5 bước triển khai xây dựng Hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001

ISO 14000 là bộ tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý môi trường (HTQLMT) do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) xây dựng và ban hành nhằm đưa ra các chuẩn mực để xác định, kiểm soát và theo dõi ảnh hưởng của tổ chức, doanh nghiệp đến môi trường. Trong đó, tiêu chuẩn ISO 14001 thuộc bộ tiêu chuẩn ISO 14000 được ban hành lần đầu vào năm 1996, lần thứ hai vào năm 2004 và lần thứ ba vào năm 2015.

Tại Việt Nam, ngày 31/12/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001:2015. TCVN này được chấp nhận và hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001:2015. Đây là phiên bản mới nhất và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng thay thế phiên bản cũ.

 Xây dựng và áp dụng HTQLMT theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015 mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Theo đó, để triển khai xây dựng HTQLMT theo tiêu chuẩn ISO 14001, doanh nghiệp, tổ chức cần thực hiện qua 5 bước, bao gồm: Xây dựng chính sách môi trường; Lập kế hoạch về quản lý môi trường; Thực hiện và điều hành; Kiểm tra và hành động khắc phục; Xem xét của lãnh đạo.

Cụ thể, bước đầu tiên xây dựng chính sách môi trường được xem là kim chỉ nam cho việc áp dụng và cải tiến hệ thống quản lý môi trường của tổ chức sao cho tổ chức có thể duy trì và nâng cao kết quả hoạt động môi trường. Do vậy, chính sách cần phản ánh sự cam kết của lãnh đạo cao nhất về việc tuân theo yêu cầu của luật pháp và các yêu cầu khác được áp dụng, về ngăn ngừa ô nhiễm và cải tiến liên tục. Đây là giai đoạn đầu của cấu trúc HTQLMT, là nền tảng xây dựng và thực hiện HTQLMT. Chính sách môi trường phải được xem xét thường xuyên để đảm bảo hệ thống được thực hiện đầy đủ.

Giai đoạn hai lập kế hoạch về quản lý môi trường được thiết lập một cách hiệu quả là khi tổ chức phải đạt được sự tuân thủ với các yêu cầu về pháp luật và tuân thủ các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 14001 và những mong đợi kết quả môi trường do chính mình lập ra.

Trong bước này, doanh nghiệp cần xác định các khía cạnh môi trường trong phạm vi HTQLMT của mình. Khi xác định khía cạnh môi trường cần tính đến các hoạt động, quá trình kinh doanh có liên quan đến khí thải, nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại… hay các vấn đề về ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước mặt, môi trường đất và nước ngầm… sử dụng nguyên liệu thô và nguồn tài nguyên thiên nhiên, các vấn đề môi trường của địa phương và cộng đồng xung quanh. Đồng thời, doanh nghiệp cần thiết lập mục tiêu, chỉ tiêu và chương trình quản lý môi trường nhằm đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu đặt ra.

Giai đoạn thứ ba thực hiện và điều hành cung cấp các công cụ, quy trình và các nguồn lực cần thiết để vận hành HTQLMT một cách bền vững. Giai đoạn thực hiện và điều hành đưa HTQLMT vào hoạt động. Giai đoạn này yêu cầu cập nhật liên tục những thay đổi như phân công lại trách nhiệm cho nhân viên khi các hoạt động hoặc sản phẩm của tổ chức thay đổi, hay những thay đổi nhu cầu đào tạo theo thời gian, chính sách và các thủ tục thông qua sự cải tiến liên tục.

Giai đoạn thứ tư kiểm tra và hành động khắc phục thể hiện hoạt động vận hành của hệ thống HTQLMT, đây là giai đoạn xem xét cải tiến quá trình hoặc quyết định những thay đổi cho các giai đoạn khác. Giai đoạn thể hiện bước kiểm tra trong chu trình PDCA (Lập kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra – Đánh giá).

Giai đoạn thứ năm là giai đoạn cuối của mô hình liên quan đến hoạt động xem xét của lãnh đạo về HTQLMT. Quá trình xem xét yêu cầu thu thập thông tin liên quan tới HTQLMT và thông báo các thông tin này tới lãnh đạo cấp cao theo kế hoạch định trước. Mục đích của quá trình xem xét này nhằm đảm bảo tính phù hợp liên tục của HTQLMT, xác định tính đầy đủ, thẩm tra tính hiệu quả của hệ thống, tạo điều kiện cải tiến liên tục HTQLMT, các quá trình và thiết bị môi trường… Từ kết quả xem xét của lãnh đạo về các thiết bị và nhân lực sử dụng trong quá trình áp dụng HTQLMT cũng như các kết quả hoạt động về môi trường, tổ chức sẽ quyết định được điều kiện hiện tại có thể chấp nhận được và điều gì cần phải thay đổi.

Nhìn chung, việc xây dựng và áp dụng HTQLMT theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như cải tiến kết quả thực hiện, loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí, song song với đó là tuân thủ nghiêm yêu cầu pháp luật về bảo vệ môi trường…

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích