Gia Lai: Định hướng phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng
Gia Lai: Định hướng phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng
Ngày 26/7, tại TP Pleiku, đã diễn ra hội thảo khoa học “Định hướng hoạt động về bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, tỉnh Gia Lai đến năm 2030”.
Chương trình được Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng phối hợp với Văn phòng Dự án tổ chức Frankfurt Zoological Society tại Việt Nam tổ chức.
Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng Dương Mah Tiệp; Trưởng Văn phòng Dự án tổ chức Frankfurt Zoological Society tại Việt NamHà Thăng Long cùng các cơ quan, đơn vị chuyên môn trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp khẳng định: Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng đã thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về đa dạng sinh học, về văn hoá, lịch sử; cũng như nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và của tỉnh Gia Lai nói riêng; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa đối với bạn bè thế giới, tạo tiền đề cho sự kết hợp cân bằng giữa bảo tồn và phát triển kinh tế-xã hội. Hội thảo khoa học “Định hướng hoạt động về bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, tỉnh Gia Lai đến năm 2030” với mục tiêu tiếp nhận các thông tin, cơ sở khoa học và sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ các chuyên gia để xây dựng hoàn thiện kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu DTSQ đến năm 2030.
“Tôi tin tưởng qua hội thảo này, ý kiến tham gia của các nhà quản lý, các nhà khoa học, kinh nghiệm triển khai của các Khu DTSQ ở các tỉnh bạn sẽ là các tư liệu, luận cứ khoa học bổ ích để Ban quản lý nghiên cứu, phân tích và đề xuất được các nhiệm vụ chiến lược, các giải pháp và dự án ưu tiên đến năm 2030 nhằm quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững Khu DTSQ” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp mong muốn.
Tại hội thảo này, các đại biểu tham dự sẽ tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng trong việc định hướng bảo tồn, phát triển Khu DTSQ thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng như: Định hướng bảo tồn và phát triển Khu DTSQ thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng đến năm 2030; kinh nghiệm xây dựng cơ cấu tổ chức, bố trí nhân sự, xây dựng chiến lược truyền thông; định hướng cho sự phát triển bền vững Khu DTSQ, phát triển các sản phẩm hàng hóa bản địa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân tại địa phương; bảo tồn đa dạng sinh học rừng khu vực vùng lõi…
Ngày 15/9/2021, tại Kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển, tổ chức tại thành phố Abuja, Nigeria, hai khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng trải rộng trên diện tích 413.512ha, được khoanh vùng thành ba khu chức năng gồm hai vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; vùng đệm và vùng chuyển tiếp (một phần diện tích của thị xã An Khê và 5 huyện: Đăk Đoa, Mang Yang, K’bang, Chư Păh, Đăk Pơ).
Cao nguyên Kon Hà Nừng có hệ sinh thái rừng còn tương đối nguyên vẹn với hệ sinh thái đặc trưng là rừng kín nhiệt đới thường xanh cây lá rộng; rừng kín nhiệt đới thường xanh cây lá kim; rừng thưa thường xanh cây lá rộng; rừng thưa thường xanh lá kim; thảm cây bụi; trảng cỏ và các khu vực đất nông nghiệp, khu dân cư có tính đa dạng sinh học cao, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng của các tỉnh Tây Nguyên.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị