Trung Quốc xây dựng kênh đào lớn nhất thế giới
Trung Quốc xây dựng kênh đào lớn nhất thế giới
Dự án kênh đào nhân tạo lớn nhất thế giới đang được Trung Quốc xây dựng với lượng đất đá cần đào gấp 3 lần đập Tam Hiệp.
Kênh đào này có tên Pinglu, dài 135 km trị giá 72,7 tỷ nhân dân tệ (10,1 tỷ USD), đã được xây tại khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây từ tháng 5. Pinglu sẽ là kênh đào lớn nhất thế giới nối sông và biển, với tổng khối lượng đào đắp hơn 339 triệu mét khối.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đã đưa tin Bắc Kinh kỳ vọng kênh đào này có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại với các nước Đông Nam Á.
Giới chức Trung Quốc từ lâu ưu ái xây dựng cầu và đường bộ để kết nối, tạo điều kiện di chuyển cho dòng người, hàng hóa. Trong khi đó, việc xây kênh đào đòi hỏi lực lượng lao động vừa đông đảo vừa thành thạo kỹ thuật.
Ngoài ra, một kênh đào kết nối giữa Bắc Kinh và Hàng Châu dài 1.800 km đã được hoàn thành cách đây 700 năm trong thời đại Nhà Nguyên (1279–1368). Như vậy Pinglu khi được hoàn thiện sẽ trở thành kênh đào đầu tiên của Trung Quốc trong 700 năm qua.
Là 1 phần trong hành lang thương mại gồm cả đường bộ và đường biển kết nối phía Tây của Trung Quốc với vịnh Bắc Bộ và biển Đông, kênh đào dự kiến sẽ có thể vận chuyển 108 triệu tấn hàng hóa vào năm 2035 và 130 triệu tấn vào năm 2050.
Tuyến đường biển 2 chiều này được dự báo sẽ rất đông đúc vì giúp cắt giảm chi phí đáng kể. Những tàu container và tàu chở hàng cỡ lớn sẽ chỉ mất vài tuần để di chuyển từ Nam Ninh tới các nước ASEAN như Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia.
Hiện tại, hàng hóa từ miền Tây Trung Quốc đến Quảng Châu và Hong Kong qua sông Xi và sông Châu Giang, nhưng sau khi kênh Pinglu hoàn thành, hành trình từ miền Tây Trung Quốc ra biển sẽ rút ngắn hơn 560 km. Theo ước tính chính thức, con kênh này có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên tới 5.000 tấn. Kênh Pinglu sẽ chủ yếu được sử dụng để vận chuyển than, khoáng sản, xi măng, ngũ cốc, vật liệu xây dựng và container.
Kênh đào Pinglu không chỉ được coi là cơ hội để phát triển tỉnh Quảng Tây, mà còn thể hiện kỹ thuật xây dựng tiên tiến và tư duy chiến lược của Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng.
Nhà tư vấn kỳ cựu giúp các công ty Trung Quốc tìm cơ hội đầu tư tại Đông Nam Á – ông Gao Zhendong phân tích: “Giá trị thực tiễn của dự án này rất đáng mong đợi. Điều này tương đương với nhiều ‘mao mạch’ hơn để gắn kết chặt chẽ thị trường Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á”.
Kênh đào này được cho sẽ tạo điều kiện để các tàu container hoặc tàu chở hàng rời Nam Ninh – thủ phủ khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đến Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác trong vài tuần.
Vĩnh Hải (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị