“Tô hồng lá phổi xanh” trên dòng sông Đầm

Sông Đầm được ví như “lá phổi xanh” của TP. Tam Kỳ khi bao quanh là lau sậy um tùm, lắm cá nhiều tôm và phong phú các loại chim di trú, bản địa. Ít ai biết được, trước đây, ven dòng sông này từng là những thửa ruộng do người dân canh tác, thường xuyên bị ngập úng, trồng lúa cho ra năng suất thấp.

sông Đầm
Sông Đầm có 200ha diện tích mặt nước và 300ha diện tích ven bờ với khoảng 10 hộ dân trồng sen, mỗi năm cho thu nhập từ 40 – 50 triệu đồng/hộ

Chuyển lúa thành sen!

Những ngày cuối tháng 6, tiết trời nóng như đổ lửa, dạo một vòng quanh cánh đồng sen bạt ngàn tại khối phố An Hà Đông, phường An Phú, ít ai ngờ được rằng những cánh đồng sen hồng nở rộ lại phát triển trên ruộng lúa bị bỏ hoang. Nhiều hộ dân không mặn mà với cây lúa năng suất thấp đã chọn trồng sen, bởi cây sen có có ưu điểm dễ trồng, thích nghi với vùng đất thấp trũng, úng nước, cần ít vốn đầu tư và công chăm sóc nhưng năng suất ổn định, sản phẩm dễ tiêu thụ, thương lái đến tận vườn thu mua nên lãi cao.

Nhìn về cánh đồng sen bạt ngàn phía trước, ông Huỳnh Kim Minh (50 tuổi), trú tại phường An Phú (TP. Tam Kỳ), chủ đầm sen rộng hơn 2ha tâm sự: “Nhà tôi trồng sen đã được hơn 20 năm nay. Sen trên sông Đầm trồng từ tháng 2, đến tháng 5 là bắt đầu thu hoạch. Trung bình mỗi năm thu được 50 – 60 triệu đồng, có năm trúng mùa cộng dồn lại từng đợt lên đến 100 triệu đồng. Trồng sen đỡ vất vả hơn trồng lúa, lại cho lợi nhuận cao. Tuy nhiên, cũng có vài năm rủi ro do lũ lụt là mùa đó mất trắng. Năm nào nắng hạn thì xem như trúng mùa, hoa trổ miết tới khi lũ về thì thôi”.

Sông Đầm
Chị Lê Thị Dương ngâm mình trong bùn để thu hoạch đài sen giữa trưa hè oi bức

Thu hoạch sen thường trúng vào mùa nắng nóng cao điểm nên có phần vất vả, người dân tại đây thường chèo ghe vào tờ mờ sáng để thu hoạch, khi ghe đầy đài sen cũng là lúc trưa tròn bóng. Người dân vào những chòi tạm để tách hạt và nghỉ trưa, đến chiều mới chèo ghe về. Một số ít lại đợi đến chiều mát, chèo ghe ra hái đài cho đến khi đầy giỏ rồi quyến luyến chia tay đầm sen ngát hương, về nhà!

Dọc hai bên bờ sông Đầm, những hàng cây lau, cây sậy mọc um tùm cùng với những bông hoa sen nảy nở tuyệt đẹp đã trở thành một thảm thực vật đa dạng, là nơi trú ngụ của nhiều loài chim quý hiếm, thích hợp để phát triển du lịch sinh thái. Vì vậy, một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư làm dịch vụ du lịch, đưa du khách đi tham quan, du lịch trên sông, ngắm sen, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Hơn 30 năm gắn bó với sen trên sông Đầm, trồng sen được xem là nguồn thu nhập chính để nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, chị Lê Thị Dương ở tại phường An Phú (TP. Tam Kỳ), bộc bạch: “Diện tích sen chị đang trồng gần 2ha, mỗi năm thu nhập trung bình từ 50 – 60 triệu đồng, chưa kể những mùa chưa có dịch, khách du lịch hay đến tham quan, chị chèo thuyền bên đầm sen cho khách tham quan, chụp ảnh, mỗi chuyến cũng thu được 150.000 ngàn đồng, một ngày chở được vài chuyến. Vì vậy, cũng nhờ có sen mà đời sống gia đình được cải thiện, có kinh phí đóng tiền học, chi tiêu trong gia đình”.

Sông Đầm
Nhiều người phấn khởi vì năm nay ít nhiễm mặn nên sen được mùa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Trồng sen tận dụng được nhiều thứ để bán, hạt sen dùng để nấu chè, xôi, súp bán ra với giá 50.000 đồng/kg để nấu chè, kỹ lưỡng hơn khi hạt được lột trắng giá sẽ lên đến 150.000 ngàn đồng/kg. Nhiều nơi còn thu mua đài sen đã bóc hạt về để bán nấu nước với giá từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, hoa sen bán ra từ 50.000 – 70.000 đồng/bó 10 cây. Đặc biệt, vào dịp lễ, dịp rằm sức mua tăng cao nên cả gia đình chị lại tất bật thay phiên nhau ngâm mình trong bùn để thu hoạch sen”, chị Dương chia sẻ thêm.

Phát triển hệ sinh thái sông Đầm

Hiện nay, trên sông Đầm có gần 15 hộ trồng sen, với diện tích rộng khoảng 15ha. Những năm gần đây, sen trúng mùa, cho thu nhập cao một phần nhờ vào hệ thống đập ngăn mặn do UBND TP. Tam Kỳ đầu tư xây dựng. Ông Nguyễn Hữu Thanh, chuyên viên Phòng Kinh tế UBND TP. Tam Kỳ, cho biết, điểm hạn chế của sông Đầm là phần cửa sông cao hơn phần đáy nên khi mặn vào thì sẽ rất khó để thoát ra ngoài. Hơn nữa, độ mặn trên sông Đầm ngày càng cao, nên từ năm 2008, UBND TP. Tam Kỳ đã cho xây dựng hệ thống đập ngăn mặn. Nhờ có hệ thống này mà các sinh vật trên sông nói chung và việc sản xuất nông nghiệp nói riêng, như trồng sen được phát triển tốt và đạt năng suất cao. Vì thế, thường vào cuối tháng 4 hằng năm, UBND TP. Tam Kỳ chỉ đạo cho đắp đập để ngăn mặn và đến trước mùa mưa bão sẽ tháo ra để mặn trôi theo dòng nước lũ ra ngoài.

Sông Đầm
Việc trồng sen không chỉ giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ dân mà còn tạo nên cảnh quan sinh thái, góp phần vào việc phát triển đa dạng sinh học trên sông Đầm

“Bên cạnh đó, thường niên từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm, UBND TP. Tam Kỳ cũng thành lập một tổ để theo dõi và kiểm soát độ mặn trên sông. Đây là hoạt động nằm trong phương án phòng chống hạn và nhiễm mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp của thành phố. Ngoài ra, sông Đầm là nơi nguồn cung cấp nước cho các trạm bơm nên việc xử lý mặn hằng năm luôn được thực hiện theo đúng kế hoạch và đúng quy trình để không ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân”, ông Thanh cho biết thêm.

Nhận thấy những giá trị về tiềm năng của sông Đầm, UBND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều định hướng quy hoạch, phát triển về kinh tế đồng thời bảo vệ hệ sinh thái đa dạng nơi đây. Cụ thể, mới đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Nam đã có công văn yêu cầu TP. Tam Kỳ thống kê diện tích ao hồ có thể chuyển đổi sang trồng sen, diện tích trồng sen hiện có để đề xuất biện pháp hỗ trợ… nhằm phát triển việc trồng sen cũng như khai thác những giá trị khác từ mô hình trồng sen như chế biến sản phẩm, kết hợp du lịch…

Ông Nguyễn Thành Lệ, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú, cho hay: “Tuy trồng sen tại đây mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng người dân còn trồng hạn chế vì giá mua hạt giống cao nên không mạnh dạn trồng nhiều. Trong khi, việc trồng sen trên sông Đầm đang góp phần phát triển hệ sinh thái, làm đẹp cho “lá phổi xanh” của TP. Tam Kỳ. Vì vậy, lãnh đạo phường đang khảo sát diện tích và số hộ dân mong muốn trồng sen để báo cáo lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Tam Kỳ hỗ trợ cho bà con”.

Sông Đầm
Người dân nghỉ ngơi, ăn trưa trong chiếc chòi tạm sau khi đã thu hoạch sen

Được biết, để phát triển hệ sinh thái sông Đầm, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt và giao UBND TP. Tam Kỳ làm chủ đầu tư dự án “Trồng, phục hồi hệ sinh thái Sông Đầm”. Mục tiêu của dự án là nhằm cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học sông Đầm, phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo cảnh quan và cải thiện môi trường sống cho người dân khu vực. Thời gian thực hiện từ năm 2019 – 2023 với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng.

Trong chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Nam, khu vực Bãi Sậy – Sông Đầm (TP. Tam Kỳ) được định hướng là nơi phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp và là môi trường tự nhiên quan trọng không chỉ của thành phố mà còn của cả tỉnh. Vì vậy, việc trồng sen tại đây không chỉ giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ dân mà còn tạo nên cảnh quan sinh thái, góp phần vào việc phát triển đa dạng sinh học tại “lá phổi xanh” của tỉnh Quảng Nam.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích