CEO MSH Group ông Nguyễn Xuân Lộc: Thị trường bất động sản sẽ khởi sắc cuối năm 2023
(Xây dựng) – “Tôi có một niềm tin, cuối năm 2023 thị trường bất động sản (BĐS) sẽ có sự khởi sắc tích cực hơn rất nhiều. Năm 2024 sẽ ghi nhận những dấu ấn chuyển biến mạnh mẽ và 2025 sẽ là một sự tăng trưởng bùng nổ”. Ông Nguyễn Xuân Lộc – CEO MSH Group đã chia sẻ tại sự kiện Báo cáo Thị trường BĐS 06 tháng đầu năm 2023.
Ông Nguyễn Xuân Lộc – CEO MSH Group tại sự kiện Báo cáo Thị trường BĐS 06 tháng đầu năm 2023. |
PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về nhận định thị trường BĐS sớm khởi sắc trở lại?
Ông Nguyễn Xuân Lộc: Có thể thấy rằng diễn biến thị trường BĐS thời gian qua đang là chủ đề nóng được trao đổi trên các diễn đàn, hội thảo hay trên các phương tiệu truyền thông. Những rào cản thị trường vừa rồi đang là vấn đề nóng hổi được Chính Phủ chỉ đạo, các cơ quan ban ngành vào cuộc tháo gỡ. Tôi cho rằng, các vấn đề về nguồn vốn, luật đất đai sửa đổi và giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là những yếu tố cộng hưởng góp phần tạo đòn bầy cho thị trường BĐS.
Cụ thể, ghi nhận thực tế, ngân hàng nhà nước đã 04 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành vào các ngày 15/3/2023, ngày 03/4/2023, ngày 25/5/2023 và đợt gần nhất vào ngày 19/6/2023. Hiện nay, trong 06 tháng vừa qua, ở kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất vay mua nhà giảm khoảng 1% – 2%/năm trong khi đó, lãi suất huy động giảm khoảng 1,1% – 2%.
Các chính sách điều hành vĩ mô sẽ thúc đẩy thị trường BĐS hồi phục. |
“Khi mức lãi suất huy động và cho vay giảm sẽ là cơ hội để nguồn vốn ở các kỳ đáo hạn đổ ra thị trường. BĐS sẽ là một trong những kênh thu hút dòng vốn này và Nhà đầu tư hãy dùng cái đầu lạnh để tìm kiếm cơ hội, đừng ôm tiền và quan sát”.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tín dụng vào kinh doanh BĐS trong 5 tháng đầu năm tăng 14%. Điều này cho thấy, các giải pháp về nguồn vốn tín dụng cho thị trường BĐS thời gian qua đã dần phát huy tác dụng.
“Điểm đáng chú ý, trong năm 2023, chúng ta quan sát thấy được sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính Phủ về việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tôi cho rằng, đây là liều thuốc quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế khi nguồn vốn đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, CEO Nguyễn Xuân Lộc cho biết thêm.
Thêm vào đó, giải pháp cấp sổ hồng cho Condotel đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tạo sự an tâm cho người dân. Cụ thể, Nghị định 10/2023 có hiệu lực từ ngày 20/05/2023, công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch (condotel, resort villa…) trên đất thương mại dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, về xây dựng, về kinh doanh BĐS thì được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng thương mại, dịch vụ.
“Tuy nhiên, pháp lý các dự án vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa có nhiều nguồn cung mới ra thị trường, nhiều dự án chưa ra sổ, số lượng dự án ưu tiên giải quyết chủ yếu ở các dự án đã bán xong, đang đợi sổ. Xong những giải pháp từng bước gỡ rối về pháp lý này cũng đã củng cố niềm tin cho người mua sản phẩm condotel nói riêng và bất động nói chung” ông Lộc cho biết thêm.
Ở một số doanh nghiệp lớn dẫn đầu trong lĩnh vực BĐS đã được người đứng đầu Chính Phủ chỉ đạo bộ ngành liên quan làm việc trực tiếp cũng lãnh đạo các tập đoàn để tháo gỡ khó khăn. Trong quý 2 vừa rồi, một vài các dự án của chủ đầu tư lớn khu vực phía nam đã được gỡ về pháp lý.
PV: “Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, ông có thể làm rõ hơn về ý kiến này?
Ông Nguyễn Xuân Lộc: Như chúng ta biết, đường bộ cao tốc Bắc Nam được đặt ra từ năm 2000, kéo từ Lạng Sơn đến Cà Mau với 2.063km, là hành lang vận tải giao thông quan trọng nhất trong kết cấu giao thông cả nước. Giai đoạn 1, dài hơn 650km đường với 11 dự án thành phần, đã thông xe 06 đoạn tuyến. Dự kiến 02 dự án thành phần cuối cùng sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2024.
Trong khi giai đoạn 1 đang gấp rút hoàn thành, thì đầu năm 2023 đã khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (2021 – 2025). Các dự án thành phần vận hành độc lập, kế hoạch hoàn thành năm 2025 và khai thác vận hành từ năm 2026.
Hậu Giang được hưởng lợi từ đầu tư công với 03 tuyến cao tốc đi qua. |
“Ở khu vực phía Nam, khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) được cho là sẽ “khơi thông” dòng chảy phát triển kinh tế xã hội nhờ chính hạ tầng cao tốc đường bộ này. Địa bàn này đã được khởi công 02 tuyến cao tốc Cà Mau – Hậu Giang và Hậu Giang – Cần Thơ vào đầu năm 2023, tháng 6 vừa rồi khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Tuyến cao tốc này khi thông xe sẽ là tuyến liên kết vùng, rút ngắn thời gian di chuyển, góp phần giảm chi phí vận chuyển hàng hóa nội vùng cũng như thông tuyến tới HCM và các bến cảng. Đây là tiền đề và là yếu tố quan trọng hàng đầu để thúc đẩy phát triển công nghiệp, du lịch nói riêng và kinh tế nói chung của cả vùng”, ông Nguyễn Xuân Lộc phân tích thêm.
Có thể nói rằng nguồn ngân sách đầu tư công rót vào hạ tầng giao thông sẽ dẫn dắt nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước đi theo để đón đầu và hưởng lợi từ chính nguồn vốn đầu tư công này. Khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng đã ghi nhận tốc độ phát triển vượt trội trong thời gian vừa qua.
Hậu Giang liên tục trong 06 tháng đầu năm dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế, đạt 14,21% theo số liệu từ Cục Thống Kê Hậu Giang. Khu vực công nghiệp và xây dựng ươc tăng 34,97% so với cùng kỳ, đạt 53,24% so với kế hoạch năm.
Theo số liệu thống kê của Hậu Giang, địa phương này đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước có khối lượng thực hiện được 1.540,51 tỷ đồng, bằng 103,03% so với tháng trước và bằng 105,72% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng loạt các doanh nghiệp lớn trong nước ở các lĩnh vực công nghiệp, đô thị và du lịch đã chọn Hậu Giang, ĐBSCL làm tổng hành dinh. Lĩnh vực công nghiệp, địa phương này ghi nhận đăng ký đầu tư hạ tầng khu công nghiệp từ loạt ông lớn có kinh nghiệm phát triển công nghiệp trên cả nước: Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, Tập đoàn Sao Mai, Công ty Cổ phần Shinec, Liên danh SPG – Hiệp Phước – 620IDIC – VietNaminest, Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái Holdings, Công ty Cổ phần Địa ốc Stavian…).
DIC Victory City Hậu Giang góp phần nâng tầm bộ mặt đô thị Hậu Giang. |
Ở lĩnh vực đô thị xây dựng, địa phương đang xuất hiện các khu đô thị lớn, quy hoạch bài bản góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt đô thị của tỉnh. Tiêu biểu phải kể đến DIC Victory City Hậu Giang, Western Pearl tại thành phố Vị Thanh, Hậu Giang.
Khu vực phía bắc mà cụ thể là trục đường vành đai 4, Hà Nội vừa khởi công tháng 6 năm 2023 và kế hoạch đi vào khai thác 2027 đã tạo động lực như vành đai giao thông, vành đai kinh tế và vành đai đô thị cho toàn khu vực.
“Chúng ta dễ dàng quan sát trên thị trường, khu đô thị HUD Mê Linh Central đã nhanh chóng đón đầu và được dẫn dắt bởi nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông vùng thủ đô. Khu đô thị này đang ghi nhận gần 100 giao dịch thành công trong quý 2 vừa rồi. Sự xuất hiện của khu đô thị đáng sống trung tâm phía bắc thủ đô – Hud Mê Linh Central cùng với sự đón nhận tích cực của khách hàng hiện nay đang thể hiện dấu hiệu đầu tư tư được dẫn dắt và thúc đẩy bởi nguồn vốn đầu tư công”, CEO MSH Group cho biết .
Khu đô thị HUD Mê Linh Central được hưởng lợi từ hạ tầng giao thông Vành đai 4, Hà Nội. |
PV: Ông đánh giá thế nào về sự thay đổi tâm lý và hành động của khách hàng hiện nay?
Ông Nguyễn Xuân Lộc: Trong vài trò đơn vị tư vấn và phát triển BĐS, chúng tôi ghi nhận sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng. Cụ thể, hành động săn tìm BĐS tốt thay thế tâm lý lưỡng lự ngày càng rõ nét ở phía cầu thị trường.
“Số liệu giao dịch trên thị trường trong thời gian qua cho thấy khách hàng đã chuyển từ trạng thái lưỡng lự, cầm tiền ngồi quan sát chuyển sang việc săn tìm các BĐS tốt để sở hữu. Diễn biến giao dịch trên thị trường đã chuyển từ xu hướng giảm sang xu hướng đi ngang”.
Ông Lộc nhận định: “Đặc điểm dễ nhận thấy trong hành vi tiêu dùng BĐS gần đây, khách hàng đang săn tìm các BĐS tốt bằng tài chính của mình, lượng sử dụng gói tín dụng BĐS không đáng kể”. Theo thông tin từ Ngân hàng nhà nước, tín dụng cho tiêu dùng BĐS trong tháng 5 ghi nhận giảm 1,32% (so với tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái).
Khách hàng nhận bàn giao nhà tại Khu đô thị HUD Mê Linh Central tháng 6/2023. |
Thực tế giao dịch cho thấy, thanh khoản ở các dự án do MSH Group triển khai cũng một phần thể hiện xu hướng đi ngang từ tháng 03 đến hết tháng 06 vừa rồi và có tín hiệu đi lên của thị trường BĐS khu đô thị. Cụ thể, thanh khoản trong tháng 4 tăng 112% so với tháng trước, con số này ở tháng 6 đạt 125%. Lượng giao dịch này chiếm phần lớn từ dự án DIC Victory City Hậu Giang và Western Pearl 2 tại thành phố Vị Thanh, Hậu Giang.
Tín hiệu lạc quan nữa của thị trường BĐS thể hiện ở đối tượng khách hàng. Thanh khoản trên thị trường BĐS 06 tháng qua nhận được sự đóng góp đáng kể từ khách hàng nước ngoài. Các sản phẩm chung cư cao cấp khu vực trung tâm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với thiết kế quy hoạch đồng bộ vẫn là sản phẩm được đối tượng người nước ngoài lựa chọn.
Trong khi đó, ở thị trường đất nền ven đô trong tháng 6 vừa qua đã ghi nhận dấu hiệu rục rịch giao dịch trở lại. Cuối tháng 4 vừa rồi, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông báo tiếp tục giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa, hợp thửa cho người sử dụng đất. Quy định này đã cởi trói và tạo thanh khoản cho phân khúc đất nền ven đô.
Chính những động thái từ chỉ đạo vĩ mô của Chính phủ, cơ quan ban ngành và hành động cụ thể của các doanh nghiệp là những mắt xích trong mối liên kết hữu cơ để từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Từ đó, chúng ta sẽ lạc quan dự báo về tín hiệu sớm khởi sắc của thị trường BĐS trong thời gian sớm.
Nguồn: Báo xây dựng