trong dịp lễ, tết tăng đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 50.836,0 tỷ đồng, tăng 6,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ ước đạt 43.985,8 tỷ đồng, chiếm 86,52% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 4.156,0 tỷ đồng, chiếm 8,19%, tăng 9,51%; dịch vụ lữ hành và hỗ trợ du lịch đạt 30,5 tỷ đồng, tăng 23,16% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 810 triệu USD, bằng 50,6% KH, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu tăng so với cùng kỳ do các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước đang thực hiện liên kết với sàn thương mại điện tử, thị trường nước ngoài nhằm giới thiệu, quảng bá và xúc tiến xuất khẩu cho những nhóm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh như cà phê, cao su, tiêu, điều…
Nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định tăng trưởng
Với mức tăng trưởng được duy trì (+4,49%), khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản đã vươn lên đứng ở vị trí thứ 2 trong đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023, đóng góp 1,26 điểm phần trăm. Trong đó, ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo với mức tăng 4,60%, đóng góp 1,21 điểm phần trăm.
Ngành Nông nghiệp cùng với các địa phương trên địa bàn chủ động, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển sản xuất như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, hàng hóa tập trung, quy mô lớn… Sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023 (đạt 67.764 ha) và vụ Hè thu 2023 (đạt 188.000 ha) thực hiện đúng tiến độ, diện tích gieo trồng, vượt kế hoạch đề ra; dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi đã được kiểm soát ổn định. Nuôi trồng thủy sản (gần 6.000 ha) tập trung vào chất lượng và nuôi lồng bè nhằm nâng cao sản lượng. Công tác trồng rừng có nhiều thuận lợi do mùa mưa đến sớm với tần suất và lượng mưa nhiều.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng ấn tượng
Chỉ số sản xuất (IIP) công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh tăng 7,17% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 10,32%, sản phẩm đá xây dựng đạt 643,0 ngàn m3, tăng 12,89%, do các công ty khai thác đá tăng công suất hoạt động nhằm phục vụ cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng nhất trong bức tranh công nghiệp của tỉnh với mức tăng trưởng ấn tượng (+23,90%).
Một số ngành sản phẩm tác động tích cực đến việc tăng chỉ số của ngành công nghiệp chế biến chế tạo như: Sản phẩm quần áo (tăng 101,57%); sản phẩm cà phê bột (tăng 50,0%,) đường RS (tăng 38,13%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (tăng 37,20%); sản phẩm ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 53,11%); chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (tăng 24,61%); sản phẩm vỏ bào, dăm gỗ (tăng 53,16%)…
Tín hiệu tích cực trong huy động vốn đầu tư phát triển
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội toàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 15.601,7 tỷ đồng, tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước, bằng 44,32% kế hoạch năm, chiếm 33,01% GRDP. Trong đó, nguồn vốn nhà nước ước đạt 3.957,6 tỷ đồng, tăng 54,54% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 25,37% tổng nguồn vốn; vốn dân cư và tư nhân đạt 11.070,3 tỷ đồng, giảm 1,09%, chiếm 70,96% tổng vốn. Riêng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đạt 573,8 tỷ đồng, giảm 68,44%, chiếm 3,67% tổng vốn; nguyên nhân do tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, xung đột Nga – Uckraina, lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ của Châu Âu…
Điểm sáng trong huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh chính là nguồn vốn nhà nước với mức tăng trưởng ấn tượng (+54,54%). Đây là một tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng như hiệu quả của các chính sách mà Chính phủ cũng như UNND tỉnh đang thực hiện.
Những điểm sáng nêu trên đây là những nguyên nhân cơ bản góp phần tạo sự ổn định về tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến phải cho công nhân và người lao động nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc. Số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng của người lao động đều tăng; lao động trong ngành dịch vụ tiếp tục tăng mạnh. Đây là một tín hiệu rất lạc quan là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và cả nước nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị