New Zealand tiên phong trong bảo vệ môi trường

New Zealand tiên phong trong bảo vệ môi trường

Sự dung hòa với thiên nhiên, hướng tới giá trị tốt đẹp và lâu dài cho tương lai đã là nền tảng để New Zealand đưa tư duy bền vững vào giáo dục hiện đại và các phương diện khác của bảo vệ môi trường.

tm-img-alt
Sông Whanganui nổi tiếng của New Zealand

Từ tư duy đến hành động

Khái niệm kinh doanh bền vững luôn được lồng ghép trong các môn học để sinh viên tiếp cận với vấn đề này. Ngay cả trong bài tập báo cáo tài chính, sinh viên cũng phải thể hiện đủ 4 yếu tố gồm con người, môi trường, lợi nhuận và trách nhiệm xã hội, thay vì chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế. Đó chính là chú trọng đầu tư nguồn nhân lực, luôn luôn cải tiến để tìm ra giải pháp mới, đem đến lợi ích kinh tế mà không làm tổn hại đến môi trường và xã hội.

Không chỉ đưa tư duy bền vững vào trong chương trình học, các trường ở New Zealand còn nhanh chóng mở rộng và bổ sung nhiều ngành học mang tính thời sự này, giúp New Zealand trở thành điểm đến lý tưởng cho hàng ngàn bạn trẻ quan tâm và muốn học hỏi về phát triển bền vững.

Theo The Guardian, Chính phủ New Zealand sẽ bắt buộc các cơ quan vận tải công cộng mua xe bus không khí thải nhằm bảo vệ môi trường từ năm 2025. Chính phủ sẽ tài trợ 50 triệu USD trong vòng 4 năm cho các hoạt động hỗ trợ việc chuyển đổi sang xe bus không khí thải. Không chỉ vậy, giới chức nước này cũng dự kiến ban hành một đạo luật trong năm nay, theo đó chỉ cho phép nhập khẩu ô tô có khí thải thấp. Quyết định này nhằm đạt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải và chi phí nhiên liệu từ nay tới năm 2050 – kế hoạch đã được Quốc hội nước này phê duyệt vào năm ngoái.

Cựu Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết: “Hiện New Zealand có khoảng 2.600 xe bus hoạt động, chủ yếu ở Auckland, Wellington và Christchurch. Giao thông vận tải chiếm khoảng 20% ​​lượng phát thải khí nhà kính của New Zealand. Điều này cần phải thay đổi”. Trước đó, ngày 2-12-2020, bà Jacinda Ardern đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về khí hậu” và yêu cầu giới chức nước này cần hành động vì lợi ích của các thế hệ tương lai. Trong những năm qua, New Zealand đã xây dựng những nền tảng để thực hiện các cam kết trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Đến tháng 8-2020, chính phủ đã quyết định bổ sung biến đổi khí hậu vào chương trình đào tạo tại nước này.

Bảo vệ để phát triển

New Zealand là quốc gia đứng đầu thế giới trong công cuộc xây dựng các khu bảo tồn trên những hòn đảo. Đây là kết quả của nghiên cứu về hơn 100 năm nỗ lực ngăn chặn động vật có vú xâm lấn trên 998 hòn đảo thuộc quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương này.

Theo nghiên cứu do Đại học Auckland và Viện nghiên cứu Landcare của New Zealand thực hiện, công tác loại bỏ mối đe dọa nghiêm trọng từ các loài xâm lấn đảo đã được triển khai rộng khắp trên thế giới với tỷ lệ thành công cao và duy trì ổn định theo thời gian. Đây là chìa khóa để bảo vệ động thực vật bản địa, tạo ra khả năng phục hồi hệ sinh thái trước vấn đề biến đổi khí hậu cũng như mang lại nhiều lợi ích cho con người. Theo nghiên cứu, các hòn đảo là điểm nóng toàn cầu về đa dạng sinh học. Dù chỉ chiếm 5% diện tích đất liền của Trái đất, nhưng lại đóng góp tới 61% số vụ tuyệt chủng kể từ những năm 1500.

Không chỉ đứng đầu về bảo tồn động vật, New Zealand còn là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành bộ luật buộc các công ty tài chính công bố báo cáo về tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động của doanh nghiệp. Bộ trưởng về Biến đổi khí hậu New Zealand James Shaw cho biết, đến năm 2050, New Zealand muốn trở thành quốc gia trung hòa về lượng carbon. Để đạt mục tiêu này, cần sự đóng góp trách nhiệm của tất cả thành phần kinh tế, kể cả lĩnh vực tài chính ngân hàng. Chỉ khi hiểu rõ tác động của biến đổi khí hậu trước khi thực hiện các hoạt động đầu tư, các ngân hàng, nhà cung cấp bảo hiểm và quản lý tài chính mới có thể thực hiện nhiệm vụ của mình. Theo ông James Shaw, luật mới sẽ đưa các rủi ro về biến đổi khí hậu và khả năng phục hồi của môi trường trở thành trọng tâm trong các quyết sách về tài chính và doanh nghiệp. Dự kiến, bộ luật về môi trường mới sẽ được Quốc hội nước này thông qua lần 1 trong tuần này.

Khoảng 200 doanh nghiệp gồm các công ty lớn, các công ty nước ngoài có số vốn điều lệ lên đến 703 triệu USD sẽ trở thành đối tượng bị điều chỉnh trong luật. Bộ trưởng Thương mại và các vấn đề tiêu dùng New Zealand David Clark nhận định, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp đặt luật môi trường với các điều khoản nêu trên, New Zealand sẽ có cơ hội thể hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt các quốc gia khác cùng có hành động tương tự.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích