Hiệu quả tạo việc làm cho người sau cai nghiện
Tái sinh cuộc đời nhờ ổn định việc làm
Gặp anh L.Q.D – chủ một cửa hàng tạp hóa ở đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, ít ai ngờ rằng cách đây nhiều năm, cuộc đời anh đắm chìm trong ma túy. Với sự động viên của gia đình và quyết tâm của bản thân, anh đã cai nghiện thành công. “Thời gian đầu mới cai nghiện, tôi cũng chưa biết sẽ phải làm lại cuộc đời bằng cách nào. May mắn khi tôi được biết đến nguồn vốn vay ưu đãi dành cho người sau cai nghiện và năm 2016, tôi mạnh dạn làm đơn vay 20 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Cầu Giấy để mở cửa hàng tạp hóa, mua máy ép nước mía. Từ đó đến nay, vợ chồng tôi có việc làm, thu nhập đều đặn, bản thân tôi tự tin hòa nhập”- anh L.Q.D chia sẻ.
Học viên tham gia lao động trị liệu tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội. |
Anh P.V.U ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy cũng có câu chuyện tương tự. Với quyết tâm làm lại cuộc đời, sau khi cai nghiện, được sự hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương, anh P.V.U đã tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội quận và mở được cửa hàng làm tóc, chăm chỉ làm ăn, từ bỏ hoàn toàn ma túy gần 10 năm nay.
Trường hợp khác là anh L.M.Q, ở phố Vọng Đức, phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm).Từng nghiện ma túy nhiều năm, sau đó, nhờ người thân động viên, chính quyền địa phương định hướng, tạo điều kiện, anh L.M.Q đã nỗ lực cai nghiện thành công, rồi mở cửa hàng bán phở để mưu sinh. “Có công việc để làm, có thu nhập… đó chính là cũng động lực giúp tôi tránh xa con đường lầm lỡ suốt nhiều năm nay, để sống một cuộc sống thực sự ý nghĩa”- anh LM.Q tâm sự.
Hay như trường hợp anh T.T.H, ở phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng). Sau thời gian điều trị cai nghiện ma túy trở về bên gia đình, cộng đồng, anh T.T.H được chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy (Câu lạc bộ B93). Tại đây, anh T.T.H được động viên, giúp đỡ về nhiều mặt với sự cảm thông, chia sẻ, nên bản thân anh dần tìm lại chính mình. Khi cuộc sống không còn lệ thuộc vào ma túy, anh T.T.H tập trung làm ăn, mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình. Hiện anh T.T.H là giám đốc một công ty xuất, nhập khẩu thực phẩm.
Tiếp tục trao sinh kế cho người sau cai nghiện
Những câu chuyện trên đây cho thấy, tạo sinh kế ổn định cho người sau cai nghiện trở về chính là giải pháp nhân văn, quan trọng nhất để giúp họ tránh được nguy cơ tái nghiện, sớm hòa nhập cộng đồng. Trên thực tế, giải pháp này đã và đang được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội triển khai đồng bộ với nhiều hình thức, trước hết là chú trọng hướng nghiệp mở các lớp đào tạo nghề cho học viên ngay tại cơ sở cai nghiện.
Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội cho biết, ngoài công tác điều trị cắt cơn, giải độc, hiện các cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Sở LĐTBXH Hà Nội đặc biệt chú trọng tư vấn hướng nghiệp, mở các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho học viên trong quá trình điều trị tại cơ sở. Các nghề đào tạo khá đa dạng, phù hợp với thể trạng sức khỏe và năng lực của học viên.
Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội Ngô Văn Ất cho biết, hằng năm, đơn vị phối hợp với Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Sóc Sơn mở từ 3 đến 4 lớp đào tạo nghề điện dân dụng, hàn, hàn điện, may công nghiệp cho khoảng 90 – 130 học viên. Hoàn thành các khóa đào tạo, học viên được làm nghề tại chỗ, đồng thời được bao tiêu sản phẩm đầu ra. Cách này vừa giúp học viên tham gia lao động trị liệu, qua đó dần hình thành những suy nghĩ tích cực, vừa có thu nhập, vừa có nghề để tăng cơ hội tái hòa nhập sau khi kết thúc thời gian điều trị cai nghiện, trở về gia đình, cộng đồng.
Đối với những người đã cai nghiện thành công, biện pháp mà các cơ quan chức năng thực hiện để giúp họ chống tái nghiện là tạo cơ hội cho họ tiếp cận với nguồn vay vốn ưu đãi để tự tạo việc làm. Theo số liệu của Sở LĐTBXH Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, toàn Thành phố đã có 60 người sau cai nghiện được vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm. Biện pháp khác là các ngành, địa phương phối hợp tạo cơ hội việc làm cho họ. Chẳng hạn, tại Ngày hội giao dịch việc làm quận Tây Hồ năm 2023 diễn ra đầu tháng 7 vừa qua, đối tượng được tư vấn hướng nghiệp, kết nối việc làm không chỉ có người lao động, học sinh, sinh viên, mà còn có những người đã cai nghiện thành công và một số trường hợp từng lầm lỡ khác.
Ngoài ra, nhằm tăng sự liên kết để tăng hiệu quả trợ giúp, hiện nay, đại đa số xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội phân công, giao trách nhiệm cho cán bộ, tình nguyện viên tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở tiến hành quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy trở về địa phương. Từ đầu năm 2023 đến nay, các địa phương đã tiếp nhận quản lý, chăm sóc, giúp đỡ gần 1.000 người sau khi hoàn thành thời gian chấp hành cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện ma túy tự nguyện trở về nơi cư trú; đồng thời duy trì quản lý các trường hợp trở về trong những năm trước, trong đó nhiều người đã có việc làm.
“Giúp người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập xã hội, từ bỏ con đường từng lầm lỡ là giải pháp thiết thực nhằm đẩy lùi ma túy, góp xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh. Vì thế, ngành LĐTBXH và các cơ quan chức năng, các địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện để đạt hiệu quả cao hơn”, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Nguyễn Tây Nam nói.
Nguồn: Báo lao động thủ đô