Bảo tồn và phát triển Chợ truyền thống trong trung tâm đô thị – Góc nhìn của KTS

Bảo tồn và phát triển Chợ truyền thống trong trung tâm đô thị – Góc nhìn của KTS

Ngày nay, chợ truyền thống tại các đô thị đang dần mất đi lợi thế của mình. Chợ truyền thống đang chịu sự cạnh tranh của nhiều loại hình phân phối hàng hóa khác trong đô thị, đặc biệt là các đô thị hiện đại, đô thị thông minh.

Tại Việt Nam, chợ là một trong 5 loại công trình dịch vụ cơ bản trong đô thị. Hiện nay, có khoảng 9000 chợ đang hoạt động, chiếm khoảng 40% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước; hoạt động theo mô hình mua bán truyền thống. Với hơn 5200 chợ được xây mới và cải tạo hơn 10 năm qua, tạo khoảng 2,5 triệu việc làm, nhưng đồng thời chợ cũng tạo nên sự “nhếch nhác” trong đô thị…

Bảo tồn và phát triển Chợ truyền thống trong trung tâm đô thị - Góc nhìn của KTS - Tạp chí Kiến Trúc
Chợ Santa Caterina, thành phố Barcelona, Tây Ban NhaKTS Benederra Tagliabue, hãng kiến trúc Enric Miralles

Chợ là nơi có đa dạng các mặt hàng hóa, với giá cả và hình thức thanh toán rẻ nhất trong số các loại hình thức phân phối hàng hóa, được mặc cả và thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt. Ngày nay, chợ truyền thống tại các đô thị đang dần mất đi lợi thế của mình.

Chợ truyền thống đang chịu sự cạnh tranh của nhiều loại hình phân phối hàng hóa khác trong đô thị, đặc biệt là các đô thị hiện đại, đô thị thông minh (như siêu thị, TTTM, cửa hàng tiện lợi, mua sắm online…). Những rủi ro và yếu thế của mô hình chợ truyền thống trong đô thị (bị thâu tóm đất vàng – là vị trí các chợ truyền thống hiện nay, dịch bệnh Covid 19, vệ sinh môi trường và các tiện ích công cộng kém…) cũng đang làm cho việc bảo tồn và phát triển nó ngày càng khó khăn.

Vậy, chợ theo mô hình truyền thống tại các đô thị còn cần nữa không? Cần khai thác thế mạnh gì để tồn tại và phát triển? Với vai trò, trách nhiệm của kiến trúc trong vấn đề “Phát triển bền vững văn hóa, kinh tế, xã hội” và góc nhìn từ KTS góp phần bảo tồn, phát triển chợ truyền thống trong trung tâm đô thị, chúng ta hãy thử đi tìm lời giải…

Bảo tồn và phát triển Chợ truyền thống trong trung tâm đô thị - Góc nhìn của KTS - Tạp chí Kiến Trúc
Hoạt động và cách bố trí quầy hàng phổ biến tại các chợ truyền thống trong đô thị hiện nay

I. Khái niệm cơ bản, đặc điểm, phân loại, thực trạng hoạt động các chợ truyền thống trong trung tâm đô thị

1. Khái niệm cơ bản

Theo TCVN 9211:2012 định nghĩa: “Chợ là một môi trường kiến trúc công cộng của một khu vực dân cư được chính quyền quy định, cho phép hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ thương nghiệp”; Tính “truyền thống” của chợ: là truyền thống về loại hình và tính chất kinh doanh, không phải là “truyền thống” về kiến trúc.

2. Đặc điểm của chợ

Có 5 đặc điểm chính của chợ truyền thống, gồm đặc điểm về hàng hóa lưu thông, đặc điểm về chủ thể tham gia hoạt động, đặc điểm về phương thức giao dịch và thanh toán, đặc điểm về không gian hoạt động, đặc điểm về thời gian họp chợ, đặc điểm về cấu trúc và cơ sở vật chất của chợ.

Trong số các đặc điểm kể trên, dưới góc nhìn kiến trúc, chúng ta cần quan tâm đến đặc điểm về phương thức giao dịch và thanh toán, đặc điểm về không gian hoạt động và đặc điểm về cấu trúc, cơ sở vật chất của chợ.

3. Phân loại chợ

Theo TCVN 9211:2012, chợ phân theo loại hình kinh doanh có 6 loại, cần chú ý 2 loại là chợ tổng hợp và chợ truyền thống văn hóa (mô hình chợ kết hợp kinh doanh và hoạt động văn hóa khác). Theo Nghị định 114/2009/NĐ-CP, quy mô chợ phân theo hạng: Chợ hạng I có 400 điểm KD và xây dựng kiên cố, có đủ các loại dịch vụ; Chợ hạng II có 200-400 điểm KD; Chợ hạng III có dưới 200 điểm KD.

4. Thực trạng hoạt động

Tham khảo tại các chợ truyền thống trong trung tâm đô thị TP Đà Nẵng, hoạt động kinh doanh ở các chợ có một số vấn đề sau:

  • Tỷ trọng phân phối hàng hóa: 52% / tổng các kênh phân phối hàng hóa;
  • Giải quyết việc làm: 15.000 LĐ trực tiếp và gián tiếp;
  • Ngành hàng phổ biến: Thực phẩm tươi sống (49%);
  • Ngành hàng sẽ giảm (do thay đổi HTPP): Trang sức đắt tiền, điện tử, điện máy (tỷ trọng hiện nay 2-3% qua chợ);
  • Chất lượng hàng hóa: Trung bình;
  • Hạn chế nhất: Dịch vụ, tiện ích, chất lượng phục vụ.
tm-img-alt
Bảng 1: Bảng tổng hợp ngành hàng kinh doanh, tỷ trọng hàng hóa tại các chợ (tham khảo tại Tp Đà Nẵng)
Bảo tồn và phát triển Chợ truyền thống trong trung tâm đô thị - Góc nhìn của KTS - Tạp chí Kiến Trúc
Hoạt động bên ngoài và ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị của các chợ truyền thống
Bảo tồn và phát triển Chợ truyền thống trong trung tâm đô thị - Góc nhìn của KTS - Tạp chí Kiến Trúc
Chợ Cửa Nam – Hà Nội, xưa… và nay? Hay là một cách thâu tóm đất vàng?

5. Các mặt hạn chế chung của chợ trong trung tâm đô thị hiện nay

Chỉ hướng đến một mục tiêu duy nhất là bán hàng, mua hàng và ra về. Cụ thể:

  • Tổ chức mặng bằng và kinh doanh: Lấn chiếm vỉa hè, lề đường; tỉ lệ, diện tích và cách bố trí ngành hàng bất cập; thiếu dịch vụ, tiện ích, phụ trợ KT, kho bãi;
  • Điều kiện PCCC: Hệ thống trang thiết bị PCCC không đáp ứng QCVN 06:2022;
  • Ngôn ngữ kiến trúc và quy hoạch: Kiến trúc thập niên 90, vật liệu lỗi thời, thiếu bản sắc địa phương, quy hoạch mật độ cao;
  • Khả năng thích ứng: Khả năng tận dụng thông gió, chiếu sáng tự nhiên hạn chế; thiếu các không gian tĩnh, nghỉ ngơi, trải nghiệm cho khách;
  • Chất lượng dịch vụ, hàng hóa, điều kiện VSMT và phòng chống dịch bệnh: Thiếu và yếu cho cả người bán và người mua; khó kiểm soát chất lượng; khó triển khai phòng dịch và BVMT.
Bảo tồn và phát triển Chợ truyền thống trong trung tâm đô thị - Góc nhìn của KTS - Tạp chí Kiến Trúc
Các mặt hạn chế chung của chợ trong trung tâm đô thị hiện nay: Chỉ hướng đến một mục tiêu duy nhất là bán hàng, mua hàng và ra về, không gì hơn

II. Cơ sở khoa học tạo cơ hội cho việc bảo tồn và phát triển mô hình chợ truyền thống trong các trung tâm đô thị ở nước ta

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều loại hình thương nghiệp mới với các phương thức văn minh, hiện đại ra đời (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử…). Tuy nhiên, chợ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của nước ta, góp phần mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề sản xuất, giải quyết việc làm, giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương.

Trong khía cạnh hội nhập quốc tế, chợ còn giữ vai trò là kênh thu mua trực tiếp từ hộ nông dân, nhà sản xuất thủ công, thúc đẩy việc áp dụng các mô hình sản xuất hàng hóa hiện đại vừa để mở rộng quy mô sản xuất, vừa nâng cao chất lượng và hạ giá thành, vừa góp phần tạo ra các mặt hàng nông sản đặc biệt có thể xuất khẩu. Chợ còn là nơi quảng bá sản phẩm, nhất là những sản phẩm riêng đặc sản của mỗi vùng, địa phương, mở ra các cơ hội phát triển sản phẩm gắn với việc thu hút khách thăm quan, du lịch tại địa phương đó.

Bảo tồn và phát triển Chợ truyền thống trong trung tâm đô thị - Góc nhìn của KTS - Tạp chí Kiến Trúc
Các kênh phân phối hàng hóa đang ngày càng phổ biến hiện nay – Siêu thị, TTTM, Cửa hàng tiện lợi, Thương mại điện tử
Bảo tồn và phát triển Chợ truyền thống trong trung tâm đô thị - Góc nhìn của KTS - Tạp chí Kiến Trúc
Chợ mới Markthal, Rotterdam, Hà Lan

Vậy cơ hội nào để bảo tồn và phát triển mô hình chợ truyền thống trong các trung tâm đô thị ở nước ta hiện nay?

1. Mô hình từ các nước châu Âu

Phát triển theo 3 xu hướng chính, nổi bật là “Xu hướng bảo tồn, duy trì chợ đồng thời là một phần cảnh quan, một điểm nhấn về quy hoạch, kiến trúc trong đô thị”

Bảo tồn và phát triển Chợ truyền thống trong trung tâm đô thị - Góc nhìn của KTS - Tạp chí Kiến Trúc
Mô hình Trung tâm thương mại, vui chơi giải trí kết hợp chợ đêm Hellio, TP Đà Nẵng,

2. Mô hình từ các nước châu Á

  • Hoàn hiện môi trường pháp lý và thúc đẩy các mô hình chợ bán buôn, chợ đầu mối nông thủy sản;
  • Tổ chức mặt bằng kinh doanh theo hướng văn minh, sạch sẽ, hiện đại, phân khu rõ ràng, linh hoạt, và gắn với nét đặc trưng về văn hóa, ẩm thực để thu hút du khách đến chợ;
  • Cung cấp nhiều dịch vụ hơn, giao dịch hiện đại hơn…
  • Xây dựng các chương trình trải nghiệm cho khách gắn với tổ chức giao lưu văn hóa bản địa.

3. Bài học từ một số mô hình trong nước

  • Đa số chuyển thành TTTM, Siêu thị và “đẩy” tiểu thương chợ cũ xuống tầng hầm;
  • Các tiện ích chủ yếu phục vụ Siêu thị, TTTM nên việc kinh doanh của tiểu thương không hiệu quả, khách mua hàng cũng bất tiện khi tiếp cận, và càng ngày việc kinh doanh càng không hiệu quả và “mất đi” bản sắc của chợ cũ;
  • Phát triển chợ cần gắn với mục tiêu kết hợp yếu tố cộng đồng, văn hóa bản địa, xu hướng mua sắm tương lai… Việc kết hợp du lịch có thể là hướng đi mới phù hợp giúp cho chợ cũ được bảo tồn và phát triển hơn…

III. Góc nhìn của KTS về một số giải pháp giúp Chợ truyền thống trong trung tâm đô thị được bảo tồn và phát triển

Dưới góc nhìn của KTS, bảo tồn và phát triển chợ truyền thống ngày nay cần đáp ứng các tiêu chí cơ bản: Tuân thủ quy hoạch chung, quy hoạch khu vực, quy hoạch ngành; phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế – nhất là quy chuẩn về PCCC; tổ chức không gian mặt bằng linh hoạt, thích ứng và phù hợp tương lai. Ngoài ra cần có các tiêu chí đặc biệt như: Phù hợp điều kiện tự nhiên, ứng phó dịch bệnh và bảo vệ môi trường; thích ứng xu hướng văn hóa, xã hội (nhu cầu, lối sống tập quán sinh hoạt hiện đại); kiến trúc thân thiện, hiện đại, có tính bản địa cao đi kèm hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với các công nghệ thông minh.

Bảo tồn và phát triển mô hình chợ truyền thống trong các trung tâm đô thị không chỉ là giữ lại một kênh phân phối hàng hóa lâu đời, mà còn giữ lại việc làm cho bà con, giữ lại đất vàng để tạo lập thành những mảng xanh cho cộng đồng và phát huy văn hóa, kiến trúc mang màu sắc bản địa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho địa phương.

1. Kiến trúc chợ và cơ hội trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách, phục vụ tốt hơn cho cộng đồng

  • Đa số các chợ trung tâm đô thị có vị trí rất đẹp, chợ vẫn sẽ là đề tài hấp dẫn với giới KTS. Chúng ta đã từng có những thiết kế chợ nhiều cảm xúc (như chợ Đông Hà), chợ Bến Thành…
  • Công nghệ vật liệu mới, kỹ thuật xây dựng hiện đại, xu hướng quy hoạch, kiến trúc, dấu ấn bản địa và thói quen mua bán mới của người dân sẽ là cơ hội để kiến trúc chợ trở thành công trình công cộng hấp dẫn cho cộng đồng, phục vụ tốt hơn cho dân cư bản địa, và là điểm đến thu hút với du khách, để thông qua đó hình thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn như chính những lợi thế mà chợ vốn có từ xa xưa.

2. Tổ chức mặt bằng và thiết kế gian hàng

  • Không gian giao thông của khách: Không chỉ đơn giản là bố trí theo ô bàn cờ như hiện nay, mà cần có trục chính và tuyến nhánh rõ ràng nhằm hạn chế sự cơi nới của các kios, và tăng sự linh hoạt trong sắp xếp các khu vực mua sắm, tránh cho khách và người mua hàng như lạc vào “mê hồn trận” và rất khó định hướng như hiện nay.
  • Thiết kế gian hàng: Với nhiều công nghệ vật liệu hiện đại, tính thẩm mỹ cao, giá thành rẻ, sử dụng các loại vật liệu tái chế (như gỗ, thùng contener, thép tấm…), ngày nay, việc design các loại kios khá đa dạng và dễ dàng bố trí trong nhiều không gian khác nhau theo mô hình “nhà trong nhà”, không nhất thiết phải sử dụng các ngăn chia cố định và cứng nhắc như trước.

3. Không gian văn hóa mới cho chợ

Trọng tâm của phân khu chức năng trong mô hình chợ hiện đại là cần bố trí thêm không gian văn hóa – nơi gặp gỡ, giao lưu, biểu diễn nghệ thuật hay các hoạt động cộng đồng với nét đặc trưng trong văn hóa địa phương để thu hút du khách và người dân đến trải nghiệm và mua sắm.

Lời kết: Để bảo tồn và phát triển Chợ truyền thống trong trung tâm đô thị, cần nhiều hơn nữa các nghiên cứu có tính chuyên sâu của giới kiến trúc chúng ta và các nhà kinh tế học, cần cái tâm và trách nhiệm của những nhà quản lý và đầu tư. Và hơn cả, chợ truyền thống vẫn có được một vị trí xứng đáng trong không gian kiến trúc cảnh quan của đô thị, là điểm nhấn thu hút cho mỗi địa phương góp phần phát triển du lịch, văn hóa, kinh tế xã hội.

ThS.KTS Ngô Bá Tuấn Anh
Viện Thiết kế Tổng cục Hậu cần – Bộ Quốc Phòng

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích