Quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải
Quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải
Việc lắp đặt hệ thống xử lý nước thải đang trở thành vấn đề cấp thiết đối với các nhà máy, khu công nghiệp và khu dân cư. Tìm hiểu thêm về hệ thống này và quy trình vận hành ra sao trong bài viết sau!
Trong bối cảnh môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này, đó là việc xả thải vô tội vạ ra tự nhiên mà không qua xử lý. Việc lắp đặt hệ thống xử lý nước thải đang trở thành vấn đề cấp thiết đối với các nhà máy, khu công nghiệp và khu dân cư. Tìm hiểu thêm về hệ thống này và quy trình vận hành ra sao, Ban biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu công nghệ của Công ty TNHH ECOBA Công nghệ Môi trường cùng bạn đọc.
Tại sao cần xử lý nước thải?
Nước thải là đầu ra của quá trình sinh hoạt, ăn uống và hoạt động sản xuất, chế biến ở các nhà máy, khu công nghiệp. Dân số càng đông, nhà máy càng nhiều, đồng nghĩa với lượng nước thải ra môi trường càng lớn. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng sống của con người và động vật thủy sinh.
Hiện nay, lượng nước thải đổ thẳng ra sông, ngòi, kênh, rạch mỗi ngày thường rất lớn và hầu như chưa có biện pháp xử lý triệt để. Biểu hiện là các dòng nước chuyển thành màu đen, bốc mùi hôi thối. Một hệ quả không thể tránh khỏi đó là ô nhiễm nguồn nước sạch, đất và không khí, gây nên các bệnh về da, hô hấp và đường ruột.
Vì nguồn nước sạch là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt, ăn uống nên vấn đề xử lý nước thải là đặc biệt quan trọng. Bởi các hoạt động trong đời sống của con người có mối liên kết chặt chẽ với tự nhiên như trồng trọt, nuôi trồng thủy hải sản, ăn uống, tắm rửa mỗi ngày.
Vì vậy, vấn đề xử lý nước thải cần được triển khai trên diện rộng để hạn chế tình trạng ô nhiễm đang ở mức báo động này.
Hệ thống xử lý nước thải là gì?
Hệ thống xử lý nước thải được cấu thành từ một số công nghệ xử lý nước đơn lẻ, tùy thuộc vào loại hình sản xuất sẽ cho ra nước thải khác nhau từ đó áp dụng công nghệ xử lý khác nhau. giúp giải quyết vấn đề nước thải của từng khu vực dân cư, nhà máy, xí nghiệp.
Trong đó, mỗi loại nước thải sẽ ứng với hai hay nhiều công nghệ xử lý khác nhau, tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh.
Một hệ thống xử lý được lắp đặt bài bản sẽ loại bỏ tốt:
- Các thành phần ô nhiễm hữu cơ, vô cơ có trong nước thải. Đảm bảo lượng nước thải đầu ra đạt chuẩn các chỉ tiêu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Chi phí đầu tư, vận hành hợp lý nhưng vẫn đáp ứng được hiệu suất và độ bền của hệ thống.
- Nâng cấp các công nghệ xử lý khác để phù hợp với sự thay đổi về chất lượng nước thải sau này.
Quy trình xử lý nước thải tối ưu nhất
Hệ thống xử lý nước thải ở các khu công nghiệp và dân cư khác nhau về công nghệ, do tính chất của 2 khu vực này hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các hệ thống xử lý nước hiện nay đều có chung một quy trình chuẩn.
- Công đoạn xử lý cơ học: Ở công đoạn này, nước thải sẽ đi qua các song chắn rác, bể thu gom và tách dầu mỡ, đồng thời lắng cặn, cát. Toàn bộ các chất thải rắn có kích thước lớn hơn 0.75mm đều được giữ lại tại công đoạn này, lượng váng dầu tách ra sẽ đi qua bể chứa khác để phục vụ cho việc xử lý và tái sử dụng.
- Công đoạn xử lý hóa học: Nước thải sẽ được thêm các loại hóa chất chuyên dụng để trung hòa độ pH, keo tụ tạo bông lắng, tuyển nổi,… Công đoạn này đảm bảo nước thải ra môi trường bên ngoài sẽ đáp ứng độ pH tiêu chuẩn, các chất vô cơ, cặn lơ lửng, kim loại đều được giữ lại tại đây.
- Công đoạn xử lý sinh học: Tại đây, vi sinh vật sẽ hoạt động để xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ trong môi trường yếm khí, hiếu khí hay thiếu khí.
- Công đoạn lọc nước: Công đoạn này sẽ giúp hệ thống xử lý nước bẩn giữ toàn bộ các chất rắn lơ lửng còn sót lại. Mức độ lọc phụ thuộc vào quy định xả thải của Nhà nước đối với lượng chất rắn trong nước thải.
Hướng dẫn vận hành hệ thống xử lý nước thải chuẩn kỹ thuật
Đối với nước thải công nghiệp
Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp thường ứng dụng công nghệ hóa lý để tạo các chất keo tụ, tuyển nổi, lắng lọc hay oxy hóa nâng cao. Ngoài ra, còn có thể kết hợp thêm các công nghệ sinh học ở công đoạn sau.
- Chuẩn bị sổ tay vận hành để ghi chép lại số liệu đánh giá kết quả.
- Pha hóa chất.
- Theo dõi và kiểm soát các chỉ số nước thải như pH, nhiệt độ, lưu lượng,…
- Kiểm tra các thiết bị hỗ trợ như máy bơm, bộ đo pH, máy khuấy, bơm định lượng.
- Kiểm tra quá trình tạo bông.
- Xả bùn ở dưới đáy bể lắng và tiến hành ép.
- Kiểm tra kết quả đầu ra đã đạt chuẩn chất lượng hay chưa.
Đối với nước thải sinh hoạt
Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt hiện nay đa phần sử dụng các công nghệ sinh học bằng bùn hoạt tính theo một trong 2 phương pháp là AO – xử lý dòng liên tục thiếu khí, hiếu khí kết hợp và SBR – xử lý theo mẻ.
Có thể kết hợp thêm các công nghệ khác như bổ sung giá thể di động (MBBR) hay màng lọc MBR để tăng nồng độ, hiệu suất tiếp xúc giữa không khí, nước thải và hệ vi sinh vật. Tuy nhiên, nếu hệ vi sinh vật trong bể chứa có thể duy trì tốt thì không cần dùng đến các công nghệ bổ sung khác.
Quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt:
- Chuẩn bị sổ tay vận hành để ghi chép số liệu, đánh giá kết quả.
- Kiểm tra phao báo mức nước và van điều khiển thường xuyên.
- Vệ sinh song chắn rác định kỳ và thường xuyên nếu nhận thấy đã đầy.
- Kiểm tra mức nước trong bể điều hòa.
- Kiểm tra các thiết bị bơm, máy thổi khí có hoạt động ổn định hay không.
- Kiểm tra định kỳ nồng độ bùn hoạt tính có trong bể vi sinh, đảm bảo luôn được duy trì ở mức cần thiết.
- Bổ sung vi sinh nếu kiểm tra thấy nồng độ xuống thấp hoặc ngược lại, xả bỏ khi quá cao.
Tiêu chí nghiệm thu công trình xử lý nước thải tốt
Một hệ thống xử lý nước thải tốt sẽ loại bỏ được các yếu tố ô nhiễm sau đây:
- Nhu cầu oxy sinh học (BOD): Lượng oxy cần thiết để diễn ra quá trình oxy hóa chất hữu cơ dễ phân hủy bởi vi sinh vật. Trong đó, BOD là chỉ tiêu được dùng để đo lường mức độ ô nhiễm hữu cơ trong môi trường và nước thải.
- Nhu cầu oxy hóa học (COD): Lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất có trong nước thải bao gồm hữu cơ và vô cơ. Trong đó, COD là chỉ tiêu được dùng để đo lường mức độ ô nhiễm vô cơ và hữu cơ của nước thải.
- Nito và photpho (TN và TP): Đây là hai thành phần gây hiện tượng phú dưỡng đất đai, nguồn nước, tạo điều kiện cho các loại tảo phát triển, ảnh hưởng đến mùa màng và sức khỏe con người, động vật.
- Coliform: Các vi sinh vật gây bệnh.
- Chất rắn lơ lửng (TSS): Lượng chất rắn không tan và khó lắng trong nước thải.
- Độ màu.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị