Phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước

Tại cuộc làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, báo cáo kết quả triển khai các nhiệm vụ.

Phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận cuộc làm việc. (Ảnh: Nguyễn Thành)

Theo đó, ngay sau khi Quốc hội ban hành các Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã chủ động, tích cực tổ chức triển khai thực hiện với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân Thủ đô, nhờ vậy đã đạt được những kết quả tích cực.

Nổi bật, kinh tế Thủ đô đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, các cân đối lớn được đảm bảo. Tăng trưởng bình quân năm 2021, 2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước. Bình quân 2 năm 2021-2022, GRDP tăng 5,86% cao hơn 1,13 lần mức tăng của cả nước (5,25%). Thu ngân sách vượt dự toán hằng năm, cơ cấu nguồn thu theo hướng tỷ trọng thu nội địa ngày càng tăng.

Tổng thu ngân sách nhà nước của Hà Nội giai đoạn 2021-2022 hơn 656.000 tỷ đồng (đạt 119,9% dự toán Trung ương giao). Chi ngân sách được điều hành chủ động, linh hoạt, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp. Tổng chi ngân sách Hà Nội giai đoạn 2021-2022 khoảng 178,5 nghìn tỷ đồng (đạt 82,8% dự toán).

Thông tin việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tại 175 UBND phường với 2.452 người (giảm 252 người).

Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên, vai trò, phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với UBND phường được đảm bảo, tăng cường. Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn, song vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhanh nhạy, thông suốt hơn. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân với kết quả giải quyết của chính quyền được giữ ổn định và ở mức cao.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng báo cáo khái quát tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc. (Ảnh: Nguyễn Thành)

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, điều quan trọng nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giao quyền cho Hà Nội, tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển.

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận, phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả đạt được của thành phố Hà Nội từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay.

Đề nghị Hà Nội tập trung rà soát, làm rõ những mặt còn hạn chế để đề ra các giải pháp khắc phục, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Với tinh thần Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước, mong muốn chung của chúng ta là Hà Nội sẽ có bước phát triển mạnh hơn, đột phá hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020-2025”.

Phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước
Quang cảnh cuộc làm việc. (Ảnh: Nguyễn Thành)

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải làm sao thể chế hóa được quan điểm trực tiếp nhất hiện nay về phát triển Thủ đô là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị với mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô thông minh, hiện đại, an ninh, an toàn; văn hiến, văn minh, hiện đại; phát triển nhanh và bền vững, có sức lan tỏa, thúc đẩy Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thành phố Hà Nội tiếp tục tham vấn ý kiến rộng rãi nhà khoa học, trí thức, các tầng lớp nhân dân, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thành phố các thời kỳ để hoàn thiện nội dung Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); đồng thời, làm tốt công tác truyền thông để người dân thấy đây là sản phẩm của mình, do mình và cho mình. Cả nước cũng thấy được Luật Thủ đô là thực hiện đúng tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

Hoàng Phúc

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích