Hoạt động xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản không tác động đến vùng biển Việt Nam

Hoạt động xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản không tác động đến vùng biển Việt Nam

Tác động về mặt phóng xạ của quá trình xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima là không đáng kể đối với con người và môi trường Nhật Bản. Vì vậy hoạt động xả thải này sẽ không gây tác động đến vùng biển Việt Nam.

Chú thích ảnh

Các bể chứa nước thải nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 20/1/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Phạm Văn Toàn, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Tác động về mặt phóng xạ của quá trình xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima là không đáng kể đối với con người và môi trường Nhật Bản. Chính vì vậy, hoạt động xả thải này sẽ không gây tác động đến vùng biển Việt Nam.

Chiều 19/7, tại họp báo thường kỳ quý II/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ, trả lời thông tin báo chí quan tâm về việc Nhật Bản xả hàng triệu tấn nước phóng xạ xuống biển có ảnh hưởng đến Việt Nam hay không, ông Phạm Văn Toàn, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Ngày 11/3/2011, tại Nhật Bản, sự cố đã xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daichi do ảnh hưởng của động đất, sóng thần, làm phát sinh một lượng lớn nước thải có chứa phóng xạ.

Để xử lý lượng chất thải này, kế hoạch xả thải của Nhật Bản đã được Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cùng các chuyên gia hàng đầu về an toàn hạt nhân được quốc tế công nhận tiến hành thẩm định dựa trên các tiêu chuẩn an toàn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Các chuyên gia đến từ 11 quốc gia, trong đó có chuyên gia của Việt Nam là Tiến sỹ Nguyễn Hào Quang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử. 

Ngày 4/7/2023, sau hơn 2 năm làm việc, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế đã chính thức trao cho Chính phủ Nhật Bản báo cáo đánh giá, trong đó kết luận: “kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản về việc xả nước thải đã qua xử lý ra biển là phù hợp với Tiêu chuẩn an toàn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế”.

Theo kết quả đánh giá của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, nồng độ của các nhân phóng xạ có trong nước ở khoảng cách 30 km so với vị trí dự kiến xả thải có tỷ lệ rất nhỏ so với nồng độ phóng xạ tự nhiên trong nước biển và hầu như không có tác động về mặt phóng xạ đến môi trường biển.

Kết quả đánh giá cũng cho thấy mức liều bức xạ một người dân Nhật Bản phải nhận do hoạt động xả thải là rất nhỏ so với giới hạn liều đối với công chúng do ảnh hưởng của công việc bức xạ theo quy định hiện nay tại Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN ban hành ngày 18/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng hoặc tại Phụ lục của Tiêu chuẩn GSG-8 năm 2018 của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế về bảo vệ bức xạ cho công chúng và môi trường.

“Trên thực tế, nước thải dự kiến được thải ra biển đã được xử lý để loại bỏ gần như toàn bộ chất phóng xạ, ngoại trừ chất phóng xạ tritium (một chất phát quang phóng xạ của Hydro). Thêm nữa, theo quy trình Nhật Bản xây dựng để thẩm định, trước khi xả thải ra biển, Nhật Bản sẽ tiến hành pha loãng nước đã được xử lý bởi hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến để đưa nồng độ phóng xạ trong nước về dưới tiêu chuẩn quy định. Do đó, có thể thấy, tác động về mặt phóng xạ của quá trình xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima là không đáng kể đối với con người và môi trường Nhật Bản. Chính vì vậy, hoạt động xả thải này sẽ không gây tác động đến vùng biển Việt Nam”, ông Phạm Văn Toàn nêu rõ.

Ông Phạm Văn Toàn cũng nhắc lại khẳng định của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao mới đây: “Việt Nam ủng hộ phát triển sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Việt Nam cho rằng trách nhiệm bảo đảm an toàn an ninh hạt nhân thuộc về quốc gia sử dụng năng lượng nguyên tử, đồng thời đề nghị cần có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, minh bạch trong chia sẻ thông tin, ứng xử có trách nhiệm và theo đúng quy định của luật pháp quốc tế trong trường hợp xảy ra sự cố tai nạn. Việt Nam cũng đề cao việc duy trì hòa bình ổn định trong khu vực, bảo vệ môi trường biển và các tài nguyên biển phù hợp với các quy định của Luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các quy định liên quan của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích