Phát triển du lịch Thừa Thiên-Huế: Cần xây dựng sản phẩm có sức hút
Có nhiều lợi thế về di sản văn hóa mang tầm quốc tế đã được UNESCO vinh danh, nhưng du lịch Thừa Thiên-Huế lại đang bị dẫn trước bởi những thành phố du lịch khác – trẻ trung, năng động hơn.
Du khách tham gia trải nghiệm chèo sup trên sông Hương. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN) |
Ngành Du lịch của Thừa Thiên-Huế tiếp tục đạt được đà phục hồi và tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2023 với vị trí thứ 11 trong cả nước về tổng doanh thu.
Tuy nhiên, nhiều tiềm năng nội tại vẫn chưa được ngành Du lịch Cố đô khai thác, tận dụng hiệu quả.
Ngành kinh tế mũi nhọn
Mục tiêu, giải pháp chủ yếu đầu tiên mà Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 nhắc đến là phát triển đa dạng các ngành dịch vụ; trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Sáu tháng đầu năm 2023, du lịch Thừa Thiên-Huế đã chứng minh được phần nào mục tiêu này bằng những tín hiệu tích cực từ các con số và xếp hạng.
Cố đô Huế đã đón hơn 1,6 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm ưu thế với hơn 65%. Tổng thu từ du lịch đạt gần 3.500 tỷ đồng, tăng 148% so với cùng kỳ năm 2022.
Dòng khách quốc tế có sự tăng trưởng tốt khi các thị trường truyền thống như Thái Lan, Hàn Quốc duy trì được lượng khách tốt.
Thị trường châu Âu như Pháp, Đức, Anh có sự phục hồi tuy chưa được như những năm trước dịch nhưng đã đón được lượng khách lớn trở lại.
Một số thị trường mới, tiềm năng như Malaysia, Hoa Kỳ, Australia chiếm tỷ trọng khá lớn trong lượng khách quốc tế đến Thừa Thiên-Huế.
Tỉnh sẵn sàng đón những dòng khách tiềm năng đến từ Ấn Độ hay các quốc gia Hồi giáo bằng những chuyến bay trực tiếp trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc phân tích kinh tế thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn sau dịch. Người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu di chuyển và nghỉ dưỡng giảm…, sự tăng trưởng của du lịch địa phương là điều đáng mừng, chứng tỏ một số sản phẩm du lịch đặc trưng đã có tính lan tỏa thông qua các chương trình quảng bá, xúc tiến.
Song song đó, các doanh nghiệp đã nỗ lực sáng tạo gắn kết giữa sản phẩm du lịch với cộng đồng, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp hay khai thác giá trị đầm phá, biển.
Bên cạnh những con số ấn tượng, một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng Thừa Thiên-Huế đã nhận được những đánh giá tích cực, xếp hạng cao từ các tổ chức quốc tế về du lịch.
Khu nghỉ dưỡng Vedana Lagoon (huyện Phú Lộc) được vinh danh ở hạng mục Kiến trúc khách sạn đẹp nhất tại lễ công bố Giải thưởng “Asia Pacific Property Awards 2023-2024.”
Khách sạn Banyan Tree Lăng Cô (huyện Phú Lộc) và Azerai La Residence (thành phố Huế) được xếp hạng cao tại Giải thưởng Travel & Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023 đồng thời lọt vào danh sách gợi ý những khách sạn hạng sang nên ở lại tại Việt Nam theo cẩm nang Michelin (Pháp).
Đặc biệt, Thành phố Huế được xếp hạng thứ 8 tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở Giải thưởng Travel & Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023 về điểm đến (hạng mục “Cities”).
Những xếp hạng và đề cử nói trên không chỉ là sự khẳng định về chất lượng dịch vụ đẳng cấp của các cơ sở lưu trú mà còn là tiền đề, động lực để ngành Du lịch Cố đô khơi thông thị trường quốc tế thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên-Huế Nguyễn Hoàng Thụy Vy cho hay kết quả trên rất xứng đáng với những nỗ lực dài hơi, chiến lược đầu tư được tính toán bài bản của ngành Du lịch tỉnh.
Tuy nhiên, có thể kỳ vọng nhiều hơn khi tiềm năng, thế mạnh của du lịch Cố đô vẫn còn nhiều; cơ hội đón khách quốc tế đang rộng mở và sự quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung ương và chính quyền địa phương đang được chú trọng. Đây sẽ là “bàn đạp” cho du lịch địa phương bứt phá.
Để sản phẩm du lịch có sức hút lâu dài, bền vững
Mới đây, nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Thừa Thiên-Huế được chọn là một trong các địa phương xây dựng ít nhất một mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm và dần tiến đến hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt, thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.
Điều này cho thấy tiềm năng lớn và sự kỳ vọng về khả năng phát triển các sản phẩm du lịch về đêm tại Thừa Thiên-Huế.
Các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm đã được thành phố Huế khai thác trong một vài năm gần đây.
Tháng 3/2023, phố đi bộ Hai Bà Trưng đi vào hoạt động với mô hình kết hợp biểu diễn văn hóa, nghệ thuật và giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống.
Kinh thành Huế có Phố đêm Hoàng Thành với những gian hàng giới thiệu văn hóa, sản phẩm đặc thù địa phương cùng các sân khấu, điểm biểu diễn cộng đồng được quy hoạch…
Sau hơn một năm mở cửa, Phố đêm Hoàng Thành đang dần “hụt hơi,” đìu hiu khách tham quan, thưa thớt các hoạt động nghệ thuật mang thương hiệu Huế.
Phố đi bộ Hai Bà Trưng chỉ lôi kéo được du khách đến ăn uống dọc hai bên đường mà chưa tạo được dấu ấn riêng và yếu thế trước một phố Tây Huế náo nhiệt, đông vui.
Du khách tham quan chùa Thiên Mụ. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN) |
Thừa Thiên-Huế sở hữu nhiều lợi thế về di sản văn hóa mang tầm quốc tế đã được UNESCO vinh danh, cùng với sự đa dạng cảnh quan sông, núi, biển, đầm phá…
Du lịch Thừa Thiên-Huế có xuất phát điểm khá sớm so với nhiều địa phương khác trong khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ.
Tuy nhiên, đến nay, trên đường đua này, vị trí của địa phương đang bị dẫn trước bởi những thành phố du lịch trẻ, năng động.
“Chúng ta chỉ mới khai thác mang tính hiệu ứng nhất thời và bề nổi của những tiềm năng. Để những sản phẩm du lịch Thừa Thiên-Huế có thêm sức hút lâu dài, bền vững, cần đầu tư nhiều hơn và chú trọng chiều sâu sản phẩm ở tính chuyên nghiệp, cao cấp,” bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy chia sẻ.
Nhìn vào con số thống kê nửa đầu năm 2023, lượng khách lưu trú tại Thừa Thiên-Huế đạt gần 846.000 lượt khách, chiếm hơn 51% lượng khách đến. Trong đó, chủ yếu vẫn là khách lưu trú ngắn ngày.
Du khách Erich Lin (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết anh và bạn của mình rất ấn tượng với những danh lam, thắng cảnh, các di tích tại Cố đô Huế.
Tuy nhiên, trong chuyến du ngoạn dài ngày ở đất nước “hình chữ S,” anh chỉ dành 6 tiếng để trải nghiệm các địa điểm của thành phố Huế. Bởi vì, các dịch vụ giải trí, lưu trú nơi đây vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Các điểm đến chỉ mới dừng lại ở mức độ tham quan mà không có nhiều dịch vụ hay trải nghiệm.
Dù là một điểm đến lý tưởng để nghỉ dưỡng, tham quan nhưng Thừa Thiên-Huế lại có hạn chế khi không thể đón được những đoàn khách lớn hay yêu cầu cao.
Lý giải về điều này, bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy chia sẻ chất lượng hội trường tại các trung tâm nhà hàng, tiệc cưới, khách sạn lớn của thành phố Huế không đủ đáp ứng yêu cầu của một hội nghị tầm cỡ quốc tế hay đám cưới hạng sang. Bên cạnh đó, công suất phòng của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn khu vực trung tâm thành phố Huế không đủ phục vụ cho những đoàn khách có số lượng lớn hàng trăm người.
Theo Sở Du lịch, địa phương hiện mới chỉ có khoảng hơn 3.000 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao. Nhiều dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng, khách sạn lớn bị chậm tiến độ nhiều năm chưa thể đưa vào khai thác phục vụ.
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc hy vọng các hoạt động kích cầu du lịch trong khuôn khổ Festival bốn mùa với các lễ hội mùa Thu, Đông như: Ngày hội Hiphop Huế, Ngày hội Lân, Tuần lễ du lịch chăm sóc sức khỏe… sẽ tiếp tục thu hút du khách đến với địa phương. Ngoài ra, thị trường khách quốc tế sẽ sớm được khơi thông nhờ việc đưa vào hoạt động Nhà ga T2 của Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài.
Từ tháng 7/2023, Hãng Hàng không VietJet Air sẽ tổ chức định kỳ 6-8 chuyến bay charter một chiều từ thị trường Đông Bắc Á đến Huế và tiến đến các chuyến bay thương mại đồng thời tổ chức các chương trình đối lưu khách.
Không chỉ các sản phẩm du lịch truyền thống gắn với di sản văn hóa, nghệ thuật được quan tâm, ngành Du lịch tỉnh đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thêm, đa dạng hóa sản phẩm du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, ẩm thực để du khách cho nhiều cơ hội trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú.
Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy kiến nghị thời gian tới, cần có những giải pháp xây dựng sản phẩm mang tính chiều sâu, chuyên biệt; hoàn thiện, mở rộng cơ sở vật chất để thu hút khách du lịch có khả năng chi trả đồng thời tận dụng các lợi thế từ chính sách vĩ mô như kéo dài thời gian gia hạn thị lực đối với khách quốc tế, khai thác các đường bay trong khu vực…
Hy vọng với sự quyết tâm bứt phá trong nửa cuối năm 2023, ngành Du lịch Thừa Thiên-Huế sẽ sớm tìm ra những giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng, dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam./.
Nguồn: Báo xây dựng