Kiều hối vẫn nhiều triển vọng

Một chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, với việc đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ khiến hoạt động kinh tế nhanh chóng được phục hồi, kéo theo thu nhập của người dân được cải thiện và từ đó thì kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan.

Những con số tích cực

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong quý I/2021, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM – địa phương thu hút kiều hối nhiều nhất Việt Nam – đã đạt 1,45 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2020. Đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay, ước tính lượng kiều hối đổ về TP.HCM 6 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 3,2 tỷ USD (tăng 22,34% so với cùng kỳ năm 2020). Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc kiều hối chuyển về TP.HCM vẫn tăng khá mạnh cho thấy điểm sáng tương đối tích cực.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính, lượng kiều hối đổ về TP.HCM lâu nay chủ yếu tới từ Mỹ, Úc, Canada và một số quốc gia phát triển khác… Nhìn chung trong nửa đầu năm nay, những quốc gia này đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao, sản xuất kinh doanh phục hồi, đời sống của người dân dần ổn định. Chẳng hạn như Canada có tỷ lệ dân số tiêm chủng vượt Mỹ khi có hơn 50% dân số quốc gia này từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm đầy đủ. Còn ở Mỹ, con số này theo báo cáo của CDC là khoảng hơn 48%. IMF mới đây cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay có thể lên tới 7%. Khi tăng trưởng kinh tế được hồi phục thì thu nhập của người dân, trong đó có đối tượng kiều bào Việt Nam, cũng có xu hướng tăng lên.

Dự báo năm 2021, kiều hối về TP.HCM khoảng 6,5 tỷ USD - tăng 6,5% so với 2020
Dự báo năm 2021, kiều hối về TP.HCM khoảng 6,5 tỷ USD – tăng 6,5% so với 2020

Trong khi “tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến phức tạp từ đầu năm, nhất là ở đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này thì các tỉnh phía Nam, trong đó TP.HCM chịu nặng nề nhất đã kéo theo thu nhập của người dân giảm đi đáng kể. Tôi cho rằng đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều kiều bào gửi tiền về để hỗ trợ, giúp đỡ người thân trong điều kiện hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Ghi nhận trên thị trường, nhiều ngân hàng đã triển khai mạnh mẽ các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng là kiều bào chuyển tiền về. Sacombank – vốn là một trong những ngân hàng có thế mạnh về kiều hối đã phối hợp với Visa triển khai khuyến mãi dành cho khách hàng nhận tiền Visa Direct bằng thẻ Sacombank Visa Debit được chuyển từ nước ngoài qua dịch vụ MoneyGram hoặc Remitly. 50.000 chủ thẻ đầu tiên nhận tiền trong thời gian từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/9 sẽ được tặng 5 USD.

Agribank cũng đã triển khai chương trình khuyến mại thường niên “Kiều hối Agribank – Tích điểm nhận quà”. Theo đó, trong 6 tháng cuối năm, mỗi giao dịch chuyển hoặc nhận tiền kiều hối qua hệ thống WU tại nhà băng được hệ thống tự động tích điểm để nhận quà. VietinBank cũng nhanh chóng đẩy mạnh tự động hóa giao dịch kiều hối như giao dịch online, nhận tiền online qua tài khoản và Internet, kết hợp triển khai các chương trình ưu đãi về giá phí, tặng quà cho khách hàng mới sử dụng dịch vụ, hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng qua các kênh mạng xã hội… nhờ đó lượng kiều hối chuyển về qua ngân hàng vẫn đang được duy trì.

Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng hồi phục tốt

Có cái nhìn tích cực về dòng kiều hối về Việt Nam năm nay, một chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, với việc đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ khiến hoạt động kinh tế nhanh chóng được phục hồi, kéo theo thu nhập của người dân được cải thiện và từ đó thì kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan. Một trong những yếu tố cũng được vị chuyên gia này đề cập tới đó là việc không ít kiều bào tích cực gửi tiền về Việt Nam để mua bán, đầu tư đón đầu cơ hội khi kinh tế ở Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu hồi phục và Việt Nam vừa ký kết và đang triển khai thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA hay UKVFTA…

Trên thực tế, từ nhiều năm trở lại đây, kiều hối được kiều bào chuyển về không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ người thân mà còn đổ nhiều vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM cũng cho biết, kiều hối chuyển về chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế của thành phố và cũng là nguồn cung ổn định ngoại tệ trên địa bàn cũng như cả nước. Dự báo năm nay, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt khoảng 6,5 tỷ USD – tăng 6,5% so với năm 2020 (6,1 tỷ USD).

Kiều hối chảy nhiều hơn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh phần nhiều do nền kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng rất tích cực, trong khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Đặc biệt những thành công trong công tác phòng chống dịch Covid-19 càng khiến kiều bào tin tưởng chuyển vốn về nước để đầu tư kinh doanh. Chẳng hạn như năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19 bùng phát đã đẩy nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, rơi vào suy giảm, song Việt Nam chẳng những đã khống chế rất tốt dịch bệnh mà vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương.

Năm nay cũng vậy, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Việt Nam vẫn được nhiều tổ chức quốc tế, cũng như các nhà đầu tư trên thế giới đưa ra dự báo tăng trưởng khá lạc quan. Như WB đánh giá mức tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,6%, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán là 6,5%. Ngân hàng UOB cũng đưa ra con số tích cực lên đến 6,7%, cao hơn so với mục tiêu của Chính phủ Việt Nam đề ra là 6-6,5%.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán tăng trưởng bùng nổ trong những tháng đầu năm cũng là một hấp lực đối với dòng kiều hối chuyển về nước. Bên cạnh đó, việc tỷ giá được duy trì ổn định trong nhiều năm qua cũng là một yếu tố tích cực thu hút dòng vốn FDI và cả kiều hối. Tính trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ giá USD/VND tiếp tục giữ ổn định khi tỷ giá trung tâm chỉ tăng 0,2% so với đầu năm. Tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường và mục tiêu của chính sách tiền tệ, nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định.

Với tất cả những yếu tố trên, nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng dòng kiều hối chuyển về nước sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm nay.

Tại báo cáo cập nhật dữ liệu kiều hối toàn cầu công bố hồi tháng 5/2021, WB đã điều chỉnh ước tính lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 từ mức 15,7 tỷ USD (trong báo cáo tháng 10/2020) lên 17,2 tỷ USD. Với con số này, Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Tính riêng khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Philippines. Xét theo quy mô nền kinh tế, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 tương đương 5% GDP, nằm trong top 10 thế giới.

Trong 5 năm qua, WB ước tính tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam đạt khoảng 71 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 6% mỗi năm.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích